Mới đây, bà Đ.T.H, 76 tuổi, ngụ ở huyện Củ Chi, TP.HCM bị đột ngột đau bụng. Người thân của bà đưa bà đến khám tại một bệnh viện lớn tại TP.HCM. Tại bệnh viện này, bác sĩ phát hiện bà bị phình động mạch chủ đường kính lên đến 8 cm. Do động mạch chủ phình quá to nên đã bị vỡ ngay sau khi đến bệnh viện. Các bác sĩ chưa kịp đưa lên phòng mổ, bệnh nhân đã ngưng tim, tử vong.
Diễn tiến âm thầm, hậu quả khốc liệt
"Những bệnh nhân mắc bệnh lý mạch máu đa phần chỉ được phát hiện khi đã gây ra biến chứng nghiêm trọng. Động mạch chủ đã to, gây vỡ động mạch, tử vong như trường hợp này không phải là những trường hợp hiếm gặp", bác sĩ CK2 Phan Duy Kiên, hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard cho hay.
Sở dĩ còn không ít những trường hợp như thế này là do nhiều người dân chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, nhiều trường hợp đi khám sức khỏe định kỳ nhưng lại khám hình thức, sơ sài, không khảo sát cấu trúc quan trọng trong cơ thể, ví dụ như động mạch chủ bụng, nằm khá sâu trong cơ thể nên bệnh nhân đã bị "bỏ quên" bệnh.
"Bệnh lý mạch máu rất nguy hiểm vì diễn tiến âm thầm nhưng lại gây hậu quả khốc liệt. Như bệnh nhân kể trên, mới chỉ đau bụng nhưng khi đến bệnh viện thì đã tử vong do phát hiện trễ", bác sĩ Duy Kiên khuyến cáo.
Tại hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard đã phát hiện ra nhiều bệnh nhân có bệnh lý mạch máu nhờ tầm soát chuyên sâu. Như ông T.V.H, 62 tuổi, ngụ ở Gia Lai đến đây kiểm tra sức khỏe bằng mô hình Ningen Dock (Nhật), qua chụp CT phát hiện bệnh nhân bị cùng lúc hai bệnh lý động mạch nguy hiểm: tắc động mạch vành và túi phình động mạch chủ đường kính gần 6 cm, nguy cơ vỡ mạch cao.
Nhờ phát hiện kịp thời, ông H. đã được can thiệp động mạch vành (PCI) và phẫu thuật nội soi đặt stent graft (động mạch chủ bụng), hiện sức khỏe đã ổn định.
Theo bác sĩ Duy Kiên, mạch máu trong cơ thể sẽ trải dài từ đầu đến chân, được ví như một hệ thống ống dẫn đưa máu đi nuôi cơ thể, có 3 chỗ bị "tắc, hẹp" nhiều nhất là mạch vành, mạch máu não, mạch máu chi dưới. Cả 3 mạch máu này là hệ quả của bệnh lý xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch đến một giai đoạn nào đó sẽ gây tắc hẹp lòng mạch máu và thiếu máu nuôi. Ở mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, ở mạch máu não gây thiếu máu não, gây đột quỵ, còn ở mạch máu chi dưới gây ra hoại tử chân.
Có 3 yếu tố nguy cơ mà bệnh nhân bị bệnh lý mạch máu gặp nhiều nhất. Đó là những người mắc bệnh đái tháo đường, bị xơ vữa động mạch và hút thuốc lá lâu năm.
Bệnh lý mạch máu thường gặp ở những người trên 40 tuổi và có những yếu tố nguy cơ như đã kể trên, tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh. Ở Châu Âu, người dân được khuyến cáo trên 40 tuổi nên đi khám sức khỏe hàng năm để được tầm soát bệnh lý mạch máu.
"Để phòng ngừa các bệnh lý mạch máu cần thay đổi lối sống như đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ, không hút thuốc lá, ăn nhạt và tránh bị stress...", bác sĩ Duy Kiên khuyên.
Những thói quen xấu dẫn đến suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch cũng là một nhóm của bệnh lý mạch máu. Đây là bệnh lý lành tính nhưng có thể gây mất thẩm mỹ và nhiều triệu chứng khó chịu như mỏi nặng chân, tê, cảm giác châm chích và chiếm 30-40% dân số trưởng thành.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có 6 mức độ với những triệu chứng tăng dần như mỏi, nổi gân xanh tím, búi tĩnh mạch nông dưới da ngoằn ngoèo như con giun, chân phù hoặc biến đổi sắc tố da, gây loét...
Những bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch mức độ nặng trở lên thường sẽ phải can thiệp ngoại khoa để tránh biến chứng sau này như huyết khối, loét…
Mới đây, một phụ nữ 35 tuổi, rất xinh đẹp đã đến hệ thống Y khoa chuyên sâu quốc tế Bernard TP.HCM khám với lý do chị thấy mỏi khi đứng lâu, ở chân bắt đầu có những gân xanh nho nhỏ. Bác sĩ đánh giá chị bị giãn tĩnh mạch ở mức độ nhẹ và chưa cần can thiệp. Khi bác sĩ hỏi về thói quen, chị kể chị rất thích đeo giày cao gót và đi giày cao gót suốt. Bác sĩ Duy Kiên cho rằng chính thói quen đeo giày cao gót thường xuyên đã làm chị bị suy giãn tĩnh mạch.
Phụ nữ bị giãn tĩnh mạch nhiều gấp 3 lần nam giới do ảnh hưởng bởi nội tiết tố, thai nghén lên thành tĩnh mạch, sử dụng thuốc ngừa thai, do những thói quen đeo giày cao gót, ngồi xổm, vắt chéo chân...
Bác sĩ Duy Kiên cho hay suy giãn tĩnh mạch dù là một bệnh lành tính nhưng để được chẩn đoán chính xác cần được đánh giá một cách đầy đủ theo quy trình chuẩn. Hiện cũng có không ít bệnh nhân được chẩn đoán bệnh sai do chỉ được siêu âm qua loa, trong khi để chẩn đoán chính xác bệnh này bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng tỉ mỉ với chuyên gia mạch máu kết hợp siêu âm chân bằng tư thế nằm và tư thế đứng, cộng với các nghiệm pháp đánh giá huyết động chuyên sâu để phát hiện dấu hiệu dòng trào ngược bệnh lý của tình trạng suy van tĩnh mạch.
"Siêu âm cho người bệnh trong tư thế đứng rất quan trọng vì sẽ đánh giá được tĩnh mạch nông, sâu, suy như thế nào, van tĩnh mạch còn tốt hay không... Từ đó, có chẩn đoán chính xác cũng như có phương hướng điều trị", bác sĩ Kiên cho biết thêm.
Những người làm nghề phải đứng lâu, ngồi nhiều như giáo viên, đầu bếp, nhân viên văn phòng...., phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh sẽ dễ bị mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nếu cha hoặc mẹ bị suy giãn tĩnh mạch thì con có 50% bị suy giãn tĩnh mạch. Nhưng nếu cả cha và mẹ cùng bị suy giãn tĩnh mạch thì 90% con sẽ bị giãn tĩnh mạch. Những phụ nữ tránh thai bằng đường uống cũng có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
"Để phòng ngừa suy giãn tĩnh cần tránh ngồi, đứng lâu, nên duy trì thói quen tập thể dục như đạp xe, bơi lội... Ngoài ra, cần kiểm soát được cân nặng, tập thói quen mang vớ tĩnh mạch phòng ngừa, ăn uống nhiều chất xơ và tránh một số thói quen xấu như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân, mang giày cao gót...", bác sĩ Duy Kiên khuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận