Văn phòng Chính phủ mới đây đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ đánh giá việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Viên chức thôi việc chủ yếu không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý
Liên quan việc thực hiện chính sách thôi việc đối với công chức, viên chức, Văn phòng Chính phủ cho rằng việc thực hiện chính sách này theo quy định tại nghị định 46 và 115 của Chính phủ thời gian qua được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định.
Dù áp lực công việc tăng do khối lượng công việc được giao ngày càng nhiều, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao nhưng do đội ngũ công chức, viên chức có tư tưởng chính trị, phẩm chất tốt nên số công chức xin nghỉ, thôi việc của Văn phòng Chính phủ rất ít.
“Viên chức xin nghỉ thôi việc chủ yếu là viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý. Năm 2022, số công chức, viên chức nghỉ thôi việc của Văn phòng Chính phủ là 89, gồm 2 công chức và 87 viên chức", báo cáo nêu.
Báo cáo chỉ rõ số công chức, viên chức thực hiện chính sách thôi việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ chủ yếu là các trường hợp thôi việc theo nguyện vọng.
Trong đó có nhiều viên chức trẻ xin thôi việc để chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân, làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đội ngũ viên chức.
Văn phòng Chính phủ cũng đề xuất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tinh giản biên chế.
Đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế các nghị định 108, 113 và 143 với các nội dung sát với các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý biên chế và phù hợp với tình hình thực tiễn của các cơ quan đơn vị trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó nên quy định mở rộng về đối tượng, hạ thấp điều kiện, tiêu chuẩn, nâng mức hỗ trợ hưởng chính sách tinh giản biên chế, làm cơ sở pháp lý để đưa ra khỏi đội ngũ những người hạn chế về năng lực hoặc không có tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.
Cạnh đó, đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Văn phòng Chính phủ đánh giá hiện nay tình trạng thôi việc, nghỉ việc của công chức, viên chức diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương.
Do đó cần nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy cán bộ, công chức tận tâm cống hiến.
Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định số 46 và 115 để quy định đầy đủ, chặt chẽ hơn đối với chính sách thôi việc. Đặc biệt cần có chính sách lương phù hợp nhằm hạn chế tình trạng công chức, viên chức có năng lực, trình độ bỏ việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước.
7 năm tinh giản 19 biên chế
Cũng theo báo cáo từ năm 2015 đến tháng 6-2022, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tinh giản biên chế 19 biên chế, trong đó, có 2 công chức, viên chức và 17 lao động hợp đồng theo nghị định 68/2000 của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ đánh giá tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng còn mang tính cơ học, chưa gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Một số đơn vị khi đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn nể nang, ngại va chạm, hình thức, chưa gắn việc đánh giá năng lực hoàn thành công việc được giao với kết quả sản phẩm đầu ra theo vị trí việc làm.
Cạnh đó, việc đánh giá chưa đầy đủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ dẫn đến khó xác định chính xác đối tượng cần tinh giản biên chế.
Một số công chức, viên chức ốm đau, bệnh nặng, phát hiện đột xuất, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản; được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý nhưng không đủ điều kiện về tuổi để nghỉ tinh giản biên chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận