Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận với 11.683 tỉ đồng trong 9 tháng. Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Lợi nhuận của Techcombank đã vượt gần 1.650 tỉ đồng so với đang xếp vị trí tiếp theo trong khối cổ phần là VPBank.
Ngân hàng Á Châu (ACB) ghi nhận lợi nhuận kỷ lục kể từ khi xảy ra đại án Bầu Kiên với gần 4.800 tỉ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2017.
HDBank thu được 2.884 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong 3 quý, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, trong khi VIB cũng đạt 1.720 tỉ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước khi kết thúc quý 3.
TPBank, ABBank cũng công bố mức lãi khá cao trong 9 tháng khi đạt lần lượt 1.614 tỉ đồng và 658 tỉ đồng.
Các ngân hàng nhỏ như Kiên Long cũng ghi nhận mức lãi 222 tỉ, tăng 16% nhờ cắt giảm chi phí dự phòng.
Có nhiều nguyên nhân khiến ngân hàng đạt mức lãi cao. Ngoài nguồn thu từ tín dụng, nguồn thu từ dịch vụ tăng mạnh, nhất là khi một số ngân hàng gần đây đẩy mạnh bán chéo sản phẩm bảo hiểm.
Một nguyên nhân quan trọng là ngân hàng đã giải quyết được khối lượng lớn nợ xấu. Nhiều ngân hàng như Vietcombank, Techcombank…đã sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).
Thị trường bất động sản ấm lại trong thời gian qua cũng giúp ngân hàng bán được hàng loạt tài sản thế chấp với giá cao để xử lý nợ xấu, nhờ đó ngân hàng cũng thu hồi được nợ, hoàn nhập khoản dự phòng đã trích trước đây.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ phí cũng góp phần rất lớn vào lợi nhuận.
Tuy lợi nhuận của các ngân hàng đang ở mức rất cao so với các năm gần đây tuy nhiên các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những thay đổi về chính sách tín dụng.
Cụ thể, từ đầu năm 2019, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 45% hiện nay về mức 40%, dẫn đến các khoản vay dài hạn sẽ bị hạn chế hơn.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, đặc biệt các lĩnh vực vốn có lãi suất cho vay cao như bất động sản, chứng khoán, cho vay mua nhà, đất ẩn dưới dạng cho vay tiêu dùng.
Ngoài ra, việc hạn chế nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cuối năm cũng tác động trực tiếp đến nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng vào năm sau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại Q.3 cũng cho biết hiện do hết hạn mức cho vay nên hiện nay chỉ cho vay khách hàng hiện hữu chứ không mở rộng ra khách hàng mới, và nếu không được nới hạn mức thì nguồn thu từ tín dụng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt trong quý cuối năm và năm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận