Hình CT cho thấy khối u rất lớn chèn ép các cấu trúc xung quanh và hẹp tĩnh mạch cửa - Ảnh: BSCC
Đó là trường hợp của bệnh nhi N.T.T.N., 14 tuổi, ở Kiên Giang, bị khối u đầu tụy rất lớn 10cm đè ép vào các cơ quan lân cận.
Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, u tụy ở trẻ em hay gặp nhất là u đặc giả nhú - loại u giáp biên ác tính, phát triển chậm nhưng có thể xâm lấn tại chỗ, tái phát và di căn. Loại thứ hai hay gặp là u nguyên bào tụy - một loại u ác tính, tiên lượng xấu hơn. Cho dù là loại nào thì điều trị triệt để vẫn là phẫu thuật cắt trọn khối u.
Tuy nhiên đối với các loại u nằm ở vị trí đầu tụy, để cắt trọn khối u, BS phẫu thuật phải thực hiện phẫu thuật Whipple. Đây là phẫu thuật lớn, vô cùng phức tạp, chứa nhiều nguy cơ tai biến và biến chứng do cùng lúc phải cắt bỏ nhiều cơ quan trong khi các cơ quan này bao quanh các mạch máu quan trọng, dễ bị tổn thương khi bóc tách gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hơn nữa, trong trường hợp này khối u quá lớn còn có thể xâm lấn vào mạch máu khiến cuộc mổ phức tạp hơn nhiều lần.
Êkip phẫu thuật Bệnh viện Nhi Đồng 2, đứng đầu là BS Vũ Trường Nhân - phó khoa ngoại tổng hợp, đã thực hiện thành công ca mổ để loại bỏ khối u nói trên.
GS.BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn ngoại khoa của Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: "Trước đây, những khối u có xâm lấn mạch máu như vậy đều được coi là chống chỉ định của phẫu thuật. Nhưng hiện nay sự phát triển của phẫu thuật ghép tạng với các kỹ thuật xử lý và thay thế mạch máu, những khối u như vậy đã không còn là chống chỉ định nữa, đây là một tiến bộ lớn của y học".
Hiện bệnh nhi khỏe mạnh, đã rút ống dẫn lưu ổ bụng, ăn uống ngon miệng, kết quả siêu âm các mạch máu đều thông tốt, chuẩn bị xuất viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận