Diễn viên Elle Fanning (trái) và Timothée Chalamet trong phim A rainy day in New York - Ảnh: IMDb
Không hiểu sao khi xem phim A rainy day in New York (Một ngày mưa ở New York) - bộ phim mới nhất của biên kịch - đạo diễn Woody Allen, người viết nhớ đến câu thoại này trong phim You are the apple of my eye.
1. Đôi sinh viên mới yêu, quấn quýt, bỡ ngỡ. Một ngày nọ, họ rời ngôi trường đại học của mình để dấn bước vào một ngày mưa New York.
Bộ phim khởi sự bằng những cảm xúc thi vị của tình yêu non trong, của tuổi trẻ hoang mang, trở thành phông nền cho một vở kịch trào lộng về sự phù phiếm của giới thượng lưu, văn nghệ sĩ.
A RAINY DAY IN NEW YORK International Trailer
Trên "sân khấu" New York ấy, Timothée Chalamet hóa thân thành chàng công tử thành phố, dường như lúc nào cũng chực chờ ném vào mặt những người xung quanh câu nói của Paul Nizan: "Tôi sẽ đập vỡ mặt kẻ nào bảo tuổi hai mươi là cái tuổi đẹp nhất".
Mái tóc lòa xòa, vai nặng trĩu, đôi mắt "ngây ngây mà sầu", cứ nghĩ mình là kẻ lãng mạn sót lại của thế gian. Và có lẽ càng "bi kịch" hơn khi chàng lại mang cái tên Gastby.
Cũng giống như Gastby của nhà văn F. Scott Fitzgerald, chàng bị vây trong một xã hội giàu có và hãnh tiến, với những tiệc rượu, phòng trà, những salon văn chương, thừa mứa vật chất. Thứ vật chất đã chu cấp cho cậu một đời sống tiện nghi để cậu có cái mà nguyền rủa.
Song hành (chứ không đồng hành) cùng Gastby là cô bạn gái Ashleigh Enright (do Elle Fanning thủ vai) - một cô nàng theo như miêu tả của Allen: "tóc vàng suôn mượt, miệng móm tân thời".
Cô nàng tỉnh lẻ, năng động, đem cái sự "ngây ngây thơ thơ (chứ không được ngây thơ)" của mình cùng bạn trai đến New York để thực hiện bài phỏng vấn cho tờ báo trường. New York ấy - Gatsby chán tận cổ, còn nàng thì bị quyến rũ bởi sự hào nhoáng, bị cám dỗ bởi vẻ điển trai của các tài tử điện ảnh, vẻ trải đời, u uất của tay đạo diễn.
Ta có thể thấy hình ảnh của chính Woody Allen trong chính nhân vật đạo diễn Roland Pollard (do Liev Schreiber thủ vai) - một đạo diễn đang có thời, thành danh với những bộ phim lãng mạn, gặp bế tắc trong bộ phim đang thực hiện, trước nguy cơ đánh mất khán giả, và còn một điều quan trọng nữa, có cảm tình đặc biệt với những phụ nữ tóc vàng.
Cặp tình nhân của A Rainy Day In New York
2. Dường như Woody Allen làm A rainy day in New York để hoài niệm, để có thể một lần nhìn lại chính ông qua từng chặng đường đời. Có một phân cảnh khi Gatsby mới về lại thành phố và gặp bạn học cũ của mình đang làm một phim-sinh-viên trên phố.
Mái tóc xoăn, kính cận dày cộm của nhà làm phim trẻ gợi nhắc đến một Woody trẻ tuổi, chập chững làm những thước phim lãng mạn duy mỹ của mình. Cái sự lãng mạn dường như ngày càng lạc điệu trong thế giới hiện đại, nhưng không vì thế mà Allen ngừng theo đuổi.
Suốt phim, cơn mưa rào chầm chậm bọc lấy tất cả, cơn mưa khởi phát rất êm đánh dấu thời khắc đôi tình nhân bắt đầu xô mình vào những hướng khác nhau trong cuộc đời.
Tiếng mưa quyện vào tiếng nhạc jazz khiến ta nhớ đến những tiểu thuyết của Haruki Murakami, về những kẻ không biết làm gì và thường than vãn về sự buồn chán của cuộc đời.
Nhưng Allen không cần những sự kiện đột khởi hay siêu thực, cái cách ông đẩy nhân vật của mình từ trạng huống bình thường vào cảnh "lộn tùng phèo" mang những nét đặc trưng rất Woody Allen.
Cả thời gian cũng gần như ngừng đọng, khi mà ông đặt câu chuyện trong bối cảnh đương đại nhưng dường như các nhân vật đang hít thở trong một khí quyển của thập niên tám mươi, chín mươi và xa hơn nữa.
Cuối cùng, như để đi nốt con đường hoài niệm, A rainy day in New York kết thúc bằng một nụ hôn dưới cơn mưa, theo cái cách rất điển phạm.
"Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào" - cơn mưa rào mà tuổi trẻ phải tắm mình trong đó một lần, để thấy rằng tất cả những hoang mang, những nỗi buồn đều là phù phiếm. Phù phiếm, nhưng nếu ta nhận chân thì đã không còn là tuổi trẻ nữa - một tuổi trẻ còn đang đi tìm chính mình để trả lời câu hỏi "ta là ai?","ta muốn gì?"...
Ra rạp Việt, suất chiếu ít và khung giờ không đẹp của A rainy day in New York phần nào cản trở khán giả Việt Nam thưởng thức bộ phim.
Trong năm qua, đạo diễn lừng danh Woody Allen hứng chịu nhiều chỉ trích và cáo buộc từ phong trào #metoo, ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng cũng như phim của ông.
Được đề cử giải Oscar 24 lần, đoạt 4 giải Oscar, nhưng Woody Allen không chịu nổi sự phù phiếm của lễ hội điện ảnh này và không bao giờ tham dự. Dù vậy, phim của ông lúc nào cũng mang chút gì đó phù phiếm của thế gian này...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận