Trẻ sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiều 13-6, Viện Pasteur TP.HCM tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam với sự tham gia của đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tử vong vì sốt xuất huyết ở trẻ em cao hơn người lớn
Tại hội nghị, bác sĩ Lương Chấn Quang - phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM - cho biết số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, trong đó số ca mắc chiếm 80% và ca tử vong chiếm 100% so với cả nước. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 82% và tử vong cũng tăng.
Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc và tử vong đều chiếm khoảng 50% so với số ca tích lũy từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy số ca mắc và tử vong tăng lên rất nhanh.
Đặc biệt số trẻ em tử vong do căn bệnh này cũng cao hơn so với người lớn. Trong khi những năm trước, số lượng người lớn thường cao hơn.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết bệnh nặng (nhóm C). Ông dự báo thời gian tới số ca bệnh nặng có thể tiếp tục tăng nhanh và sẽ cao hơn nhiều so với 2 năm cùng kỳ.
Bác sĩ Quang cho biết thêm với 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam thì đã có 11 tỉnh, thành có số ca mắc sốt xuất huyết cao hơn 50 ca/100.000 dân tính từ 5 tháng đầu năm đến nay. Trong khi đó chỉ tiêu cả năm là dưới 100 - 150 ca/100.000 dân.
Qua giám sát vi rút, côn trùng nhận thấy tuýp vi rút đang ưu thế là DENV-1 (Dengue virus), riêng các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai thì chủ yếu là DENV-2. Còn DENV-3 chưa ghi nhận lưu hành ở phía Nam.
"Tình hình sốt xuất huyết đang tăng, nhưng thật sự tuýp vi rút không tăng so với 2 năm trước mà chỉ số véc tơ thì lại tăng", bác sĩ Quang nói.
Các địa phương 'giãi bày' lý do
Tại TP.HCM, phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho hay sở đã tham mưu UBND TP, đồng thời chỉ đạo các quận, huyện tăng cường biện pháp phòng chống.
Lý giải nguyên nhân, ông Hưng cho rằng trong hai năm dịch COVID-19 hoành hành, tất cả nguồn lực nhân viên y tế đều tập trung chống dịch và trong thời gian này số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng rất thấp. Điều này dễ sinh ra tâm lý chủ quan phòng chống các dịch bệnh khác.
Để hạn chế số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết, ngành y tế TP đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, kiểm tra trực tiếp các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, đồng thời vận động các cơ sở y tế tư nhân tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân, cùng ngành y tế phòng chống sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp đã tuyên truyền từ trước đến nay.
Là địa phương cũng có tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết rất cao, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.200 ca (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 176 ca bệnh nặng (chiếm 4,1%).
Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhưng địa phương gặp khó khăn lớn về nhân lực. "Hiện chúng tôi có 91 trạm y tế xã, phường nhưng hiện tại thiếu 550 biên chế tại trạm y tế xã, phường nên cực kỳ khó khăn trong việc triển khai phòng chống bệnh", đại diện tỉnh Bình Dương nói.
Ông cũng cho biết ngành y tế tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai hết các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Khẩn trương triển khai nhiều biện pháp
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - thứ trưởng Bộ Y tế - phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: XUÂN MAI
Kết luận tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - thứ trưởng Bộ Y tế - cho rằng dưới ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, ngành y tế các tỉnh thành phía Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất các tỉnh thành phía Nam trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như dịch COVID-19.
Để giảm số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết, PGS.TS Liên Hương đề nghị các đơn vị khẩn trương cung cấp thuốc, truyền dịch. Sở y tế các tỉnh thành tăng cường tập huấn cơ sở y tế tư nhân tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Về kinh phí phòng dịch sốt xuất huyết, hiện quốc gia không hỗ trợ nên các tỉnh thành chủ động tham mưu UBND địa phương hỗ trợ kinh phí.
PGS.TS Liên Hương cũng đề nghị Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng chủ trì, phối hợp Cục Y tế dự phòng tăng cường truyền thông người dân phòng chống sốt xuất huyết; các tỉnh thành phải giám sát, xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận