03/11/2013 08:58 GMT+7

9 "tật xấu" của cảnh sát giao thông

NGUYỄN VIỄN SỰ thực hiện
NGUYỄN VIỄN SỰ thực hiện

TT - Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, tác giả cuộc khảo sát chỉ ra chín “tật xấu” của CSGT khiến người dân dị ứng. Kết quả khảo sát được ông sử dụng trong buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho lực lượng này.

Đây là một hoạt động thể hiện nỗ lực của lãnh đạo ngành công an nhằm cải thiện hình ảnh CSGT.

4SW2cTWC.jpgPhóng to
Một hình ảnh không đẹp của cảnh sát giao thông: chạy ra đường dùng gậy để chặn xe - Ảnh: Thuận Thắng

Tại một buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho cảnh sát giao thông (CSGT) vào cuối tháng 10 do Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM tổ chức, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN - đã chỉ ra chín lý do làm cho CSGT không tạo được thiện cảm với người dân.

Trong đó có nhiều lý do nghe khá sốc mà lâu nay ít người dân nào dám nói như: CSGT đã tự cho mình quyền năng quá lớn, ăn nói mày tao, mi tớ với dân... Chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc chỉ ra những lý do này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn bày tỏ: “Những gì tôi nói xuất phát từ trách nhiệm của một công dân TP, từ lương tâm của người làm nghề giáo, trăn trở của một diễn giả và từ khát khao về một xã hội tốt đẹp hơn”.

Cảnh sát giao thông vỗ tay

9 “tật xấu” làm cho CSGT bị “ghét”

1. Không cần quan tâm đến tuổi tác của người dân khi giao tiếp.

2. Mình là người có quyền năng, sức mạnh mà cần gì phải nghĩ đến cảm xúc của người khác.

3. Nói mày tao, mi tớ với dân.

4. Hay nói: Vi phạm là vi phạm, cần gì phải giải thích.

5. Tôi là pháp luật, anh vi phạm luật nghĩa là có lỗi với tôi.

6. Làm khó, thể hiện sự bực dọc với người dân.

7. Tác phong chậm chạp, quan liêu...

8. Sai về hành vi và suy nghĩ: Tôi chạy nhanh và có vi phạm tí cũng chẳng sao vì tôi có trách nhiệm mà...

9. Lời nói của tôi như vậy, tôi chẳng thể sửa được.

* Cuộc điều tra của anh tiến hành ra sao, trong thời gian bao lâu?

- Tôi chưa khẳng định là một cuộc nghiên cứu khoa học có quy chuẩn quốc tế hay đề tài cấp... “nhóm”, mà là cuộc khảo sát ngắn trong quá trình thu thập dữ liệu để làm tốt hơn tình hình giao tiếp của CSGT và trong cái nhìn lạc quan chứ không phải tiêu cực - muốn làm mọi thứ hoàn hảo.

Cách làm của tôi như sau: quan sát tại ngã tư của năm điểm nội thành có CSGT đứng chốt, quan sát cách 10m của những chốt chặn bắn tốc độ hoặc xét giấy tờ của ba tuyến đường ở quận 3, 7, 12 và huyện Nhà Bè. Với sự tham gia của bốn người, gồm một cử nhân làm đề tài khóa luận điểm 10 về vấn đề này, tôi và hai trợ giảng. Sau khi thu thập kết quả, vì chưa thể an tâm nên tôi tiếp tục phỏng vấn các anh chị trong ngành công an, người quản lý và cả những người dân thường để xác nhận lại kết quả.

* Khi đưa ra chín nguyên nhân này, anh có gặp sự phản hồi nào từ phía CSGT không?

- Tôi được phép nói với tư cách là giảng viên hay người diễn giả chứ không phải là sếp hay người dân. Vì vậy, học viên rất đồng tình, tất nhiên cũng có thể cái tôi tự vệ sẽ làm một số anh chị CSGT có phần “chựng lại”. Tôi nghĩ bên cạnh phê bình thì cũng hãy công bằng về những hình ảnh đẹp và những hành vi đẹp của lực lượng CSGT. Tôi không có ý phê bình hoặc ném đá hay làm anh hùng để phán xét. Đây chỉ là những cơ sở để tôi đề nghị về các nguyên tắc ứng xử cần chú ý. Cách làm cũng rất đơn giản: tôi lần lượt nêu lên từng hạn chế và anh chị nào đồng ý là đồng đội chúng ta hay bản thân mình có, hãy vỗ tay. Và đã có những tràng vỗ tay rất to và dài.

Nếu có nhận được sự bực bội của học viên và kể cả bất kỳ ai thì tôi cũng hài lòng vì tôi đã nói thật quan điểm của mình. Đây là sản phẩm nghiên cứu chứ không chỉ phán xét và tôi không phải là người chuyên đi “soi” không công.

* Xuyên suốt trong chín nguyên nhân anh đưa ra có vẻ như anh cho rằng CSGT đã tự nhìn thấy quyền năng của mình quá cao, và họ bất cần nên mới cư xử như vậy?

- Đây là nhận định khá phù hợp. Con người khi cho mình có quyền phán xét, có quyền phạt, có quyền chỉ trích, có quyền đặt chuẩn hay “bỏ khung” người khác thường dễ hành động như thế. Vì vậy, câu hỏi “tôi là ai?” là một bài tập khó mà không phải học viên nào cũng trả lời được dù tôi dành nhiều thời gian cho CSGT trong buổi học. Và chắc không chỉ CSGT, ngay trong đời thường có nhiều người không trả lời được hay trả lời đúng câu này.

Quyền năng mà CSGT tự nhìn thấy cũng xuất phát một phần từ quan niệm có tiền là giải quyết hết, thói quen tiêu cực của một số người tham gia giao thông.

* Khi anh góp ý chuyện này cho CSGT, họ phản ứng ra sao?

- Tôi rất cảm ơn anh chị học viên CSGT vì tôi được tôn trọng một cách rất nghiêm túc. Khi tôi góp ý chuyện này, các học viên CSGT rất chăm chú lắng nghe và đã gọi tôi bằng thầy với cả sự trân trọng đúng nguyên tắc “tôn sư trọng đạo”. Tôi xin cảm ơn ban tổ chức vì một dự án dài hơi đang hình thành nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử của CSGT toàn TP. Đây là dự án mà tôi cần sự “đấu thầu” chuyên môn của nhiều nhà khoa học.

Hne7KuL6.jpgPhóng to
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn trao đổi về kỹ năng giao tiếp với CSGT tại lớp tập huấn - Ảnh: Phúc Thịnh

Đừng để bị “sốc thuốc”

* Trong các nguyên nhân anh nói, chưa thấy đề cập đến chuyện mãi lộ, anh nghĩ phải trị căn bệnh này như thế nào?

- Tôi cho rằng đấy là vấn đề liên quan đến pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Bài giảng của tôi tập trung vào vấn đề giao tiếp và ứng xử. Vả lại, tôi không muốn chích thuốc quá liều hay để người ta bị sốc thuốc (!). Hơn nữa, trong chương trình huấn luyện còn có cả bài giảng của các giảng viên chuyên ngành thì đấy là một vấn đề cũng được đề cập.

* Anh đã bắt bệnh, vậy anh có bốc thuốc để trị bệnh cho CSGT được không? Có đảm bảo hết bệnh không?

- Nếu được thế thì chắc tôi đã tự tung hô mình là nhà này nhà khác. Tôi chỉ làm công việc xã hội, công việc chuyên môn trong phạm vi được cho phép. Tôi không tự huyễn hoặc về mình hay ngành nghề của mình.

Đơn thuốc đã có, toa cũng xong, vấn đề là phải nắm thuốc trong tay, uống thuốc, trị bệnh và kết hợp đồng bộ các biện pháp thì mới khả dĩ. Tôi nghĩ mỗi cá nhân và sự chịu trách nhiệm của mình là yếu tố quyết định cho chất lượng của hoạt động nghề nghiệp. Chữa bệnh cũng có nhiều loại: ngăn ngừa không cho lây lan, di căn, khu trú, khống chế, trị từng đợt chứ không hẳn là yêu cầu tuyệt đối. Nguyên tắc phải toàn diện mới thực hiện hay cắt bỏ, giết chết tất cả không mang tính nhân văn với con người và một xã hội có tình người.

Tạo hình ảnh đẹp trong mắt dân

Theo thượng tá Trần Thanh Trà (trưởng phòng PC67), kế thừa những thành công từ lớp tập huấn văn hóa ứng xử lần thứ nhất cho cán bộ chiến sĩ PC67, Công an TP đã xây dựng kế hoạch tổ chức lớp “Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của lực lượng CSGT toàn TP” diễn ra từ ngày 28 đến 30-10 với khoảng 2.500 cán bộ chiến sĩ lực lượng CSGT toàn TP tham gia tập huấn.

Việc mở lớp tập huấn nâng cao văn hóa ứng xử vừa qua cũng là hướng khắc phục thái độ, tác phong của CSGT. Mong muốn của lãnh đạo Công an TP là xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT với tiêu chí “Thân thiện với nhân dân, tích cực trong công tác”, phương châm làm việc “Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

ĐỨC THANH

* Thượng tá Trần Thanh Trà (trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM):

Một số ít CSGT có thái độ chưa đúng mực

Chín “tật xấu” của CSGT mà PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định là do PGS.TS Sơn khảo sát. Tôi không biết là đã khảo sát bao nhiêu người, ở đâu, vào thời điểm nào, tỉ lệ có bao nhiêu người đưa ra nhận định trên.

Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM không khẳng định cũng không phủ định quan điểm, nhận định trên của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, phải tôn trọng chuyên môn của báo cáo viên.

Tuy nhiên, các vấn đề mà PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra là để dẫn dắt vào nội dung bài giảng, làm thế nào để có giao tiếp tốt giữa các chiến sĩ CSGT và người dân. Từ đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn hướng dẫn lực lượng CSGT cách để đạt hiệu quả giao tiếp tốt, các yếu tố ảnh hưởng đến việc giao tiếp, làm thế nào để có tâm lý vững vàng và ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với người dân, tạo được thiện cảm của người dân đối với CSGT.

Chín vấn đề mà PGS.TS Sơn đưa ra là những vấn đề cần tránh, không được làm khi CSGT tiếp xúc với người dân. Đôi lúc trong khi thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc với người vi phạm luật giao thông, vẫn còn một số ít cán bộ chiến sĩ có những cử chỉ, thái độ chưa đúng mực với nhân dân.

“Chúng tôi cười thật sự khi tiếp xúc người vi phạm”

Đó là chia sẻ của thượng úy Ngô Thành Trung, đội cảnh sát giao thông Công an Q.Tân Bình, TP.HCM, khi được hỏi về kết quả của buổi tập huấn về giao tiếp, ứng xử với người dân.

Thượng úy Trung chia sẻ: “Tôi đã làm công tác tuần tra kiểm soát giao thông nhiều năm. Trước khóa tập huấn, bản thân tôi cùng nhiều đồng nghiệp cũng đã luôn cố gắng mềm mỏng, lịch sự và thân thiện khi tiếp xúc với người vi phạm. Tuy nhiên, phải nói thật lòng là dù có cố gắng, đôi khi gặp những trường hợp vi phạm không chấp hành, phản ứng thiếu lịch sự, thiếu văn hóa thì dù chúng tôi có cố gắng nhẫn nhịn cũng cảm thấy khó chịu và bức xúc từ trong và sau khi xảy ra.

Trong buổi tập huấn, thầy đã giảng cho chúng tôi rất nhiều điều, trong đó thầy có nêu ra những điểm “xấu” mà CSGT như chúng tôi dễ vấp như: không quan tâm tới tuổi của người dân khi tiếp xúc, thể hiện thái độ bề trên, cách xưng hô không phù hợp, tỏ ra quyền uy trước người vi phạm… Thực tế tình trạng này có xảy ra, dù không phải với tôi. Tuy nhiên từ góc độ cá nhân, tôi cảm nhận được, có thể trước đó tôi đã cười khi chào người vi phạm, nhưng đó là nụ cười chưa thật sự gần gũi, thân thiện và tôn trọng người dân như thầy dạy. Sau buổi tập huấn, tôi cảm nhận được nụ cười của mình trước người vi phạm là nụ cười thật sự, nụ cười của một người bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự an toàn cho người dân chứ không phải nụ cười chiếu lệ cho có”.

Đ.THANH - GIA MINH ghi

NGUYỄN VIỄN SỰ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên