Do lương bệnh nhân đền điều trị sốt xuất huyết quá lớn nên hai bệnh nhân này phải nằm giường bệnh tại hành lang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đới trung ương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Bà Tiến chất vấn: tiền chống dịch (Hà Nội) không thiếu, máy móc không thiếu, chiến dịch diệt lăng quăng cũng tổ chức rồi, vì sao dịch vẫn tăng?
Bảy tháng đầu năm 2017, số mắc sốt xuất huyết cả nước khoảng 80.555 ca, cao gần gấp 3 cả năm 2014 và sắp bằng số mắc cả năm 2016.
Ngành y tế có lúng túng trong kiểm soát dịch, liệu có xảy ra tình trạng vỡ trận trong điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết...?
Chúng tôi đã đặt những câu hỏi này cho ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ông Phu nói:
- Dịch sốt xuất huyết có xu hướng ngày càng lan rộng chứ không thu hẹp, kể cả về số quốc gia có dịch và số bệnh nhân. Đến nay có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch, với trên 3 tỉ người sống trong vùng có dịch sốt xuất huyết. Năm nay dịch gia tăng không chỉ ở VN mà ở châu Á thì Sri Lanka tăng rất mạnh, châu Mỹ thì nhiều nước tăng.
Ở VN trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 ca mắc, năm nay đến nay đã có gần 80.555 ca mắc và 24 người bệnh đã tử vong.
Ông Trần Đắc Phu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
* Tại sao dịch gia tăng mạnh ở VN?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Miền Bắc năm nay ít ngày rét, trong khi miền Nam thì mùa mưa đến sớm. Đô thị hóa và giao lưu đi lại cũng là điều kiện thuận lợi cho sốt xuất huyết lan truyền.
Về môi trường, trước đây trong các nhà chỉ có 5-10 dụng cụ chứa nước, nay có nhà có đến 30 loại dụng cụ chứa nước.
Tại các công trình xây dựng thì các chỗ gồ ghề trên sàn, các bể chứa nước, lán trại... đều có thể phát sinh muỗi và lăng quăng.
* Có một vấn đề là dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở mức độ rất mạnh. Điều này có liên quan đến dự báo dịch chưa sát, thưa ông?
- Chúng tôi đã coi đây là dịch lưu hành và đã dự báo từ đầu năm, các hướng dẫn kỹ thuật là đầy đủ. Chỉ có vấn đề là những hướng dẫn và thông tin về dịch chưa đến được từng gia đình, chưa thay đổi được hành vi của người dân. Quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn dập dịch nhưng người dân chưa tự giác cũng có, mà thiếu kiểm tra, giám sát các tổ nhóm được giao làm nhiệm vụ phòng và dập dịch cũng có.
Tình hình hiện nay phải quyết liệt hơn, nơi nào đã cam kết mà không thực hiện thì phải xử lý. Khu vực nào có dịch, thuộc trách nhiệm của phường xã nào, cá nhân nào phụ trách chống dịch thì phải làm rõ và có biện pháp chế tài. Chỗ nào có công trình xây dựng cơ quan y tế không vào kiểm tra được, mà dịch có chừa chỗ nào đâu? Cho nên chính quyền các cấp phải vào cuộc cùng ngành y tế.
Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: N.KHANH |
* Dịch đã gia tăng từ tháng 5, cách đây gần 3 tháng. Nhưng đến giờ thì nhiều biện pháp phòng chống mới bắt đầu được triển khai, khi đã có 80.555 người mắc bệnh và 24 người tử vong. Có phải có lúng túng trong phòng chống dịch?
- Không phải là lúng túng. Lúng túng là không có giải pháp. Còn ở đây là có nhưng khi triển khai giải pháp chống dịch thì chưa kèm theo các yêu cầu về kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả. Có tình trạng nhân viên vào nhà phun hóa chất diệt muỗi thì chỉ phun ở một vài phòng, không lên tầng, hoặc nhà phun nhà không.
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này: nhiều địa phương chậm cấp kinh phí, không có kinh phí cho phòng dịch mà khi dịch xảy ra mới cấp kinh phí, lúc ấy thì dịch bùng lên rồi. Khi phun hóa chất, loại trừ lăng quăng chống dịch thì nhiều nơi cũng chưa giám sát, từ đó cũng không phát hiện ai làm sai, mà làm sai cũng không bị chế tài (Hà Nội mới phạt hai người không hợp tác phòng chống dịch - PV).
* Các giải pháp trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi hiểu được diễn biến mùa dịch, có giải pháp, có kiểm tra quyết liệt từ đầu năm. Nhưng sốt xuất huyết không giống như các dịch bệnh khác, nếu 2-3 tuần lơ là thì có một lứa muỗi mới và có những ổ dịch mới ngay.
Trong cuộc làm việc của Bí thư Hoàng Trung Hải tại quận Hoàng Mai ngày 10-8, tôi đã đề xuất: hiện Hà Nội đã có đội xung kích phòng chống dịch, do đó phải kiểm tra thời gian các đội tham gia chống dịch, đội nào quản lý khu vực mà vẫn phát sinh dịch thì đội đó phải có trách nhiệm.
Phải lên danh sách là những nhà nào đã loại trừ được lăng quăng, đã phun hóa chất diệt muỗi, nhà nào chưa... Còn nếu cứ không rõ ràng, kiểu đi vận động được thì được không thì thôi sẽ không hiệu quả.
Tiến tới là phải xử phạt: nơi nào để nhiều nước đọng, công trường nào để chỗ ăn ở của công nhân có nhiều ổ bọ gậy, có muỗi nhưng không xử lý sẽ chịu phạt...
* Nhiều bệnh viện phải dành hội trường cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Nếu dịch vẫn gia tăng, làm thế nào để người dân được chữa bệnh?
- Tôi được biết chiều 10-8 Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội. Hà Nội đã rà soát và có thể cung cấp thêm 700 giường điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Nguyên tắc là người có sốt bất thường và sống trong vùng dịch nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm.
Trách nhiệm của cơ sở y tế là phân luồng phân tuyến bệnh nhân, nếu nặng thì chuyển bệnh nhân lên bệnh viện chuyên khoa hoặc tuyến trên, nếu nhẹ thì hướng dẫn và theo dõi. Thế nào là bệnh nặng/nhẹ sẽ tùy theo quyết định của bác sĩ. Còn nếu giữ điều trị cả bệnh nhân nặng, nhẹ cùng nhau thì bác sĩ sẽ rất vất vả, cơ sở y tế thì quá tải và sẽ phát sinh lo lắng cho người bệnh.
20 tỉnh thành có số ca mắc sốt xuất huyết/100.000 dân cao nhất - Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: N.KHANH |
Hà Nội: đủ yếu tố nhưng chưa công bố dịch Trao đổi với báo chí ngày 9-8, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết Hà Nội chưa công bố dịch sốt xuất huyết. Lý do: mục đích công bố dịch là kêu gọi sự vào cuộc chống dịch và công khai thông tin dịch bệnh. Về việc này thì Hà Nội đã công khai thông tin, đã huy động sự vào cuộc và đã chi ít nhất trên 20 tỉ đồng cho việc phun hóa chất và các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên nếu chiếu theo quyết định của Thủ tướng về điều kiện công bố dịch, hiện Hà Nội đã đủ những điều kiện để công bố. Bởi điều kiện công bố dịch hiện hành với xã/phường là số mắc vượt quá mức trung bình của ba năm gần nhất; quận/huyện công bố dịch khi có từ hai xã, phường có dịch trở lên; tỉnh/thành có dịch khi có từ hai quận, huyện có dịch trở lên. Tính từ đầu năm 2017, Hà Nội đã có trên 13.000 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc cao gấp 17 lần so với cùng kỳ, nhiều quận huyện số mắc vượt 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. |
Nhận biết sốt xuất huyết Nếu có một trong các dấu hiệu sau cần cho trẻ nhập viện ngay: - Sốt quá cao - Xuất huyết lan rộng - Chân tay lạnh - Trẻ đang tỉnh táo bỗng lừ đừ, có khi vật vã - Đau bụng dữ dội, da đổi màu. • Không cạo gió, tránh tuyệt đối dùng aspirin và Ibuprofen để hạ sốt. |
TP.HCM: 16.534 ca nhập viện, 4 ca tử vong Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết Trung tâm Y tế dự phòng TP đã chỉ đạo các quận huyện phải giám sát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết. Đối với điểm nguy cơ trong ổ dịch phải giám sát hằng tuần. Trong một cuộc họp gần đây, ông Dũng đã nhắc nhở nhiều quận huyện chưa thực hiện tốt điều này. Trong tháng 8 này, Trung tâm Y tế dự phòng TP tập trung cao điểm phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo ThS.BS Lê Hồng Nga - trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong hai tuần gần đây số ca sốt xuất huyết ở TP nhập viện đã dao động ở mức 500 ca/tuần, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Năm nay mùa dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn các năm trước và dự báo số ca sốt xuất huyết còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay TP có 16.534 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 4 ca tử vong tại Q.12, Q.5, Q.Bình Tân và Q.Bình Thạnh. WHO: do một chủng virút mới Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nguyên nhân chính khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát dữ dội tại một số nước châu Á và vượt ngoài tầm kiểm soát là do một chủng mới về sốt xuất huyết mà hệ miễn dịch của con người chưa có sức chống lại. Hiện tại dịch sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội tại Sri Lanka, khiến gần 300 người thiệt mạng. Hiệp hội Chữ thập đỏ Sri Lanka và Liên đoàn Hội Chữ thập đỏ và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đầu tuần này cho biết họ đã tăng cường hỗ trợ khẩn cấp cho đảo quốc này vì số ca sốt xuất huyết lên tới hơn 100.000 ca. Trong khi đó, số ca mắc tại VN nay đã là 80.555 ca. Hội Chữ thập đỏ cảnh báo rằng những cơn mưa to và điều kiện vệ sinh kém tại Sri Lanka làm tăng mối lo ngại rằng dịch sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng. Hiện tại có 4 chủng virút sốt xuất huyết là DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Từ những kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy chủng DENV-2 đang là chủng gây dịch chính tại Sri Lanka. Theo WHO, sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh phát triển nhanh nhất thế giới, ảnh hưởng đến hơn 100 quốc gia trên thế giới với 390 triệu ca nhiễm hằng năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận