03/10/2019 11:11 GMT+7

81% doanh nghiệp Việt chưa có chiến lược tiếp cận 4.0

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Ông Nguyễn Quân - chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam - cho biết đến nay chỉ có khoảng 20% nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng tự động hóa, sản xuất thông minh, do nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế.

81% doanh nghiệp Việt chưa có chiến lược tiếp cận 4.0 - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất GE Hải Phòng là 1 trong 5 nhà máy thông minh của GE toàn cầu - Ảnh: NGỌC AN

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo chuyên đề Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ngày 2-10 tại Hà Nội.

Ông Thân Đức Việt - tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết công ty sẵn sàng bỏ tiền đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, nhưng là ngành sản xuất đặc thù, sản phẩm thay đổi liên tục nên rất khó để ứng dụng toàn bộ quy trình sản xuất theo hướng tự động hóa. Việc ứng dụng tự động hóa, sản xuất thông minh cũng chỉ được thực hiện ở một vài công đoạn.

Đơn cử như ở khâu cắt may, doanh nghiệp (DN) này đã ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại và thay thế được 8 lao động, tự động hoàn toàn từ khâu rải vải, dắc mẫu, đến khâu là gấp. Nhưng khâu may chiếm tới 70% chu trình vẫn không thể ứng dụng máy móc thiết bị hoàn toàn để thay thế cho con người.

"Sản phẩm may mặc rất đặc thù, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, bởi yêu cầu của ngành thời trang phải có sự khác biệt, đa dạng rất lớn; nguyên liệu và chất liệu tạo sản phẩm cũng đa dạng nên khó khăn để chuyển đổi số hoàn toàn. Do đó, nói ngành may dễ đưa robot vào sản xuất thay thế con người và ngành may có thể mất 80% lao động là khó khả thi. Để tự động hóa trong ngành may khoảng 30% cũng là tốt lắm rồi" - ông Việt cho hay.

Chuyên cung ứng các sản phẩm, thiết bị máy móc ứng dụng tự động hóa cho các ngành sản xuất, bà Phạm Thị Hương - giám đốc Công ty CP chế tạo máy Autotech VN - cho rằng dù đang tiếp cận và mong muốn áp dụng tự động hóa để tăng năng suất, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt bị vướng về tài chính nên việc ứng dụng chưa nhiều.

"Khách hàng chính của chúng tôi chủ yếu là doanh nghiệp FDI chứ chưa có doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt cũng mong muốn ứng dụng sản xuất thông minh nhưng chi phí đầu tư là rào cản lớn nhất, chưa kể nhận thức của lãnh đạo về tự động hóa sản xuất cũng còn hạn chế" - bà Hương cho hay.

Để ứng dụng chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Quân - chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam - cho rằng cần phải xây dựng lộ trình chuyển đổi số và có kế hoạch thực hiện lộ trình đó. Ngoài ra, Nhà nước nên tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi nhà nước cả về thuế, quá trình ứng dụng nhận chuyển giao công nghệ trong nước và nước ngoài, nhập khẩu trang thiết bị máy móc nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Nhà nước nên hỗ trợ đầu tư tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Khảo sát của Bộ Công thương năm 2018 về mức độ sẵn sàng với cuộc cách mạng 4.0 cho thấy có đến 81,3% doanh nghiệp chưa có chiến lược tiếp cận cách mạng 4.0. Các doanh nghiệp đều tiếp cận ở mức độ tương đối thấp ở tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột quan trọng nhất là chiến lược và tổ chức, sản phẩm thông minh tiếp cận thấp nhất.

Chuyển đổi số thật đơn giản? Chuyển đổi số thật đơn giản?

TTO - Chúng ta đang nói rất nhiều đến “cách mạng công nghiệp 4.0”, “kinh tế số”, “thành phố thông minh”… nhưng đa số chúng ta vẫn còn mơ hồ về việc chúng ta cần làm là gì...

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên