Ngày 24-7, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh nhằm vinh danh 167 công nhân, lao động tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Sáng tạo để công nhân vơi đi vất vả
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Phùng Đức Cảnh - 32 tuổi, kỹ sư điều hành sản xuất, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng - chia sẻ do phụ trách mảng cải tiến, sáng tạo nên luôn mong muốn tăng năng suất, sản lượng đầu ra.
Cứ quan sát thấy công nhân phải làm công đoạn nào lặp đi lặp lại hoặc vất vả, nặng nhọc, anh lại cùng cộng sự tìm tòi, sáng chế máy móc, tự động hóa. Hằng ngày, thấy công nhân phải dán tem truy xuất nguồn gốc trên hàng ngàn màn hình giải trí, anh lại thương vì công việc hoàn toàn thủ công do mỗi thiết bị có vị trí dán khác nhau, đòi hỏi chính xác cao.
"Mình và cộng sự đã họp bàn lắp ráp, thử nghiệm tự động hóa. Khoảng 3 tháng sau, máy đã đi vào hoạt động ổn định. Khó nhất là thiết kế máy vừa dán đúng, vừa dán nhanh, khớp thông tin để truy xuất bảo hành sau này", anh Cảnh chia sẻ.
Anh cho hay robot dán tem tự động scan bằng mã (code) nên năng suất tốt, đảm bảo yêu cầu của đối tác trước khi xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Hiện dây chuyền đã áp dụng cho sản xuất màn hình xe Mercedes với các dòng thương mại như C-Class, S-Class, GLC và các dòng xe khác của Honda.
Bên cạnh đó, anh Phùng Đức Cảnh còn có nhiều sáng kiến khác như chế tạo máy dán tem tự động cho dây chuyền sản xuất hộp viễn thông cho Hãng xe Toyota, chế tạo máy dán băng dính cửa trong dây chuyền sản xuất máy giặt lồng ngang. Tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến trên là 12,6 tỉ đồng. Ngoài ra, anh kỹ sư trẻ còn giúp hơn 80 công nhân nâng cao tay nghề.
Cũng là một 9X đầy sáng tạo, phi công Lê Đức Dũng - 32 tuổi, đội bay A321, đoàn bay 919, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - chia sẻ nguyên tắc của hàng không là tiết kiệm, an toàn. Anh nhận thấy nếu áp dụng các giải pháp như bay đường tắt, tối ưu phương pháp cất hạ cánh thì sẽ tiết kiệm rất nhiều nhiên liệu trong khi an toàn hàng không vẫn đảm bảo.
Song việc này phụ thuộc nhiều điều kiện như mật độ máy bay trong một khoảng thời gian, phối hợp dẫn đường bay, trình độ phi công.
"Ban đầu mọi người còn ngần ngại, e dè, nhưng mình nêu rõ phương pháp thực hiện và số liệu chứng minh không ảnh hưởng đến an toàn bay. Dần dần mọi người ủng hộ, thực hiện", anh Dũng chia sẻ.
Vừa qua, sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu của phi công Lê Đức Dũng làm lợi cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam 250 tỉ đồng.
Hàng nghìn tỉ đồng làm lợi từ các sáng kiến của người lao động
Từ năm 2007 đến nay, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh đã trao tặng 3 lần (5 năm/lần). Qua đánh giá, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao thưởng cho 167 công nhân, lao động tiêu biểu với 808 đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật. Tổng giá trị làm lợi 2.787 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Đình Khang - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, dù các cá nhân được vinh danh khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề, công việc, hoàn cảnh gia đình song tất cả đều có điểm chung. Đó là ý chí kiên trì, bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong sản xuất.
Còn ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mong muốn các điển hình xuất sắc tích cực học tập, nâng cao tay nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Từ đó có nhiều đổi mới, sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quy trình, thao tác nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, ông Thắng đề nghị các tấm gương tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần lao động để có thêm nhiều người lao động được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh trong những năm tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận