Một nhóm các thành viên thuộc Hội đồng kinh doanh của trang Forbes đã chia sẻ lời khuyên hữu ích để tạo ra nhiều cơ hội nhằm tạo sự chú ý và nhận được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Làm theo các mẹo và chiến lược này, doanh nhân chưa có tiếng tăm có thể thực hiện các bước cụ thể để biến ước mơ thành hiện thực.
1. Tìm người cố vấn khi khởi nghiệp
Công ty khởi nghiệp nên tìm hoặc thuê một chuyên gia cố vấn hay một doanh nhân có kinh nghiệm để lắng nghe, đánh giá và góp ý cho bản thuyết trình về dự án của bạn. Bạn nên chuẩn bị trước tất cả kịch bản và câu trả lời cho các câu hỏi có thể được nhà đầu tư đặt ra trước khi kêu gọi tài trợ vốn.
Lời khuyên cho các công ty khởi nghiệp này là tìm kiếm các quỹ đầu tư mạo hiểm, liên hệ với một trong số họ và tìm hiểu xem bạn cần phải có điều kiện gì để được họ chấp thuận rót vốn.
2. Hãy dũng cảm khi khởi nghiệp
Có 3 điều tạo nên sự khác biệt: Đầu tiên, hãy mạo hiểm - xem xét, mở rộng và khám phá các mạng lưới có thể giúp bạn tự nhìn nhận doanh nghiệp của mình từ nhiều lăng kính, khía cạnh khác nhau. Thứ hai, hãy sẵn sàng - đừng đánh giá thấp khả năng của chính mình.
Thứ ba, hãy dũng cảm - sẵn sàng, kiên trì tìm kiếm những doanh nghiệp, quỹ đầu tư đang quan tâm đến các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau và lên kế hoạch để được lọt vào tầm ngắm của họ.
3. Kết nối với những start-up khác
Hãy kết nối thành một cộng đồng. Bắt đầu với những mối quan hệ, kết nối riêng của bạn và tận dụng chúng cho hai việc.
Đầu tiên, tham khảo kinh nghiệm đi trước bằng cách trao đổi với những người gần đây đã gây quỹ để xem những điều gì đang giúp ích, điều gì nên tránh trong cách tạo ra thông điệp, kỳ vọng của nhà đầu tư và xu hướng thị trường. Thứ hai, họ có thể giới thiệu bạn với những người khác để mở rộng các mối quan hệ, tạo dựng niềm tin và tìm kiếm thêm các tài trợ, các nhà đầu tư mới.
4. Đừng chỉ nói suông khi gọi vốn khởi nghiệp
Các nhà đầu tư luôn quan tâm đến sự thành công của các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư nhằm tạo ra lợi nhuận cho công ty của họ. Điểm mấu chốt ở đây là: các dữ liệu, con số thực tế, dẫn chứng cụ thể luôn có sức mạnh thuyết phục hơn là một bài thuyết trình gọi vốn trống rỗng, bất kể bạn là ai.
5. Kể một câu chuyện hấp dẫn
Thách thức trong việc huy động nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nhân khởi nghiệp thuộc các nhóm thiểu số là có thật, và cũng là thách thức mà cộng đồng khởi nghiệp cần phải giải quyết nếu chúng ta muốn tạo ra một xã hội công bằng hơn. Những nhà sáng lập hãy kể một câu chuyện hấp dẫn về chính bản thân và con đường sự nghiệp của mình. Hãy tìm những nhà đầu tư phù hợp, quan tâm và từng đầu tư vào những doanh nhân khởi nghiệp tương tự như bạn.
6. Hiểu được điểm mạnh từ nền tảng của bản thân
Tập trung vào điểm xuất phát của bạn, đừng né tránh. Những người sáng lập xuất thân từ những cộng đồng nhỏ thường có những câu chuyện cá nhân rất ấn tượng đến từ những trải nghiệm thực tế. Do đó, những công ty khởi nghiệp này có cấu trúc vững chắc. Đây chính là siêu năng lực chứ không phải là điểm yếu. Hãy tận dụng câu chuyện nổi bật của bạn và làm nó nổi bật hơn nữa.
7. Tìm hiểu gu của nhà đầu tư
Mục đích và việc đảm bảo giá trị của nguồn vốn đã rót vào các dự án khởi nghiệp đối với một nhà đầu tư mạo hiểm rất quan trọng. Các công ty khởi nghiệp nên chủ động tìm hiểu khẩu vị của các nhà đầu tư, từ đó sử dụng các thông tin của dự án để nhấn mạnh vào cơ hội và nhu cầu thị trường của nhà đầu tư nếu đồng hành cùng bạn.
Ngoài ra, hãy thử kết nối với nhiều nhà đầu tư khác để có cái nhìn sâu sắc hơn về gu đầu tư độc đáo, phức tạp trên thị trường. Tập trung, có chiến lược và kiên trì, bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình.
8. Nắm bắt mọi cơ hội
Điều cần phải làm là trau dồi tính trung thực, niềm tự hào về những gì bạn đã làm và sức mạnh của câu chuyện đằng sau đó. Tập trung vào những điểm làm dự án của bạn trở nên độc đáo, chia sẻ về hành trình cá nhân với một sự tin và tinh tế.
Tận dụng mọi cơ hội để truyền tải thông điệp từ dự án và xây dựng các mối quan hệ xung quanh. Thể hiện sự khát khao của bạn bằng cách đặt những câu hỏi cụ thể hoặc đưa ra những thách thức để thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm.
9. Hãy làm sản phẩm chất lượng
Các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào những người có thể hiện thực hóa một điều gì đó, chứ không chỉ dừng lại ở một ý tưởng. Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng huy động vốn đầu tư mạo hiểm cho công ty khởi nghiệp của mình, trước tiên hãy tập trung vào việc xây dựng một sản phẩm chất lượng.
Khi bạn có một sản phẩm có thể trưng bày và dùng thử nghiệm, hãy đi tìm những nhà đầu tư quan tâm đến dự án và cho họ thấy nó hoạt động tốt như thế nào.
Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award
Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.
Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó có 2 start-up được hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với giá trị 100 triệu đồng/giải.
Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...
Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận