Nhật Nguyện trong một buổi biểu diễn - Ảnh: Facebook nhân vật
13 tuổi, khăn gói từ Bình Định vào Sài Gòn để học tại Nhạc viện TP.HCM với số tiền rất ít ỏi từ gia đình, Nhật Nguyện đã đối đầu với thử thách rất lớn khi trải qua những tháng ngày đi học mà không có tiền mua sách vở, có đợt ăn mì gói cả tháng, học đứng chót lớp năm đầu tiên.
Giờ đây, cậu bé non nớt thuở nào chọn một con đường rất khó khăn là theo đuổi nhạc jazz piano, thành lập ban nhạc Metronome Jazz ở Sài Gòn với thu nhập hàng ngàn đô la mỗi tháng.
Chơi nhạc "nhà giàu"
Tốt nghiệp khoa Keyboard của Nhạc viện TP.HCM, Nhật Nguyện (sinh năm 1994) rất có thể đã theo đuổi dòng nhạc cổ điển như bao nhiêu sinh viên khác.
Tuy nhiên, từ 10 năm nay, Nguyện đã chọn lối đi cho riêng là theo đuổi thể loại nhạc jazz cho piano hoàn toàn bằng tự học qua sách vở mua ở nước ngoài, vì Nhạc viện TP.HCM lúc đó chưa có chương trình đào tạo thể loại này.
Jazz không phải dòng nhạc được nhiều sinh viên Nhạc viện lựa chọn, chưa kể có thể biểu diễn được càng hiếm hơn. Khoa Piano jazz của Nhạc viện TP.HCM mới mở cũng chỉ có 8 sinh viên theo học.
"Nếu đi theo piano cổ điển, tôi phải rèn luyện rất khốc liệt mới thành danh được trong con đường này, hoặc chỉ có thể làm gia sư hay đi dạy ở trung tâm sau khi tốt nghiệp. Để trở thành một người biểu diễn piano tầm cỡ thì thời gian và tiền bạc phải được đầu tư ở mức độ "khủng", mà gia đình tôi không có đủ điều kiện", Nhật Nguyện trải lòng về lý do chọn nhạc jazz.
Ban nhạc Metronome Jazz do Nguyện thành lập.
Thêm một lý do nữa để Nguyện đến với nhạc jazz là ngay từ nhỏ, khi học đánh trống, cậu không đánh đúng, mà đảo phách. Có lẽ đó là yếu tố thiên bẩm hướng tới nhạc jazz, vì đặc trưng của jazz là không nhấn vào phách 1-3 mà nhấn vào phách 2-4.
Tất nhiên, theo đuổi nhạc jazz cũng không hề dễ dàng, vì nhạc jazz cũng lấy những yếu tố của nhạc cổ điển để sáng tạo nên một loại hình âm nhạc mới, ra đời ngay sau thời kỳ nhạc cổ điển phát triển rực rỡ. Nhưng ít nhất, Nguyện cũng tìm được công chúng của riêng mình, đó là khán giả tại các khách sạn 5 sao ở Sài Gòn.
Ban nhạc Metronome Jazz do Nguyện lập biểu diễn tại các khách sạn lớn như Park Hyatt, Nikko, Time Square, New World… và giờ đây là khách sạn Sheraton Saigon, từ 18h45 đến 22h15 hàng ngày.
Đến nay, Nguyện thuộc lòng chừng 400 bản nhạc jazz, cả ngàn bài hát.
Nếu uống cà phê tại sảnh của khách sạn Sheraton trên đường Đồng Khởi vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 7, bạn sẽ được nghe ban nhạc của Nguyện biểu diễn đầy sôi động và say mê.
Khán giả chủ yếu là người nước ngoài đang lưu trú tại khách sạn, hay những vị khách nước ngoài biết tại đây có nhạc jazz ghé vào uống cà phê, và tất nhiên, cũng có nhiều người Việt yêu nhạc jazz vào đây nhâm nhi một ly cocktail và nhịp chân lắc lư phấn khích theo điệu nhạc.
Có môi trường biểu diễn thì tay nghề mới lên được, đồng thời thu nhập "khủng" cũng giúp cho Nguyện tái đầu tư vào việc học nhạc của mình một cách bài bản.
Nguyện bật mí, mỗi tháng thu nhập từ chơi nhạc của riêng cậu là khoảng 60 triệu đồng, không tính tiền dạy kèm, dạy tại trung tâm âm nhạc như Soul Academy, hay làm show.
Mỗi khi được nghỉ, Nguyện lại khăn gói ra nước ngoài để xem các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn.
Một phần trình diễn của Metronome Jazz.
Mong muốn nâng tầm giáo dục âm nhạc trong nhà trường
Nhật Nguyện chụp hình cùng với thần tượng Diana Krall, người giành giải Grammy cho album nhạc jazz, khi cô diễn ở Bangkok (Thái Lan) năm 2016 - Ảnh: Facebook nhân vật
Nguyện chia sẻ, âm nhạc thị trường ở Việt Nam rất phát triển, nhưng cần tăng cường loại hình âm nhạc đòi hỏi sự luyện tập khổ công như nhạc cổ điển, nhạc jazz ở nước ngoài.
Hiện nay, công chúng nghe nhạc của Nguyện mà có thể hiểu được và thấy hay lại là người nước ngoài. Họ là người đã được giáo dục âm nhạc kỹ lưỡng từ nhỏ.
Nhạc viện TP.HCM mới thành lập khoa Jazz piano bậc đại học, và Nguyện đang là sinh viên năm thứ nhất của hệ 4 năm. Do đã tự học từ 10 năm nay, cậu được thầy chủ nhiệm bộ môn giao thêm việc giúp đỡ các bạn học và hiểu về jazz.
Nguyện cho rằng, để nâng trình độ thưởng thức âm nhạc của Việt Nam ngang tầm thế giới, phải cho trẻ em nghe nhạc cổ điển từ bậc mầm non, tiểu học. Không chỉ nghe mà cần được đào tạo âm nhạc bài bản, tốt hơn bây giờ.
Tại gia đình, các bậc phụ huynh có thể cho con nghe nhạc cổ điển từ bé, sẽ định hình được sự cảm thụ âm nhạc tốt hơn.
Vốn biểu diễn thể loại nhạc jazz mà Nguyện có được là nhờ quá trình làm việc tại những môi trường chuyên nghiệp và tự học, nghe những người chơi jazz nổi tiếng khắp thế giới biểu diễn.
Mơ ước lớn nhất của Nguyện là sau này sẽ có một trung tâm đào tạo chuyên về nhạc jazz tại Sài Gòn. Đó là loại nhạc mà khi ra nước ngoài, bạn sẽ nghe được mọi lúc mọi nơi. Và với mỗi nghệ sĩ, chọn một con đường riêng và mới lạ để đi cũng là một khát khao cần vươn tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận