Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Toàn thành phố có 185 điểm thi với gần 4.000 phòng thi. Trên 10.000 giáo viên THCS và THPT được huy động coi thi.
1 'chọi' 2-3
Trong buổi sáng, các thí sinh sẽ thi môn ngữ văn, giờ làm bài bắt đầu từ 8h sáng, thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều thí sinh thi môn toán, giờ làm bài bắt đầu từ 14h30, thời gian làm bài 120 phút.
Từ 6h30 sáng, tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, hàng nghìn thí sinh đã có mặt để chuẩn bị bước vào môn thi ngữ văn. Nhiều tốp học sinh tụm lại trao đổi, ôn lại bài trước khi bước vào phòng thi.
Em Nguyễn Thùy Linh cho biết em mong muốn giành 1 suất vào Trường Chu Văn An nên đã chuẩn bị rất kỹ trước kỳ thi này, hy vọng đề thi theo hướng mở với thực tế để em thể hiện suy nghĩ của mình.
Mặc dù tỉ lệ 1 chọi 2-3 nhưng em sẽ cố gắng đạt 8-9 điểm vì những lần thi thử hay làm thử trước đó em đạt kết quả khá trở lên.
Nhiều phụ huynh có con em thi vào Trường Chu Văn An khá lo lắng vì muốn con mình đạt kết quả tốt để giành 1 suất vào trường công lập.
Cô Nguyễn Thị Minh, một phụ huynh, cho biết vì muốn con mình được học trường công nên đã cho cháu đi ôn thi liên tục từ đầu năm lớp 9, những ngày sắp thi, vì sợ không đạt nguyện vọng nên cháu học liên tục cả ngày đến 11-12h đêm.
Nhiều biện pháp "giảm áp lực"
Thi sinh vui vẻ, tự tin trò chuyện trước giờ thi môn ngữ văn tại điểm thi trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ngày 6-6, khi thí sinh làm thủ tục dự thi tại các điểm thi, cán bộ phụ trách đã rà soát kỹ để giải quyết hết các sai sót trên thẻ dự thi của thí sinh.
Những thí sinh mất chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân đều được hướng dẫn viết cam đoan và được trưởng điểm xác nhận.
"Những sơ suất tuy nhỏ nhưng nếu xảy ra vào trước giờ thi rất dễ khiến thí sinh bị mất tâm lý, hoang mang, ảnh hưởng đến bài làm. Nhất là khi thí sinh ở lứa tuổi nhỏ chưa quen với kỳ thi lớn" - một cán bộ coi thi ở điểm thi THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết.
Trên tinh thần hỗ trợ thí sinh hết mức nên kỳ thi năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi thu giữ toàn bộ thẻ dự thi của thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi. Trước buổi thi, giám thị mới chuyển trả cho thí sinh trước khi đối chiếu với chứng minh/thẻ căn cước để gọi thí sinh vào phòng thi.
Trong buổi làm thủ tục dự thi, nhiều điểm thi đã dành thời gian chủ yếu để căn dặn thí sinh. Các giám thị cũng lưu ý về việc học sinh nên đến sớm trước giờ quy định 10-15 phút. Thí sinh đến muộn 15 phút so với quy định sẽ không được vào thi. Một số giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở các trường THCS cũng cho biết sẽ nhắn tin nhắc nhở học sinh của mình đi ngủ sớm và dậy đúng giờ vào sáng hôm sau.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay cũng có điểm mới là cắt bỏ thủ tục khai mạc kỳ thi và thí sinh chứng kiến hộp đề thi niêm phong. Vì thế thí sinh sẽ không phải đến điểm thi quá sớm, tránh mệt mỏi.
Thí sinh lo "câu hỏi mở"
Thí sinh xem danh sách thi tại điểm thi - Ảnh: NAM TRẦN
Theo nhiều giáo viên dạy ôn tập, dự đoán đề thi cả môn văn và toán đều sẽ không ra theo hướng đột phá mà bám sát cấu trúc đề thi đã ổn định nhiều năm ở Hà Nội.
Nhận định về quan điểm ra đề trong nhiều năm gần đây, các giáo viên THCS cũng đánh giá là "quá an toàn" và "ít đổi mới". Tuy nhiên, thông tin về những đề thi phá cách của nhiều địa phương tổ chức kỳ thi vào lớp 10 nên nhiều học sinh, phụ huynh vẫn lo lắng.
"Tôi không lo môn toán vì con nắm kiến thức cơ bản tốt, ít nhất cũng đạt điểm 9. Nhưng môn văn thì lo. Lo nhất là đề có thể ra các câu hỏi mở trong phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội, hoặc từ giữa tác phẩm văn học bắt sang suy nghĩ của thí sinh về thực tiễn cuộc sống", một phụ huynh có con đăng ký nguyện vọng 1 vào một trong những trường có tỉ lệ chọi cao nhất ở Hà Nội là Trường THPT Yên Hòa cho biết.
Vị này cũng chia sẻ trước ngày thi con vẫn học thêm văn buổi cuối cùng và chỉ học về... câu hỏi mở.
Trước ngày thi cũng có rất nhiều thông tin thất thiệt về việc "hạn chế kiến thức" và dự đoán đề thi ra vào nhóm tác phẩm nào.
Một phụ huynh khác có con học Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết: "Con thức suốt đêm để chat với nhóm bạn về "đề thi". Tôi đã cảnh báo con về việc không nên học tủ nhưng tới sát ngày thi có nhiều thông tin rỉ tai nhau khiến con sốt ruột lo lắng".
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ bám sát chương trình THCS, chủ yếu lớp 9, nhưng không có hạn chế kiến thức hay định hướng kiến thức trọng tâm như tin đồn thất thiệt.
Có thể xét học bạ
Với 104.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng 22.000 so với năm trước, áp lực tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội rất căng thẳng. Để giảm áp lực cho kỳ thi, đồng thời tăng tính chủ động cho một số trường công lập tự chủ, trường ngoài công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép hơn 100 trường trong diện này được chọn phương thức tuyển sinh (hoặc lấy kết quả kỳ thi hoặc xét học bạ). Vì thế hiện đã có 10.000 học sinh không tham gia thi mà đăng ký tuyển sinh vào các trường xét học bạ.
Tuy vậy, toàn thành phố vẫn có 185 điểm thi với gần 4.000 phòng thi. Sở GD-ĐT Hà Nội phải huy động hầu hết giáo viên đủ điều kiện tham gia coi thi, phục vụ tại hội đồng thi, bao gồm trên 10.000 người.
Tuổi Trẻ Online (TTO) sẽ cập nhật tin tức liên tục về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội tại: tuoitre.vn (mục Giáo dục/Tuyển sinh). Ngay sau khi hết giờ làm bài của các môn thi, TTO sẽ đăng bài giải của các môn thi tuyển sinh để bạn đọc tham khảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận