Tại buổi tập huấn giám sát bệnh dại tổ chức tại tỉnh Gia Lai ngày 22-3, ông Nguyễn Văn Long - cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - nhận định "không quốc gia nào chết vì bệnh dại nhiều như Việt Nam" và "hai năm qua bệnh dại diễn biến rất phức tạp" trên khắp cả nước.
Thực tế trên khiến giới chuyên gia cho rằng nếu không có biện pháp siết chặt việc nuôi chó, mèo, tình hình còn có thể nghiêm trọng hơn.
TP.HCM: 10.000 người/tháng tiêm ngừa bệnh dại
Tại TP.HCM, không khó để thấy các nơi sinh hoạt chung như đường phố, công viên, bờ kè, khu chung cư... có tình trạng chó thả rông không rọ mõm, quấy phá, phóng uế bừa bãi, đe dọa người dân xung quanh. Thậm chí tình trạng này cũng nhan nhản ngay tại các nơi có treo biển "cấm dắt thả vật nuôi".
Chị Hồng Nga (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ khi đi tập thể dục ở công viên chị thường xuyên bắt gặp chó thả rông, chủ dắt chó đi chơi mà không quản lý. "Công viên có nhiều trẻ em mà chó cứ chạy khắp nơi như không ai quản lý. Tôi luôn bảo con mình đừng đến gần các con chó đó, không biết chúng có được tiêm phòng dại chưa, nếu không thì rất nguy hiểm", chị Nga nói.
Anh Ngọc Phến (25 tuổi, ngụ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) cũng rất bức xúc với tình trạng trên, anh cho biết mỗi chiều đi bộ quanh khu vực mình sinh sống đều thấy chó thả rông chạy khắp đường.
"Đây là khu dân cư đông đúc, đặc biệt là khu vực công viên trong cư xá, rất đông người đi bộ, tập thể dục vào buổi chiều, đặc biệt là trẻ em nhưng ở đây có rất nhiều chó hung dữ, mỗi lần tôi đi ngang qua nó đều gầm gừ", anh Phến bức xúc.
Song song thực tế chó mèo thả rông khắp nơi thì số người bị chó mèo cắn, cào đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại cũng tăng trong thời gian gần đây. Trong số này có người bị chó mèo cắn với vết thương rất sâu ở nhiều vị trí trên cơ thể, gây chảy máu nhiều, đau nhức...
Mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã ký văn bản khẩn gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức cùng các cơ sở tiêm vắc xin phòng bệnh dại về việc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn TP.
HCDC cho biết trong hai tháng đầu năm 2024, mỗi tháng ghi nhận khoảng 10.000 người dân TP đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại do bị súc vật cắn, trong đó loài vật gây thương tích cho người chủ yếu là chó chiếm 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%... Hơn 60% là vết thương ở mức độ 3 - vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở.
Không khắc phục thực tế, tình trạng chắc chắn xấu hơn
Bàn luận về thực trạng còn nhiều người nuôi chó mèo chưa tiêm ngừa dại rồi thả rông, không rọ mõm nơi công cộng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng chắc chắn số người bị chó mèo cào, cắn phải đi tiêm phòng bệnh dại sẽ gia tăng, nếu không tìm giải pháp khắc phục.
"Thả rông chó mèo sẽ làm tăng sự tiếp xúc giữa chó mèo và con người, đồng thời cũng làm tăng sự lây lan dại giữa các con chó mèo thả rông khiến tỉ lệ nhiễm dại trong quần thể chó mèo sẽ gia tăng", PGS Dũng lý giải.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc - điều hành phòng khám tiêm chủng của Viện Pasteur TP.HCM, thời tiết sau Tết nắng nóng là điều kiện để vi rút dại sinh sôi và hình thành các ổ dại, con vật cũng trở nên hung dữ hơn nên nhiều người dân dễ bị tấn công. Theo đó, "nguồn" dự trữ vi rút nhiều nhất chiếm 90% là chó, sau đó đến mèo và các động vật máu nóng khác.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng bổ sung rằng việc gia tăng số ca dại ở động vật và ở người vào mùa nóng đã được tổng kết qua nhiều nghiên cứu ở các quốc gia.
"Có thể là vào mùa nắng nóng, các động vật hoạt động nhiều hơn và dễ bị kích thích hơn, ra ngoài nhiều hơn nên sự lây lan bệnh dại giữa các động vật gia tăng. Và khi bệnh dại lưu hành ở động vật thì sẽ có nhiều người bị chó mèo cào, cắn dẫn đến cần phải đi tiêm phòng dại và mắc bệnh dại gây tử vong", PGS Dũng giải thích thêm.
Phải có biện pháp mạnh
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT TP.HCM đã xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó mèo và trình UBND TP.HCM xin chủ trương. Trong đó nhấn mạnh chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó mèo với UBND cấp xã, không được thả rông chó nơi công cộng. Khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip (chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý) trên chó mèo nhằm quản lý thông tin.
Cụ thể, người dân nuôi chó mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập về nuôi mới hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Cũng theo quy định, chủ nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dại của chó mèo theo quy định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con người, chó và các vật nuôi khác. Chủ vật nuôi chấp hành các quy định về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đặc biệt, chủ vật nuôi không được thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người, chó và các vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bảo đảm an toàn cho người xung quanh.
Chó phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt. Ngoài ra, chủ vật nuôi phải đăng ký và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành.
Hạn chế nuôi giống chó dữ
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, hiện nay tại TP.HCM có hơn 184.000 con chó mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ. Trong đó, có hơn 29.000 con chó lai, hơn 26.000 chó ngoại.
Ngoài những quy định chặt về trách nhiệm đăng ký, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường khi nuôi chó mèo, đáng chú ý trong dự thảo quy định có đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ như chó Pitbull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản), chó Brasileiros (Brazil)...
Về quản lý tiếng ồn khi nuôi chó, quy định nêu chủ vật nuôi áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tiếng ồn do hoạt động nuôi chó không được vượt quá 70dBA (từ 6h đến 21h) và 50dBA (từ 21h đến 6h). Mặt khác, kiểm soát tiếng sủa của chó đảm bảo không gây phiền phức đến những người xung quanh. Có biện pháp kiểm soát nguyên nhân gây chó sủa như tạo điều kiện môi trường nuôi thoải mái, loại trừ các yếu tố gây kích thích chó sủa. Nếu chó sủa dai dẳng, ảnh hưởng người xung quanh thì cần có biện pháp di dời chó hoặc phẫu thuật dây thanh quản.
Quy định này còn nhắc đến việc chuồng nuôi chó dữ phải đảm bảo không để mọi người tiếp cận chó dữ, có bảng cảnh báo. Chuồng nuôi cũng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết, diện tích sàn tối thiểu 10m²/con, chiều cao chiều rộng tối thiểu 1,8m... Tường sàn mái và cổng chuồng cũng phải tuân theo các quy định chi tiết.
Tiêm ngừa thêm 35%, giảm 70 - 80% số người bị cắn, cào
Bàn thêm về dự thảo quy định tạm thời từ phía Sở NN&PTNT TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc gắn thẻ hay gắn chip cho chó mèo có thể sẽ nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó vì có thể có thông tin về chủ nuôi, chó đã được tiêm ngừa dại hay chưa...
Việc này rất hữu ích trong việc xử lý cho nạn nhân nếu lỡ bị chó cắn cũng như có thể yêu cầu bồi thường chi phí điều trị thương tích hoặc tiêm ngừa. Nếu đã có quy định thì chó mèo "đi lạc" có thể phạt tiền thêm với chủ, không gắn chip thì sẽ bị bắt, xử lý theo quy định.
Với việc buộc người nuôi chó mèo phải đăng ký kê khai 2 lần/năm, ông Dũng cho rằng điều này có thể vượt quá năng lực quản lý hiện nay, lại chưa thấy chế tài nếu chủ nuôi không thực hiện.
Thay vào đó, nên đẩy mạnh việc tiêm ngừa bệnh dại cho chó mèo sẽ có hiệu quả tốt hơn trong kiểm soát bệnh dại. Một nghiên cứu cho thấy tiêm chủng thêm 35% số chó mèo sẽ làm giảm từ 70 - 80% số trường hợp người bị chó mèo dại cào, cắn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên chó mèo nuôi hiện mới chỉ đạt khoảng 50% trên tổng đàn, một số nơi chỉ đạt 10%.
PGS Dũng nhấn mạnh việc tiêm chủng dại ở chó mèo rất quan trọng, có hiệu quả kinh tế và y tế cao. Khi chó mèo được tiêm ngừa dại sẽ làm giảm số chó mèo bị bệnh dại và giảm số trường hợp người bị chó mèo dại cào, cắn.
Viện Pasteur TP.HCM đã hết huyết thanh kháng dại
Về tình trạng vắc xin phòng bệnh dại tại TP.HCM, đại diện Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay trước nhu cầu tăng cao từ người bị chó mèo cào cắn, các đơn vị đều đủ vắc xin cung cấp cho người dân.
Riêng huyết thanh kháng dại, hiện Viện Pasteur TP.HCM đã hết, chỉ còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận