TS Nguyễn Xuân Thủy - Ảnh: T.PHÙNG |
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 25% nhu cầu đi lại là không thể đạt được. TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích:
- Thứ nhất, về thời gian không làm kịp, chỉ tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông làm 6 năm chưa xong mà đòi làm thêm 3 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) trong vòng 4 năm nữa (ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông, hiện đang xây dựng tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội).
- Thứ hai, tiền cũng không thể huy động đủ, mỗi tuyến ĐSĐT cần ít nhất 1,5 tỉ USD, làm thêm 3 tuyến trong 4 năm thì mỗi năm phải huy động khoảng 2 tỉ USD.
- Thứ ba là cách làm của Hà Nội rất chậm chạp, nhiêu khê thủ tục, thời gian làm dự án kéo dài, gây nhiều bất cập, đội giá... Quy hoạch nhiều khi đặt ra nhưng xa rời với thực tế và khả năng thực hiện.
Xe cộ trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: M.C |
Hàn Quốc hay Nhật Bản để có 300 - 400km tàu điện ngầm thì mất cả thế kỷ để làm. London có 400km tàu điện ngầm thì mất 150 năm. Matxcơva từ năm 1935 xây tàu điện ngầm đến nay chỉ có mấy trăm kilômet. Bắc Kinh có trên 100km cũng xây từ những năm 1970.
Các nước làm hàng trăm năm với nguồn lực lớn, trình độ công nghệ, tinh thần trách nhiệm cao. Còn mình có 4 năm nữa mà đòi xong cả 5 tuyến ĐSĐT là mục tiêu gần như không tưởng. Bài toán quy hoạch như thế là không thực tế, có đáp ứng được mục tiêu đó đâu mà cấm xe cá nhân.
* Vậy ông đánh giá thế nào về kịch bản cấm xe máy ở Hà Nội?
- Đến 80% người dân đi xe cá nhân, phải tính khi cấm thì dân đi bằng gì? Còn việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội là vừa phân biệt đối xử vừa hạn chế mưu sinh. Cách đây 40-50 năm chúng ta có một thời kỳ cát cứ, địa phương nào cũng giữ không cho ngô lúa, cà phê ra ngoài.
Chúng ta đã phá sự cát cứ đó, có thông thương mới tạo sự phát triển. Hà Nội trở lại cái đó thì nội thành không thể nuôi nội thành.
Một ngày có 12-14 triệu lượt đi lại, ít nhất phải có 7-8 triệu lượt là người ở ngoại thành vào ra vận chuyển lương thực thực phẩm, làm việc, giao lưu... Họ vào để nuôi nội thành. Nếu cấm là mất cần câu cơm của hàng triệu người. Điều đó không hợp lý.
* Theo quan điểm của ông, vẫn phải phát triển giao thông công cộng đến mức đủ điều kiện mới cấm xe cá nhân?
- Giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì phải để cho người dân đi xe cá nhân. Có thể một ngàn người bị ùn tắc nhưng cấm xe máy thì hàng triệu người bị ùn tắc.
Vậy là phải chọn bài toán phát triển mạnh giao thông công cộng và hạ tầng, dần dần người dân sẽ bỏ bớt xe cá nhân để đi phương tiện công cộng. Quản lý mới khó, còn cấm thì quá dễ. Mình không thể đòi hỏi giao thông công cộng tốt ngay lên được.
Khi giao thông công cộng chưa thể tốt được thì vẫn phải để người dân sử dụng phương tiện cá nhân.
* Có những quan điểm cho rằng phải làm khó xe cá nhân để có đường cho xe buýt chạy, để có điều kiện phát triển giao thông công cộng, ông nói gì về chuyện này?
- Bây giờ hoàn toàn là vấn đề thị trường. Nếu anh làm tốt thì người dân sẽ đi xe công cộng. Còn đi vài lần thấy chậm giờ, họ sẽ không đi nữa.
Không nên làm bài toán ngược và cũng không nên lấy người dân làm phép thử. Cơ quan chức năng phải tự làm phép thử, còn người dân chỉ cần tôi đi cái nào tốt thì sẽ chọn.
Phải để cho người dân lựa chọn chứ không thể áp đặt được.
* PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường đại học GTVT): Phải giải được bài toán đi lại Việc đề ra mục tiêu, xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân là tốt nhưng vấn đề là cần có kế hoạch xây dựng điều kiện đi lại cho người dân. Muốn hạn chế xe cá nhân thì phải có phương tiện giao thông công cộng đáp ứng. Vấn đề quan trọng nhất để cấm xe máy là phải giải được bài toán xe máy hiện đang chiếm 80% nhu cầu đi lại. Nếu xây dựng được năng lực giao thông công cộng đủ điều kiện để năm 2020 cấm xe cá nhân thì ai cũng mong muốn và ủng hộ. Nhưng nếu xem xe buýt là chủ lực thì các đô thị hơn 1 triệu dân trên thế giới không ai xem xe buýt là phương tiện xương sống, mà phải trông chờ vào phương tiện vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ cao là đường sắt đô thị. Xây dựng một tuyến đường sắt cần 5-7 năm là chuyện thường của thế giới. Nước ta còn chậm hơn, ngoài tiền bạc thì cần thời gian thi công và trình độ thi công của mình lại thấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận