Ký ức ngày 8-3 của những niềm vui
Năm cấp 3, tôi học lớp chuyên văn của tỉnh. Lớp 21 người, duy nhất tôi là con trai. Vậy nên chuyện "áp lực" mỗi dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 luôn thường trực, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Áp lực bên trong là đau đầu tính lựa tặng gì, làm gì cho cả lớp để hợp lý, mà lại hợp cả túi tiền có hạn của một cậu học sinh cấp 3 (dù ngày ấy tôi đã có thể tự kiếm tiền bằng những bài thơ, tản văn, truyện ngắn gửi đăng báo).
Áp lực bên ngoài là cả hàng trăm con mắt các lớp như chuyên toán, lý, hóa, sinh, tin, sử - địa, Anh, Pháp… sẽ đều đổ dồn vào để xem "mì chính cánh" lớp văn sẽ làm gì, xoay xở ra sao để "thoát nạn" trong ngày chị em phụ nữ "vùng lên".
Buổi sáng 8-3 hôm ấy, tôi đến lớp sớm hơn thường lệ, viết chữ "Mừng 8-3" thật to lên bảng. Sau đó đứng ở cửa lớp và tặng thiệp cho từng bạn bước vào. Khi cả lớp đã đến đủ thì yêu cầu tất cả bóc thiệp và đọc lời chúc bên trong lên. Những lời chúc được ghi khá… buồn cười, nhằm tạo nên không khí vui nhộn cho cả lớp.
Tiếp theo đó là tiết mục bốc thăm chọn quà. Thỏa thuận với lớp từ hôm trước là mỗi bạn sẽ mang đến một món quà để tôi tráo lên và bốc thăm. Cảnh này khá hồi hộp.
Người thì là 5 cái bánh rán, người một khúc mía, bọc nhót, gói bim bim… Không khí lớp tưng bừng. Tụi con gái còn ghi vào nhật ký lớp: "Những giây phút như thế này thật tuyệt vời, sau này chẳng thể nào có được"…
Năm lớp 11, tôi lại chọn cách tự tạo ra món quà bằng công sức, tâm huyết của mình. Một ấn phẩm thủ công mang tên "Mùa đầu văn học" như một tập san nội bộ do tôi tự viết tay. Hình ảnh minh họa thì tự tay vẽ. Rồi tôi mang ra hàng photocopy và in thành nhiều bản, ghim thành từng tập nhỏ.
Năm lớp 12, biết thời gian nhích dần về thời điểm chia tay nhau - mỗi đứa sẽ bay đi một phương nên trân quý từng cơ hội, khoảnh khắc lưu giữ những kỷ niệm cùng nhau. Dịp 8-3 cuối cùng ấy, tôi đặt một chiếc bánh kem to, và chuẩn bị 20 bông hồng đỏ. Con gái xúm xít vây quanh, rồi cùng chia nhau hương vị ngọt ngào…
Và khi nhiều phụ nữ.... đòi quà, sợ thiệt
Rời trường đại học, tôi bước vào nhịp sống của dân công sở. Và những dịp các ngày kỷ niệm dành cho chị em thì đã có công đoàn của cơ quan lo. Tôi rất thích sự quan tâm ở công ty tôi làm đầu tiên - là buổi sáng 8-3 chị em đi làm đến để nhận sự chúc mừng, tiệc ngọt của anh em. Buổi chiều, tất cả chị em được nghỉ để dành thời gian cho chính mình và gia đình.
Tôi cho rằng thể hiện sự quan tâm bằng hành động thiết thực như vậy thực sự là một món quà khích lệ tinh thần đầy ý nghĩa với chị em.
Nhưng càng trưởng thành thêm, trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau, tự dưng tôi thấy sợ - sợ cảm giác "tận hưởng" và đòi hỏi của một bộ phận chị em phụ nữ vào những dịp thế này.
Tôi sợ những cô bạn gái, những người vợ mượn cớ những ngày này để gợi ý, đòi hỏi người đàn ông tặng họ những món quà họ đang mong muốn.
Tôi sợ nghe thấy câu chuyện của những gã đàn ông ở quán cà phê sau ngày 8-3 ngồi chia sẻ cùng nhau về "thành tích" hôm qua chi mất một khoản mua quà là có thể dễ dàng rủ em A, em B đi nhà nghỉ.
Tôi sợ những cặp đôi thể hiện tình cảm ồn ào chỉ để gây sự chú ý, chụp hình đăng lên Facebook cá nhân để bạn bè vào bình luận, rồi vài tháng sau lại thấy cô gái ấy chuyển trạng thái hẹn hò với một chàng trai khác.
Tôi sợ nhìn cảnh những nữ lao công thu gom hoa bỏ đi ở cổng các cơ quan vào sáng 9-3. Hoa chất đầy trên xe rác, chất đầy hình thức và sự lãng phí.
Và còn thật nhiều cái sợ nữa - khi sự quan tâm mà người ta dành cho nhau trong mỗi dịp 8-3 không còn thuần khiết, nhuốm nhiều tính toan.
Tặng quà chỉ là một trong nhiều hình thức thể hiện sự quan tâm, yêu thương. Chỉ mong, những món quà ấy gói ghém ở đó sự chân thành, đồng cảm, để sau ngày 8-3 năm nay cho đến 8-3 năm kế tiếp, người phụ nữ nhận quà ấy có cả một năm được quan tâm, thấu hiểu chứ không dừng lại ở một ngày theo trào lưu.
Mời bạn đọc cùng trao đổi, chia sẻ về chủ đề: "Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?" gửi về email [email protected] hoặc bình luận ở dưới bài. Cảm ơn bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận