Cô Nguyễn Thị Thanh trong thời gian tình nguyện dạy không lương cho học sinh - Ảnh: TRUNG TÂN
Tin vui khiến các cô "vỡ òa cảm xúc, cả đêm không ngủ được".
* Cô Ngô Thị Thanh: Không còn hồi hộp bị cắt hợp đồng
Nhận được tin đã trúng tuyển và sắp được nhận quyết định bổ sung biên chế vào Trường mẫu giáo Hoa Pơ Lang, tôi đã rất vui mừng, vỡ òa cảm xúc. Khi biết ngôi trường với những học sinh nơi đây, nơi tôi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, là nơi mình sẽ tiếp tục gắn bó với một danh phận chính thức, tôi rất vui. Khó có từ nào diễn tả được niềm vui của tôi và các đồng nghiệp lúc này.
Chúng tôi đã chờ đợi 4-5 năm nay rồi. Đó là sự cố gắng của bản thân, nhưng tôi rất biết ơn những đồng nghiệp, cấp trên đã quan tâm tới những giáo viên vùng sâu như chúng tôi. Việc đến lớp tới đây cũng sẽ không có gì thay đổi nhiều. Nhưng từ nay, những giáo viên hợp đồng như chúng tôi - luôn hồi hộp mong mỗi dịp hè sẽ được tuyển viên chức - có một danh phận, được công nhận và có mức lương ổn định. Điều đó giúp tôi yên tâm hơn trong công việc để toàn tâm toàn ý mỗi ngày lên lớp.
* Cô H’Ny: Nhận trái ngọt
Hôm qua (15-12), hiệu trưởng nhà trường thông báo các cô giáo dự kiến nhận quyết định trúng tuyển viên chức vào ngày 22-12 tới. Lúc đó tôi đang ở nhà và đã hét lên vì sung sướng. Ước gì khi đó ở trường để được cùng chung vui với các đồng nghiệp. Sáng nay (16-12) lên trường, chúng tôi rất vui vì thành quả, sự cố gắng bao năm của các giáo viên đã nhận được trái ngọt.
Chúng tôi vui lắm vì nhiều người, đặc biệt các giáo viên vùng sâu, cũng cố gắng và mong vào biên chế không được. Nay nỗ lực của chúng tôi đã có kết quả. Từ nay, tôi vẫn sáng đi, chiều về để dạy ở điểm trường bon Đắk Snao 1 (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) nhưng với tâm trạng khác hẳn.
Trước đây, mỗi kỳ nghỉ hè xong, tôi hồi hộp xem có được ký hợp đồng tiếp không. Bởi ngoài công việc, đồng lương giáo viên dù ít ỏi cũng giúp thêm rất nhiều cho sinh hoạt phí gia đình. Nay được đứng lớp, được nhận lương nên việc lo cái ăn, cái mặc cho các con sẽ đỡ hơn, mình sẽ yên tâm hơn.
Cô H'NY
* Cô Nguyễn Thị Dung: Yên tâm bám lớp
Đó là kết quả bấy lâu mà tôi và các đồng nghiệp đã chờ đợi, mong ngóng. Tối 15-12 nghe hiệu trưởng báo qua điện thoại, tôi và chồng đã không ngủ được vì quá vui mừng. Vào được biên chế, mình sẽ an tâm vào công việc, không phải lo lắng mỗi dịp hè không có lương phải xoay xở vay mượn hoặc đi làm thuê để có tiền nuôi hai con ăn học.
Đáng mừng hơn nữa là từ nay, những giáo viên hợp đồng như tụi mình có thể tin với mọi người là những việc làm thầm lặng, tình nguyện của mình đã được đền đáp. Nhiều lúc gia đình, bạn bè gặng hỏi làm hợp đồng lương đã thấp, nay còn đi dạy tình nguyện không lương thì lấy gì mà sống. Đã khó khăn còn lo chuyện bao đồng... Nhiều lúc nghe thật buồn, dù biết đó là lựa chọn, là hi vọng về nghề nghiệp của bản thân.
Nhận quyết định ngày 22-12
Tối 15-12, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh (ảnh) - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - thông tin đến phóng viên Tuổi Trẻ: "Cả 8 cô giáo mầm non dạy tình nguyện không lương đã trúng tuyển biên chế và theo dự kiến nhận quyết định vào ngày 22-12".
Ông Đoàn Trung Kiên - trưởng Phòng nội vụ huyện Đắk Glong - cũng cho biết đầu năm học 2019-2020, UBND tỉnh giao cho huyện 125 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non. Huyện đã tổ chức tuyển giáo viên mầm non thành hai đợt, thi tuyển và xét tuyển và hiện đang làm các thủ tục để phân công các cô giáo về các điểm trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận