26/05/2015 06:09 GMT+7

​9 triệu không được, trên 9 triệu cũng không xong

ĐẶNG TƯƠI - LÊ THANH - ĐÌNH DÂN - TRÀ MY
ĐẶNG TƯƠI - LÊ THANH - ĐÌNH DÂN - TRÀ MY

TTO - Thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì ngân hàng không giải ngân vì khả năng trả nợ thấp, nhưng nếu thu nhập trên 9 triệu đồng thì lại nằm ngoài đối tượng được vay của gói 30.000 tỉ đồng (!?)

Quy định đối tượng thu nhập thấp do Bộ Xây dựng đề xuất đang gây khó khăn cho người thu nhập thấp tiếp cận gói vay 30.000 tỉ đồng, bởi mức thu nhập này là dưới 9 triệu đồng/tháng nên ngân hàng từ chối cho vay

Nhiều người dân kỳ vọng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng sẽ giúp họ an cư, lạc nghiệp. Tuy nhiên, để tiếp cận được số tiền hỗ trợ này không phải là điều dễ dàng bởi những quy định có phần “đá” nhau.

Hi vọng rồi thất vọng

Câu chuyện thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì ngân hàng không giải ngân vì khả năng trả nợ thấp, nhưng nếu thu nhập trên 9 triệu đồng thì lại nằm ngoài đối tượng được vay của gói 30.000 tỉ đồng đã làm nhiều người đặt câu hỏi: trên 9 triệu không được, dưới 9 triệu không xong thì thu nhập bao nhiêu mới được vay? 

Chị Thảo Nguyên (Q.4, TP.HCM) cho biết sau 8 năm đi làm, chị tích cóp được khoảng 200 triệu đồng. Chị định mua một căn hộ chung cư với giá khoảng 1 tỉ đồng bằng hình thức trả trước 20% cho chủ đầu tư, phần còn lại sẽ vay gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, “thu nhập hiện tại của mình là 11 triệu đồng/tháng, thừa điều kiện để ngân hàng giải ngân nhưng lại không nằm trong diện được cho vay theo quy định của Bộ Xây dựng”, chị Nguyên nói. 

Bạn đọc Hoàng Minh cho biết bắt đầu nản vì đã nộp hồ sơ hơn năm tháng nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu bổ sung giấy tờ, chưa giải ngân. 

“Giờ tôi phải đi xác nhận tôi nuôi một đứa con để thu nhập của tôi sau khi giảm trừ gia cảnh là dưới 9 triệu đồng, nhưng UBND xã không xác nhận cho tôi. Họ đẻ ra các quy định không thể chịu nổi, cho chút hi vọng để thất vọng triền miên. Tôi giờ phải đi làm việc kiếm sống, không còn trông mong gì vào gói vay 30.000 tỉ đồng”, bạn đọc này viết. 

Khách hàng tìm mua căn hộ tại một dự án nhà ở xã hội vừa khởi công tại TP.HCM - Ảnh: Đ.Dân

Nhiều người tỏ ra nản lòng bởi gói 30.000 tỉ đồng là để hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà ở nhưng ngân hàng lại yêu cầu thu nhập trên 9 triệu đồng mới giải ngân, “trong khi lương 9 triệu/tháng đâu thể gọi là thu nhập thấp”, chị Ánh Hồng (Q.Tân Bình) nói. 

Bạn Nhu Trang cũng đồng tình: Thu nhập 9 triệu/tháng mà gọi là thu nhập thấp, không được vay, nếu như vậy thì lương công chức 3,5 triệu đồng/tháng biết bao giờ mới mua được nhà. 

“Gói 30.000 tỉ đồng là để hỗ trợ người có thu nhập nhấp mua được nhà, giúp họ yên tâm về nơi ăn, chốn ở. Làm hồ sơ vay mất bao nhiêu thời gian, cuối cùng lại thành công cốc thì quy định đá nhau thế này khổ cho người dân quá”, anh Quốc Bảo (Q.Gò Vấp) chia sẻ. 

Tại sao không đặt ra được mức bao nhiêu?

Ngân hàng có tiền cũng không dám đưa ra, còn người dân muốn vay cũng không vay được. Đây là tình trạng chung của các ngân hàng triển khai chính sách cho vay ưu đãi từ gói tín dụng này. Thực tế sau gần 2 năm triển khai, mới chỉ có 1/3 số vốn được giải ngân, trong khi đó theo chương trình, gói tín dụng này phải giải ngân hết trong năm nay. 

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP tại Hà Nội nói: “Rõ ràng cung - cầu không thể gặp nhau do chính sách có vấn đề”. 

Vị này cho biết: quy định về một trong những điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở thì người vay phải có thu nhập không quá 9 triệu đồng/tháng là bất cập.

Vì ở đô thị, mức thu nhập 9 triệu đồng là thấp nhưng còn ở các tỉnh, thành phố không phải là Hà Nội, TP.HCM… thì mức này là khá cao. Do đó việc cào bằng một mức thu nhập cho cả nước là vô lý. 

Mặt khác, cũng theo vị này, nếu có đặt ra thu nhập mức bao nhiêu, 14 hay 15 triệu đồng/tháng để được vay vốn là điều không dễ vì sẽ căn cứ vào số vốn và thời hạn vay. Ngân hàng là đơn vị trung gian để huy động vốn và cho vay. Dù cho vay bất kỳ đối tượng nào thì ngân hàng cũng phải đánh giá được khả năng thu hồi nợ. 

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cũng cho rằng Bộ Xây dựng không nên xác định khái niệm người thu nhập thấp đô thị phải là người có thu nhập không chịu thuế.

Nguyên nhân ông Châu đưa ra là theo nghị định 71, giao cho ủy ban cấp tỉnh quy định mức thu nhập thấp để phù hợp với từng địa phương nên bộ không thể đưa ra mức chung cho các địa phương.

>> Ông Lê Hoàng Châu

Theo lãnh đạo một ngân hàng TMCP ở Hà Nội thì điều kiện để được vay vốn, thực tế phía ngân hàng cũng thấy ái ngại cho khách vay, nhất là những khách vay để xây, sửa chữa, bảo dưỡng nhà. Người vay phải làm đến hơn chục loại giấy tờ chứng minh thu nhập, thực trạng nhà ở có xác nhận của địa phương, đi năm lần bảy lượt mà chưa vay được. 

"Hiện nay, triển khai gói 30.000 tỉ đồng, ngân hàng của tôi chỉ cho vay theo dự án, tức là khách vay để mua nhà thuộc nhà ở xã hội. Còn vay để sửa chữa, bảo dưỡng, hoặc xây nhà cá nhân thì hồ sơ, hay người đến hỏi vay khá nhiều nhưng ngân hàng chưa giải ngân bất cứ hồ sơ nào.

Thủ tục để thẩm định rất mất thời gian, cái quan trọng là với lãi suất cho vay 5%/năm được áp dụng trong hai năm nay, nếu ngân hàng cho vay thì cầm chắc lỗ. Nhiều ngân hàng, trong đó có chúng tôi, không thể dùng vốn kinh doanh để đi làm từ thiện được”, vị lãnh đạo ngân hàng này khẳng định.

Khách hàng xem một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM. Với dự án này, khách hàng có thể vay gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: Đ.Dân

Ông Lê Hoàng Châu đánh giá nhiều đối tượng có thu nhập thấp không thể vay được vì có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngoài thu nhập chính là lương thì nhiều người còn có các hoạt động kinh doanh riêng để tạo thêm nguồn thu nhập cho mình. Vì thế, nếu chỉ căn cứ theo bảng lương thì có thể nói rất nhiều người sẽ không thể chứng minh mình có thu nhập đủ để trả nợ ngân hàng.

>> Ông Lê Hoàng Châu

Chính sách thiết kế sai từ gốc?

Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Câu lạc bộ pháp chế Hiệp hội Ngân hàng VN, cho rằng nên sửa cơ bản chính sách hiện hành bởi chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở thiết kế sai từ gốc. 

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Chính sách thiết kế là cho vay hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, tức là người nghèo, nhưng triển khai là phải cho vay thương mại tức là người phải đảm bảo năng lực tài chính, có tài sản.

Câu chuyện này mâu thuẫn muôn đời, nếu có nâng mức thu nhập lên cao hơn 9 triệu đồng/tháng. Vì lúc đó chính sách không phải là cho vay đối với người nghèo, thu nhập thấp nữa. Trường hợp giữ nguyên mức 9 triệu đồng thì cũng là bất cập vì ngân hàng lo ngại rủi ro mà không cho vay.

Vòng luẩn quẩn này sẽ tồn tại nếu không sửa toàn bộ quy định hiện hành.

Ông Trương Thanh Đức đưa ra đề xuất: Một khi Nhà nước coi gói 30.000 tỉ đồng là tín dụng cho vay ưu đãi nhà ở đối với người thu nhập thấp, với mục tiêu đảm bảo người dân có nhà ở thì phải giao cho ngân hàng chính sách xã hội triển khai việc cho vay hoặc bảo lãnh vay.

Nhà ở thì có giá trị 300-500 triệu đồng/căn. Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa đảm bảo người thu nhập thấp có nhà ở, nghĩa là người ta có thể mua hoặc thuê, hoặc thuê mua chứ không chỉ mua đứt luôn căn hộ đó. 

Còn đối với những nhà trên 1 tỉ đồng/căn hộ thì việc cho người nghèo vay ưu đãi để mua là khó. Với thu nhập 9 triệu đồng/tháng cũng đã là cao nhưng họ phải chi trả các nhu cầu tối thiểu khác gồm ăn uống, học hành cho con, rồi ốm đau… 

“Do đó, nếu để họ đến gõ cửa vay các ngân hàng thương mại thì chắc chắn sẽ nản. Bởi như tôi nói ở trên, các ngân hàng thương mại họ phải nhìn thấy khả năng trả nợ. Dù có tài sản thế chấp nhưng với các ngân hàng việc phát mãi tài sản là cực kỳ gian nan và thu nợ bằng phát mãi tài sản là cách cuối cùng, cực chẳng đã” - luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ thêm. 

ĐẶNG TƯƠI - LÊ THANH - ĐÌNH DÂN - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên