Bạn Nguyễn Trung Hiếu (bìa phải) cùng bạn bè tại một sự kiện ở Mỹ - Ảnh: HIẾU NGUYỄN
Nhưng ở Trung Hiếu có nhiều nét chấm phá hơn thế. Hiếu chia sẻ: "Tôi tham gia khá nhiều hoạt động cộng đồng từ thời sinh viên vì thấy bản thân nhận về nhiều năng lượng tích cực, niềm vui. Nên hiện dẫu rất bận rộn với lịch nghiên cứu tại ngôi trường danh tiếng hàng đầu nước Mỹ, tôi vẫn dành thời gian làm chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại New York và dự án giáo dục miễn phí STEAM for Vietnam".
* Bạn không gặp nhiều áp lực từ gia đình, mà chính bạn là người đặt kỳ vọng lớn nhất ở bản thân. Vì sao?
- Tôi bắt đầu nhận ra mình đặt kỳ vọng cao ở bản thân từ những năm cấp II. Từ những việc rất nhỏ như cố gắng giải một bài toán khó cho tới những việc lớn hơn như nỗ lực thi cấp III vào một trường chuyên. Thói quen đặt kỳ vọng lớn vào bản thân đã theo tôi đến tận ngày hôm nay và tôi nghĩ điều đó là cần thiết để có thể tập trung theo đuổi những điều có ý nghĩa.
* Một điểm khá thú vị ở bạn là sở thích nấu ăn từ nhỏ?
- Dù là con một nhưng phần do bố mẹ tôi khá bận nên tôi tập được tính độc lập trong nhiều thứ từ nhỏ, trong đó có cả việc nấu ăn cho chính mình và tự nấu ăn là cũng để đảm bảo câu chuyện về dinh dưỡng, vệ sinh.
Có thể mọi người sẽ thấy hơi lạ khi thấy một người con trai có đam mê nấu ăn. Tuy nhiên đối với tôi, khoảng thời gian nấu ăn thật sự là những phút giây thư giãn khi mình có thể thả hồn vào hương và vị của chúng sau những giờ làm việc tập trung, căng thẳng. Và tôi đặc biệt hạnh phúc khi nhìn thấy bạn bè, người thân có chút bất ngờ, hào hứng thưởng thức một "biệt tài" khác của tôi.
* Là con một, khi gặp những bất đồng trong quan điểm với bố mẹ, giải pháp bạn hay chọn là gì?
- Tôi là một người may mắn khi dù là con một nhưng được bố mẹ tạo điều kiện phát triển từ nhỏ. Thay vì việc quản thúc hay giám sát thì bố mẹ tôi luôn tạo điều kiện cho tôi phát triển theo hướng tôi đam mê và có năng khiếu. Bố mẹ luôn đồng hành và động viên tôi từ những việc nhỏ nhất. Mặc dù có những lúc bất đồng quan điểm, nhưng chúng tôi luôn nói chuyện thẳng thắn, cầu thị để tìm hướng giải quyết tốt nhất.
* Có lẽ một trong những trải nghiệm "đau thương" nhất mà bạn từng trải qua là chưa vào được "giấc mơ" ngôi trường danh tiếng MIT (Hoa Kỳ), dù trước đó là thủ khoa?
- Có thể nói đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được đêm nhận kết quả từ MIT. Ba giờ sáng và khi mở mail lên đọc tôi đã rất buồn, thậm chí mất ngủ. Như đã chia sẻ, tôi luôn đặt kỳ vọng rất lớn vào bản thân nên khi không hoàn thành được những mục tiêu đặt ra thì rất thất vọng về bản thân.
Tuy nhiên tôi không cho phép mình dừng lại. Tôi vẫn tiếp tục sang Mỹ để theo đuổi ước mơ của mình, bằng một con đường, lựa chọn khác với niềm tin rằng không ai là không mắc sai lầm và chẳng ai chưa từng thất bại trong cuộc sống.
Và thật may mắn khi tôi đã có một trải nghiệm học tập tuyệt vời ở môi trường giáo dục Mỹ đậm chất Do Thái ở ĐH Brandeis.
Trước khi được chọn nghiên cứu, làm việc tại ĐH Columbia, tôi đã phỏng vấn tại rất nhiều trường đại học lớn khác, từ đó tôi nhận ra rằng đôi khi các trường đại học ở Mỹ không chọn các bạn sinh viên giỏi nhất mà chọn những người phù hợp nhất với triết lý đào tạo của họ. Nếu không có "trải nghiệm đau thương" ở MIT, thì có lẽ ngày hôm nay tôi đã không chắc có mặt ở một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất Hoa Kỳ là ĐH Columbia.
* Đó là câu chuyện và triết lý đào tạo từ Mỹ, còn một câu chuyện tương tự thời đại học ở Việt Nam?
- Trong những năm tháng đại học, tôi có cơ hội được đại diện cho Học viện Ngân hàng tham dự một cuộc thi về phân tích đầu tư lớn. Cả đội của tôi đã có hơn 3 tháng làm việc cật lực để có kết quả tốt nhất.
Ngày nộp bài dự thi, chúng tôi đã vô cùng tự tin đến mức chúng tôi đã chuẩn bị bài thuyết trình cho đêm chung kết trước khi có kết quả. Nhưng chúng tôi đã không được chọn vào vòng trong. Cảm giác buồn và thất vọng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi có tìm hiểu thì câu chuyện cũng xoay quanh phù hợp hay không phù hợp.
Nhận thức được điều đó giúp chúng tôi thoải mái, nhẹ nhàng hơn với thất bại. Do không thể dự thi lại vì đã là năm học cuối, chúng tôi sau đó chọn hướng quay trở lại và trở thành cố vấn chuyên môn cho các đội dự thi các năm sau của Học viện Ngân hàng. Hầu hết các bạn đều đã được giải cao trong các cuộc thi sau đó. Đôi khi thất bại lại khiến chúng ta có động lực tạo ra giá trị nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận