7 năm trước, Hải tình nguyện làm chủ nhiệm lớp học tình thương phường Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM). Đứng lớp một thời gian, anh bạn thấy cần có nghiệp vụ sư phạm nên đã đi học và vừa hoàn thành văn bằng hai Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Theo chân, dụ trẻ bán vé số đi lớp học tình thương
Lớp học tình thương ấy được thành lập chắc phải hơn 40 năm rồi. Rất nhiều nhà giáo đã đứng lớp, trong đó có mẹ của Hải.
Hàng trăm đứa trẻ nghèo đã biết đọc, biết viết và làm các phép tính từ lớp học này. Năm 2017, Phan Trung Hải đang là sinh viên đã tình nguyện đứng lớp đến nay.
Hải biết rõ hoàn cảnh của hầu như từng đứa nhỏ ở phường. Có em không được đến trường vì phải sớm mưu sinh. Có em không có giấy tờ tùy thân, đứa khác theo cha mẹ đi làm ăn nay đây mai đó…
Nên lớp học tình thương Hải phụ trách không chỉ dạy chữ mà còn giúp trang bị kỹ năng sống cho tụi nhỏ.
"Các em đa phần ít được cha mẹ dành thời gian chỉ bảo. Do nhiều em phải sớm mưu sinh nên ngoài học chữ, lớp muốn tạo sân chơi cùng các hoạt động giúp trang bị kỹ năng sống cho các em, sao cho ít nhất các em cũng biết cách tự bảo vệ bản thân, nhận biết cái xấu, nguy hiểm", Hải cho hay.
Nhiều khi chạy trên đường hay ngồi quán cà phê, gặp mấy đứa trẻ đi bán vé số, múa lửa ở các ngã tư, anh bạn sinh năm 1998 này sẽ theo chân, tìm đến phòng trọ thuyết phục cho bạn đến lớp học tình thương.
Lớp của Hải có cả các em ở vài phường lân cận trong quận, rồi cả dưới huyện Nhà Bè cũng tìm đến xin học.
Địa phương và một số nhà hảo tâm hỗ trợ, nhưng đôi lúc Hải cũng phải bỏ tiền túi để mua thêm bút, tập cho các em đến lớp.
"Ông giáo trẻ" truyền cho em thơ niềm đam mê thể thao
Hải là vận động viên pencak silat, từng đoạt giải nhì nội dung ganda nam tại Đại hội thể dục thể thao TP.HCM 2022.
Thế là sau giờ học chữ, Hải đề xuất phường cho mở lớp tập võ giúp các em rèn luyện sức khoẻ, cũng là tạo sân chơi cho các bạn nhỏ sau khi đi làm, giờ học căng thẳng.
Quá trình tập luyện ấy, Hải nhận ra 8 em trong lớp võ thuật có tố chất với boxing. Đầu năm 2020, anh kết nối với Trung tâm Văn hóa thể thao quận 7 giúp các em luyện tập và phát triển. Nhờ đó, một số em đã trở thành vận động viên chuyên nghiệp, được tạo điều kiện học tập và tập luyện.
Thương và yêu trẻ, nhất là trẻ yếu thế, chắc đã ngấm vào máu của anh chàng này. Nên khi chọn làm nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Hải đã chọn ngay đề tài về vấn đề làm sao hỗ trợ trẻ em yếu thế được phát triển toàn diện hơn nữa.
"Mình nhớ lúc sinh thời, Bác Hồ đã dành rất nhiều tình yêu thương và đặc biệt quan tâm đến thiếu nhi.
Mình nhớ lời dạy ấy, cố gắng làm những điều có thể trong khả năng, mong bù lại phần nào tình thương cho các em nhỏ kém may mắn", Hải chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận