Tờ báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập tại phòng trưng bày - Ảnh: CÔNG TRIỆU |
Chiều 10-8, Bảo tàng Văn hóa Huế đã khai mạc phòng trưng bày chuyên đề “Báo chí Huế - Những chặng đường” tại 25 - Lê Lợi - Tp. Huế.
Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, cho biết đây là hoạt động nhằm chào mừng 72 năm Cách mạng Tháng Tám và kỷ niệm 90 năm tờ báo Tiếng Dân ra số đầu tiên (10-8-1927 - 10-8-2017).
Người xem được xem tận mắt những tờ báo ra đời rất sớm tại Huế như Tràng An, Sông Hương, Phụ Nữ Tân Tiến, Đại Chúng, Quyết Chiến... hoặc những tờ báo rất lạ như Reo, Vệ Sinh Chỉ Nam.
Đặc biệt là báo Tiếng Dân, tờ báo tiếng Việt khổ lớn đầu tiên ra đời tại Trung Kỳ do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, ông Đào Duy Anh làm thư ký tòa soạn.
Đúng 90 năm trước, vào ngày 10-8-1927, báo Tiếng Dân ra số đầu tiên, do Công ty Huỳnh Thúc Kháng xuất bản, tòa soạn và nhà in đặt tại 123 đường Hàng Bè - Huế (nay là 193 Huỳnh Thúc Kháng).
Tờ báo đã tồn tại hơn 16 năm, xuất bản được 1.766 số báo thì bị chính quyền thực dân Pháp đình bản vào ngày 24-4-1943.
Tại hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 7-1948) tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, Tổng bí thư Trường Chinh đã đánh giá về 16 năm hào khí của tờ báo Tiếng Dân là: “Thét tiếng dân giữa kinh thành Huế”.
Phòng trưng bày chuyên đề còn giới thiệu có tính hệ thống các tư liệu về báo chí Huế, chủ yếu là loại hình báo in có xu hướng tiến bộ và yêu nước, nhằm tái hiện một diện mạo của báo chí Huế qua các giai đoạn lịch sử.
Một số tờ báo ra đời sớm ở Huế như: Tràng An, Sông Hương - Ảnh: CÔNG TRIỆU |
Một số tờ báo, tuần báo khác được trưng bày trong lần này - Ảnh: CÔNG TRIỆU |
Các nhà báo cựu trào và văn nghệ sỹ đến tham quan phòng trưng bày - Ảnh: CÔNG TRIỆU |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận