21/06/2016 10:14 GMT+7

900 ngày đi tìm nguồn cội của những người làm báo

Anh LÂM THÀNH QUÝ - MAI HƯƠNG
Anh LÂM THÀNH QUÝ - MAI HƯƠNG

TTO - Bộ phim Biển đảo VN - nguồn cội tự bao đời khá “bội thu” với giải A báo chí toàn quốc, giải A Giải báo chí TP.HCM, Cánh diều bạc Liên hoan phim điện ảnh toàn quốc...

Nghệ sĩ ưu tú Lâm Thành Quý (thứ hai từ phải) và tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (thứ ba từ phải) đang lật từng trang thư tịch cổ có liên quan, chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam tại Văn khố quốc gia Hà Lan - Ảnh: PHẠM XUÂN NGHỊ
Nghệ sĩ ưu tú Lâm Thành Quý (thứ hai từ phải) và tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (thứ ba từ phải) đang lật từng trang thư tịch cổ có liên quan, chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam tại Văn khố quốc gia Hà Lan - Ảnh: PHẠM XUÂN NGHỊ

Cuối năm 2012, trước tình hình ngày một phức tạp ở Biển Đông, Đài truyền hình TP.HCM có chủ trương thực hiện một công trình có giá trị để góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Nghệ sĩ ưu tú Lâm Thành Quý kể: “Chúng tôi mất gần một năm để làm kịch bản. Trường Sa - Hoàng Sa là của VN - điều đó ai cũng nói được, nhưng nói làm sao cho khoa học nhất, thuyết phục nhất để không chỉ người trong nước, mà bạn bè quốc tế và chính nhân dân Trung Quốc cũng chia sẻ và đồng cảm mới là mục tiêu cao nhất”.

Nhà báo Trần Ngọc Hùng, phó ban chuyên đề Đài truyền hình TP, nhớ lại: “Với bộ phim này, chúng tôi không thể vẽ ra trước một kịch bản chi tiết.

Mặc dù đã có một số thông tin bước đầu nhưng khi xách balô lên đường, trong lòng mỗi thành viên của nhóm đều hồi hộp khi nghĩ về mục tiêu chung rất lớn lao mà mình đã đặt ra ban đầu”.

Thời gian này, do tình hình tranh chấp trên Biển Đông ngày càng có xu hướng nảy sinh nhiều vấn đề, phía Trung Quốc đang ra sức thu thập thông tin, tài liệu và gây ảnh hưởng đến giới nghiên cứu của các nước nên ban giám đốc Đài truyền hình TP yêu cầu nhóm thực hiện phải tuyệt đối giữ bí mật về chuyến công tác cũng như bộ phim đang làm.

“Suốt một thời gian dài, ai hỏi gì chúng tôi chỉ nói đi làm phim về người VN ở nước ngoài.

Làm phim này đòi hỏi đi nhiều nơi trong và ngoài nước, thời gian thực hiện khá dài, kinh phí cũng không phải ít nhưng lại không được nói cụ thể lý do nên không tránh khỏi những thắc mắc của người ở nhà. Chúng tôi cảm thấy áp lực càng nặng nề hơn” - anh Hùng kể.

Với áp lực và phương châm “bí mật”, tác nghiệp ở nước ngoài có những cái khó mà đến khi “đụng trận” mới biết. Để được vào tham quan những trung tâm khảo cổ học, các bảo tàng, thư viện quốc gia ở các nước, đặc biệt là tiếp cận những tư liệu quý không phải chuyện dễ dàng.

Nhiều nơi, mệnh lệnh hành chính của chính quyền hay giấy giới thiệu của cơ quan ngoại giao không có giá trị bằng sự giới thiệu của những nhà nghiên cứu có uy tín. Vào được bảo tàng rồi, muốn quay phim, chụp ảnh tư liệu cũng khó khăn.

Tìm được thông tin nhưng tìm ra đâu là cái cần, cái xuất sắc nhất cũng không phải dễ, nhóm lại phải tìm đến các chuyên gia.

“Ví dụ như cái mình cần chỉ là một dòng nhỏ, trong một quyển sách cổ cách đây vài thế kỷ, được cất giữ tại một thư viện xa xôi ở châu Âu thì nhóm không thể thực hiện nổi nếu không có “quyền trợ giúp” của những chuyên gia" - anh Phạm Xuân Nghị, thành viên của nhóm, cho biết.

Năm nay, bộ phim Biển đảo VN - nguồn cội tự bao đời khá “bội thu” với giải A báo chí toàn quốc, giải A Giải báo chí TP.HCM, Cánh diều bạc Liên hoan phim điện ảnh toàn quốc, huy chương bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, giải 3 Giải báo chí đối ngoại...

Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất với nhóm làm phim là khi bộ phim với cả phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc được tải lên trang YouTube và phát hành rộng rãi đến hàng trăm trường đại học ở nước ngoài đã được sự quan tâm, đón nhận của nhiều người.

“Có bạn sinh viên VN đang đi du học kể: Trước đây khi nghe bàn chuyện chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa, dù rất muốn nhưng họ không đủ thông tin để tranh luận. Sau khi xem phim, giờ đây sinh viên VN đã bắt đầu có tiếng nói hơn trước.

Đó là một tín hiệu đáng vui mừng góp vào cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc” - anh Phạm Xuân Nghị chia sẻ.

Trong khi đó anh Lâm Thành Quý cho biết: “Có đi ra bên ngoài mới thấy số lượng các nhà nghiên cứu về Biển Đông của mình còn ít quá.

Đi gặp các chuyên gia uy tín quốc tế, họ cho biết phía Trung Quốc cũng đã tiếp cận họ rồi. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc rất có ý thức trong việc tác động đến giới nghiên cứu quốc tế".

Anh LÂM THÀNH QUÝ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên