09/05/2018 16:11 GMT+7

90% nước thải sinh hoạt đô thị xả trực tiếp ra môi trường

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng vừa công bố báo cáo nghiên cứu ô nhiễm nước, trong đó cho thấy có tới 90% nước thải sinh hoạt đô thị xả ra môi trường không qua xử lý.

90% nước thải sinh hoạt đô thị xả trực tiếp ra môi trường - Ảnh 1.

Nước sông Nhuệ, Hà Nội chỉ còn duy nhất màu đen do hứng nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lý xả xuống - Ảnh: XUÂN LONG

Bà Nguyễn Ngọc Lý - giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng, chủ biên báo cáo - cho biết qua nghiên cứu cho thấy chất lượng nước mặt ở Việt Nam đã và đang đối diện với sự suy thoái nghiêm trọng. Trên 63 tỉnh thành, ô nhiễm nước luôn là vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Báo cáo nghiên cứu ô nhiễm nước chỉ rõ, chất lượng nước mặt của các sông, ngòi, kênh, rạch đặc biệt ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp bị suy thoái tới mức gần như biến chất và nguy hiểm đối với con người và sinh vật thuỷ sinh.

"Các sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, trên thực tế đã trở thành một phần của hệ thống thoát nước thải của TP Hà Nội và nước sông trở nên đen sẫm, bốc mùi như nước cống", báo cáo nêu.

Cũng theo báo cáo, các sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh), sông Bưởi (Thanh Hoá), Nhuệ - Đáy (Hà Nam), sông Đa Độ (Hải Phòng), sông Gâm (Cao Bằng), hồ Nhất Bích Trì (Lạng Sơn), Ngòi Lao (Phú Thọ) cũng đều nằm trong tình trạng báo động về ô nhiễm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra quá trình công nghiệp và đô thị hoá nhanh trong khoảng ba thập kỷ vừa qua đã ảnh hưởng, gây ô nhiễm các vùng nước mặt, khiến chất lượng nước suy thoái mang tính rộng khắp. Điều đó cho thấy ô nhiễm nước đã gần như nằm ngoài vòng kiểm soát của con người.

Chưa hết, lượng nước thải sinh hoạt ở các đô thị vẫn đổ vào các sông hàng năm đều tăng do tốc độ đô thị hoá gia tăng. Nước thải sinh hoạt chiếm đến trên 30% tổng lượng nước thải trực tiếp ra các sông hồ, kênh dẫn ra sông.

"Có tới 90% nước thải sinh hoạt đô thị xả ra môi trường không qua xử lý. Phần lớn tại các đô thị, nước thải sinh hoạt chỉ được xử lý sơ bộ qua các bể tự hoại, sau đó theo các tuyến cống xả trực tiếp ra môi trường.

Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng ô nhiễm sông, kênh, hồ trong khu vực đô thị ở VN, ảnh hưởng đến cảnh quan và chất lượng sống của người dân, gây bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Báo cáo cũng nêu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đã xây dựng 29 trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên chưa đáp ứng được lượng nước thải phát sinh thực tế.

Theo bà Lý, thực tế ô nhiễm nước có nguyên nhân từ việc quản lý, kiểm soát và chế tài xử phạt chưa đảm bảo tính hiệu quả, nghiêm minh.

Bà Lý cũng cho rằng việc giám sát xả thải sau khi được cấp phép còn yếu kém, chủ yếu dựa vào báo cáo của đơn vị xả thải mà chưa phát huy được vai trò của cơ quan quản lý.

"Chúng tôi đề xuất, bên cạnh việc nâng cấp hệ thống báo cáo thường xuyên của các bên xả thải cho cơ quan quản lý, cần có chế độ kiểm tra chặt chẽ hơn. Cần tham khảo các nước, xây dựng cơ chế thay vì cấp phép xả thải dựa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường - báo cáo chỉ mang tính dự báo, mà cần nghiên cứu cấp giấy phép xả thải dựa vào thực tế xả thải của doanh nghiệp, năng lực công nghệ, quy chuẩn xả thải, tiêu chuẩn nước mặt để cấp phép" - bà Lý nói.

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải, giảm hơn 5 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường

TTO - Đó là trường hợp của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên