Phóng to |
Trao học bổng cho các em nhỏ tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau - Ảnh: CTV |
Những món quà yêu thương này được góp tay từ bạn bè hai nhà văn; dành cho 80 bạn nhỏ nghèo các xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang; xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang; xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau và xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Sau đây là ghi chép của hai ông về hành trình khó quên này:
Gầy gò, còi cọc
"Tiền học bổng này em chỉ dành một ít mua sách vở, còn lại tiếp ba má mua quần áo cho các em" |
Công việc chôn chân trong bốn bức tường ở TP ngày này qua tháng nọ khiến đã khá lâu rồi giờ đây chúng tôi mới được thấy lại nhiều trẻ em nghèo đến vậy. 80 cháu tiểu học mà chúng tôi được tiếp xúc trong đợt này là một con số quá nhỏ trong hàng nghìn em ở bốn tỉnh chúng tôi đã được đi qua.
Điểm chung nhìn thấy ngay là những đôi mắt sáng rực chờ đợi, mái tóc cháy nắng, nước da đen nhẻm và đôi chân mốc phèn. Tất cả đều gầy gò, còi cọc, không cháu nào béo phì. Khi các cháu cười, chúng tôi thấy hầu hết đều bị hư răng, một số có chân lợi ửng đỏ. Chắc chắn các cháu đều được ba mẹ cho mặc bộ quần áo đẹp nhất, nhưng không thể che giấu được nỗi cơ hàn mà các cháu đang chịu đựng hằng ngày. Cha mẹ nghèo, hằng ngày tất nhiên các cháu vẫn phải lao động phụ giúp việc đồng áng và việc nhà.
Chúng tôi đã cố ý chọn những xã nghèo nhất, ở vùng sâu nhất. Phú Hữu và Tân Khánh Hòa là hai xã biên giới giáp Campuchia, từng bị tàn phá tan hoang thời chiến tranh Tây Nam. Tân Khánh Hòa nằm trong huyện Giang Thành vừa được tách, cả huyện nghèo đến mức không có một cái khách sạn, nhà nghỉ. Cả bốn xã đều có trên 14% hộ nghèo, một năm chỉ sáu tháng có nước ngọt, còn lại là ngập phèn, mặn. Chỉ mùa mưa mới được tắm nước ngọt.
Khi chúng tôi phát học bổng xong ở mỗi nơi, trong khi thầy cô hoặc các vị chức sắc phát biểu dặn dò các cháu cố gắng chăm học, lẽ dĩ nhiên các cháu không tập trung nghe. Cảnh thường thấy là nhiều cháu cứ ngồi đếm đi đếm lại từng tờ tiền mà chúng tôi không nghĩ đã có lúc các cháu được cầm trong tay nhiều như vậy. Một triệu đồng ở TP.HCM có khi không đủ trả một bữa ăn dăm ba người.
Lúc đầu chúng tôi định trao mỗi học bổng 2 triệu đồng, mỗi xã sẽ chọn mười cháu. Nhưng hầu hết anh em ở các xã đều nói 1 triệu là lớn rồi, mà lại có đến 20 cháu được nhận, niềm vui sẽ được nhân đôi. Vậy mà khi trao ở xã Tân Khánh Hòa, một chị cán bộ còn la làng “sao nhiều quá vậy”! Một thầy ở Đông Thắng cũng nói nên 500.000 đồng thôi để giúp được nhiều cháu hơn. 500.000 đồng! Bạn sẽ làm được gì với số tiền đó trong một chiều cuối tuần ở Sài Gòn? Cầm 1 triệu đưa, trước niềm vui chân thành trong ánh mắt từng cháu, không hiểu sao trong chúng tôi dù vui vẫn gợn lên chút ray rứt khó giải thích.
Nhiều cháu nghèo còn chờ đợi
Cháu Đỗ Huyền Trang (ở Tân Duyệt) mồ côi cha mẹ, sống với ông ngoại. Được chọn đại diện các cháu lên phát biểu, cháu cứ xúc động quệt nước mắt không nói nên lời làm vài người lớn trong hội trường cũng rơm rớm. Hầu hết các cháu đều nhút nhát. Lạ lùng là không ít cháu chỉ ở với mẹ hoặc với ông bà. Tình cảnh quá nghèo khiến nhiều ông cha rồi bà mẹ phải bỏ đi xa làm lụng kiếm sống, quên luôn mái nhà rách rưới của mình.
Hầu hết phụ huynh đều cho biết họ không có đất đai, chỉ làm thuê làm mướn. Ở Đầm Dơi có những người đi cạy hàu, một ký ruột hàu chỉ bán được 60.000 đồng! Sống nghèo như vậy thì làm gì có chuyện dạy thêm, học thêm. Thầy cô cũng nghèo, lương trên 2 triệu đồng/tháng, sau giờ dạy vẫn phải làm nông, mò tôm bắt cá, vậy mà còn nhận bảo trợ cho các cháu quá nghèo, trích tiền lương ít ỏi của mình để mua sách vở giúp các cháu đến trường, không phải bỏ học. Ở Cờ Đỏ có một cô giáo bị cụt chân, dạy học trò không lấy tiền; có ông chèo đò ngày ngày đưa học sinh qua sông đi học, cũng không lấy tiền...
Vài người bạn khi góp tiền cho chúng tôi đi trao học bổng đã thoáng băn khoăn khi ngại số tiền ấy vào tay người khó như gió vào nhà trống. Cũng có người lo cha mẹ lấy tiền học bổng dùng vào việc khác. Điều ngạc nhiên là chính các cháu mới là người muốn dùng số tiền đó vào việc giúp cha mẹ mình. Cháu Bùi Minh Hải ở xã Phú Hữu nói: “Tiền học bổng này em chỉ dành một ít mua sách vở, còn lại tiếp ba má mua quần áo cho các em”.
Không cháu nào biết Nguyễn Nhật Ánh là ai và Kính vạn hoa là truyện khỉ gì, nói gì đến Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức! Hầu hết tên của chúng tôi đều bị đọc lộn trong các buổi lễ, thành Nguyễn Công Thức và cái gì đó Biền, thậm chí có anh em còn đùa nói nên đổi thành Bùng Binh Biền trong tuồng cải lương Khách sạn hào hoa cho dễ nhớ! Thư viện các trường lèo tèo vài ba cuốn sách, mới thấy niềm vui của các trường lớn như thế nào khi nghe sẽ được nhận sách biếu trị giá 4 triệu đồng của Nhà xuất bản Trẻ cho thư viện mỗi trường (riêng trường ở Đông Thắng còn được nhận thêm số sách trị giá 2 triệu đồng của nhà sách Phương Nam Cần Thơ trao tặng). Đời sống văn hóa, tinh thần của các cháu hầu như không có gì.
Chúng tôi chỉ mới đi được bốn tỉnh thành, còn đến chín tỉnh trong hành trình sắp tới mà túi tiền thì chưa đủ đâu vào đâu (bạn bè góp được 110.200.000 đồng, đã phát 80 triệu, còn 30.200.000đ). 180 cháu đang chờ đợi. 1.000.000đ cho mỗi cháu nhà nghèo học giỏi, con số ngỡ quá ít nhưng quả thật như “một món quà động viên vô giá của cộng đồng dành cho các cháu, có thể giúp tăng lòng hiếu học trong từng cháu lên, thậm chí có thể giữ chân được vài cháu ở lại với trường cũng là thay đổi số phận một con người”, như lời ông Nguyễn Minh Luân, bí thư Huyện ủy Đầm Dơi, phát biểu. Chắc chắn trong một ngày sắp tới, với sự trợ giúp của xã hội, chúng tôi sẽ sớm đi tiếp.
Người lớn có thể chịu khổ nhưng thấy con nít khổ đúng là xót xa quá!
Nhất là khi ở mỗi trạm dừng chân, nằm võng đọc báo lại thấy những Vinashin, Vinalines... đua nhau làm thâm hụt hàng ngàn tỉ đồng càng... nóng trong người!
Những mong ước nhỏ nhoi xa vời Các trường đều mong ước có những chiếc máy vi tính cũ để dạy các cháu tiếp cận Internet, mở mang kiến thức. Đặc biệt riêng xã Tân Khánh Hòa, do nằm trong huyện mới tách ra khỏi Hà Tiên và Kiên Lương là Giang Thành, chưa cơ quan nào trong xã có được máy vi tính nói gì đến trường học. Khi nghe nói ở Sài Gòn có không ít công ty sau một vài năm lại đổi máy mới bỏ máy cũ đã lỗi thời, nhiều người chắc lưỡi ao ước. Một số trường mong được giúp cây nước (giếng khoan), để các cháu có nước ngọt uống vào mùa nắng hạn và mùa nước phèn. Nhưng không một cháu nào khi nghe chúng tôi hỏi có mong ước gì lại nói về máy vi tính, về việc được tắm nước ngọt. Có lẽ những điều đó quá xa xôi. Các cháu chỉ mong được ăn no (sống trên vùng đất được tiếng là vựa lúa!), ba mẹ đủ sống, không phải quá cực khổ. Có cháu chỉ ao ước một chiếc xe đạp khi hằng ngày phải lội bộ đi về bảy, tám cây số đến trường. Có cháu mong một chiếc cặp, đôi xăngđan mới thay cho cái đang dùng quá cũ nát. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận