Sáng 2-4, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Lâm Hồng Tuấn - phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành) - xác nhận khoảng 13h chiều 28-3, ông phát hiện 3 con sếu đầu đỏ bay lượn trên bầu trời thuộc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ.
Đàn sếu đầu đỏ về kiếm ăn tại khu bảo tồn ở Kiên Giang
Sau đó, ông Lâm Quang Ngôn - nghiên cứu viên cho dự án kiểm kê đa dạng sinh học Khu bảo tồn Phú Mỹ - đi theo đàn sếu trên và phát hiện thêm nhiều con sếu đầu đỏ khác đang kiếm ăn ở vùng đệm khu bảo tồn.
"Năm 2023, chúng tôi cũng phát hiện sếu đầu đỏ bay về nhưng không biết có xuống kiếm ăn ở vùng lõi khu bảo tồn không. Năm nay, 9 con sếu đầu đỏ này là 3 gia đình sếu (gia đình 4 con sếu, 3 con sếu và một gia đình 2 con sếu). Đàn sếu này chỉ tìm thức ăn, chưa về trú ngụ. Đơn vị cũng tăng cường quản lý, bảo tồn hệ sinh thái để sếu đầu đỏ về trong thời gian tới", ông Tuấn nói.
"Theo thói quen trong mùa di cư, đến thời điểm nhất định mỗi ngày đàn sếu bay về khu vực vùng đệm Khu bảo tồn Phú Mỹ để tìm kiếm thức ăn. Lần ghi nhận sớm nhất là 8h30 sáng 30-3, đàn sếu đầu đỏ trên vẫn đến bãi ăn. Đến cuối ngày, đàn sếu trên sẽ bay về phía hướng Campuchia", ông Lâm Quang Ngôn nói.
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ có diện tích 2.700ha (vùng lõi có diện tích 1.066ha; vùng đệm 1.644ha). Vùng này là dạng đất ngập nước nguyên thủy còn sót lại, nhiễm phèn nặng, giàu hữu cơ, ngập theo mùa và đặc biệt có loài quý hiếm là sếu đầu đỏ về đây kiếm ăn theo mùa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận