03/08/2017 09:04 GMT+7

8.300 tấn rác thải mỗi ngày, TP.HCM đang tìm hướng xử lý

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh đến 8.300 tấn rác sinh hoạt và 76% trong số đó vẫn phải chôn lấp.

*** Error ***
Việc phân loại rác tại nguồn giúp quá trình xử lý rác thu năng lượng dễ dàng hơn. Trong ảnh: công nhân thu gom rác đã được phân loại trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: Q.KHẢI

 

“Hiện nay có nhiều đơn vị muốn đầu tư công nghệ mới để xử lý rác nên TP phải cân nhắc lựa chọn mô hình phù hợp, đặc biệt là về công nghệ, đơn giá

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại buổi kiểm tra mô hình thử nghiệm ở bãi rác Gò Cát

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 phải giảm tỉ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt xuống còn 50%, tương đương lượng rác phải xử lý, không chôn lấp hơn 4.150 tấn/ngày.

TP xác định chọn hướng xử lý rác theo công nghệ mới, giảm phát thải về môi trường, tái tạo năng lượng.

Tuy nhiên, hiện nay ngoài hai nhà máy của công ty Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa thực hiện phân loại để tái chế rác sinh hoạt với tổng công suất khoảng 2.500 tấn/ngày thì chưa có dự án nào được khởi công mới.

Các mô hình thử nghiệm

Hiện nay, việc xử lý rác theo công nghệ mới tại TP chỉ mới dừng lại ở mô hình thử nghiệm. Trong đó có mô hình xử lý rác thải công nghiệp sản xuất điện do Công ty TNHH Thủy lực - máy và Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (Citenco) triển khai ở bãi rác Gò Cát (Q.Bình Tân).

Sau ba tháng triển khai, đến nay mô hình này đã có kết quả bước đầu. Với công suất xử lý khoảng 10 tấn rác/ngày, mô hình này đã phát được hơn 7.000kWh lên lưới điện quốc gia.

Theo ông Nguyễn Gia Long - giám đốc Công ty TNHH Thủy lực - máy, công nghệ trên không chỉ xử lý được rác thải công nghiệp (TP hiện phát sinh khoảng 1.600 tấn/ngày) mà còn xử lý được rác thải sinh hoạt.

Hiện đơn vị này đang vận hành nhà máy xử lý rác sinh hoạt thu khí phát điện với quy mô 200 tấn/ngày ở tỉnh Hà Nam.

Từ kết quả thử nghiệm, đơn vị này đề xuất nâng công suất xử lý rác lên 1.000 tấn rác/ngày - tương đương với công suất phát điện 20 MW.

Để có cơ sở triển khai dự án xử lý rác không chôn lấp, tháng 10-2016, UBND TP.HCM đồng ý cho Công ty Hitachi Zosen Corporation hợp tác với Citenco thử nghiệm mô hình xử lý rác phát điện khác tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi).

Đây là mô hình kết hợp chặt chẽ với chương trình phân loại rác tại nguồn đang được triển khai ở TP. Nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho nhà máy là rác sinh hoạt hữu cơ đã được phân loại, ủ lấy khí phát điện.

Tuy nhiên với quy mô công suất xử lý nhỏ (200kg/ngày), chất thải thực phẩm được lấy từ chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn của P.Bến Nghé (Q.1) nên lượng điện phát ra không đáng kể.

Hạn chế của mô hình này là kén rác (chủ yếu dùng rác hữu cơ dễ phân hủy) trong khi hiện nay việc phân loại rác tại nguồn ở TP vẫn còn nhiều hạn chế, rác phân loại chưa “chuẩn”, còn trộn lẫn nhiều thành phần...

Ngoài mô hình thử nghiệm, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ plasma (tạo ra năng lượng sét nhân tạo để tiêu hủy chất thải) vào đầu năm nay.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 520 triệu USD, nhà đầu tư là Trisun Green Energy Corporation (Úc) dự kiến được triển khai ở khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp.

Với công nghệ này, chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại đều có thể được xử lý với quy mô lên đến 3.000 tấn/ngày.

Phải quyết liệt phân loại rác tại nguồn

Trong số dự án xin chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án của Trisun Green Energy Corporation được thống nhất đơn giá xử lý rác sinh hoạt là 20,628 USD/tấn.

Nguồn kinh phí này do TP trả cho nhà đầu tư. Quá trình xử lý rác phát điện, nhà đầu tư được Tập đoàn Điện lực VN mua lại với giá 10,05 cent/kWh.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, hiện nhà đầu tư đang làm các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án.

Tuy nhiên với thời gian xây nhà máy được xác định trong 33 tháng, sớm nhất phải đến cuối năm 2019 hoặc năm 2020 nhà máy này mới có thể vận hành.

Đối với mô hình thử nghiệm ở bãi chôn lấp rác Gò Cát, UBND TP yêu cầu phải có hội đồng khoa học đánh giá làm cơ sở để TP xem xét cho nâng công suất xử lý rác lên quy mô 1.000 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, đơn vị thử nghiệm cũng được khuyến nghị chứng minh thêm quy trình xử lý rác sinh hoạt tại TP.HCM thay vì chỉ là rác thải công nghiệp như hiện nay.

Theo TS Phạm Viết Thuận - Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM), việc xử lý rác theo công nghệ đốt rác, tái tạo năng lượng trong điều kiện thiếu oxy là một xu hướng mà nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Tuy nhiên, rác ở TP.HCM và ở các TP khác của VN khác với nhiều nước khác là rác sinh hoạt trộn lẫn rác công nghiệp nên quá trình áp dụng các công nghệ này sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Ngoài ra, quá trình triển khai các dự án này còn chậm nên khả năng hoàn thành mục tiêu giảm 50% lượng rác chôn lấp vào năm 2020 là khó đạt được.

Để đạt mục tiêu như đã đề ra, ông Thuận cho rằng TP phải quyết liệt, triển khai có hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn vì khi rác đã được phân loại sẽ dễ dàng hơn cho các công nghệ xử lý.

Kêu gọi đầu tư cải tạo các bãi rác

Theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, TP còn kêu gọi đầu tư cải tạo các bãi rác đã ngừng chôn lấp rác: Gò Cát, Phước Hiệp, Đông Thạnh.

Việc cải tạo các bãi rác theo các hình thức: phủ đỉnh để sử dụng mặt bằng hoặc xử lý lại lượng rác đã chôn lấp.

“Lượng rác đã chôn lấp tại các bãi rác trên lên đến hàng chục triệu tấn. Đây có thể là nguồn nguyên liệu đầu vào để xử lý rác phát điện” - ông Khoa nói.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên