Tại tọa đàm do báo Đầu Tư tổ chức, ông Phạm Văn Sơn, vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thông tin hiện đã có 8/12 dự án được Bộ Chính trị thông qua giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm xử lý.
Với các dự án còn lại, ngoài dự án bột giấy Phương Nam được Bộ Công Thương báo cáo, theo yêu cầu của Thủ tướng sẽ phải trình phương án xử lý trước ngày 15-9.
Còn 4 dự án thua lỗ đã trình phương án xử lý
"Đến nay ủy ban đã có phương án và trình Thủ tướng. Dự kiến trong thời gian tới Thủ tướng sẽ có cuộc họp và nghe báo cáo về các dự án này để có phương án xử lý cụ thể" - ông Sơn thông tin.
Các dự án này bao gồm: Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco giai đoạn 2; dự án Nhà máy Thép Việt Trung; dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương cho thấy đã có những thay đổi cho tương lai các dự án khi từ đầu nhiệm kỳ, các doanh nghiệp này nợ tới hơn 63.300 tỉ đồng và lỗ lũy kế hơn 26.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đây là nhóm dự án mà Bộ Chính trị đã có tới 2 lần nghe báo cáo, Quốc hội đã có nghị quyết và Chính phủ hai nhiệm kỳ qua có tới hơn 20 cuộc họp để tìm phương án xử lý.
Theo đó, có 5 dự án doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, theo thẩm quyền và quy định pháp luật, được sử dụng vốn hợp pháp để chủ động xử lý.
Một số dự án gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, cấp có thẩm quyền đã có văn bản đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ.
Phát huy vai trò phân cấp phân quyền
Trên cơ sở đó, các dự án đã chủ động xử lý các vướng mắc và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Như tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem, từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hằng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ đầu tháng 1-2022, đạt lợi nhuận sau thuế 354,155 tỉ đồng.
Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyển sợi DTY. Tổng doanh thu ước khoảng 219 tỉ đồng, lợi nhuận ước khoảng 30,58 tỉ đồng.
Với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, lợi nhuận thực hiện là 1.779 tỉ đồng. Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình ghi nhận lãi 928 tỉ đồng.
Ngoài các dự án thua lỗ, yếu kém trên, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm kéo dài tới 12 năm, nhưng nay đã đi vào vận hành, cung cấp khoảng 7,2 tỉ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỉ đồng/năm.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế - cho rằng một trong những yếu tố quyết định giúp cho các dự án này hoạt động bình thường trở lại, đó là việc Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp phân quyền.
Ủy ban Quản lý vốn đã phát huy vai trò quản lý vốn, cũng như giao trách nhiệm cho doanh nghiệp chủ động xử lý, tái cơ cấu nợ để giảm thiểu thiệt hại nhất cho Nhà nước.
Tôn trọng nguyên tắc xử lý theo thị trường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đồng tình về cách tiếp cận đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất. Trên cơ sở đó cá thể hóa, đánh giá kỹ từng dự án để có phương án tối ưu nhất.
Nguyên tắc là phải xử lý dự án theo thị trường, không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp, cũng như giao trách nhiệm cho từng bên.
"Bài học chỉ ra là khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, tính đến cả dài hạn. Khi dự án khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì chúng ta có thể tạo điều kiện thoái vốn" - ông Hiếu nêu.
EVN: Giá thành sản xuất điện có nơi 7.000 đồng/kWh, nhưng bán chỉ 1.900 đồng/kWh
Thông tin được nêu ra tại tọa đàm về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 26-9.
Ông Nguyễn Xuân Nam - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho hay EVN ngoài nhiệm vụ kinh tế, còn phải thực hiện vai trò đảm bảo an sinh xã hội nên hoạt động sản xuất kinh doanh không thuần chỉ là hoạch toán kinh tế lãi lỗ.
Thêm nữa, EVN còn thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của người dân, bao gồm cả các vùng sâu vùng xa.
Theo ông Nam, những vùng này giá thành sản xuất kinh doanh điện có thể lên tới 7.000 đồng/kWh, song giá bán lẻ điện chỉ ở mức từ 1.900 đồng/kWh.
"EVN là doanh nghiệp nhà nước, thực hiện sứ mệnh an sinh xã hội, đời sống. Nhiệm vụ của EVN không thuần túy là nhiệm vụ kinh tế, hoạch toán lỗ lãi mà phải đảm bảo an sinh xã hội" - ông Nam nói trong bối cảnh như vậy, đảm bảo an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu thì EVN phải chấp nhận giá bán thấp hơn giá thành.
Cũng theo ông Nam, năm 2022 là năm khó khăn nhất với doanh nghiệp do những bất ổn chính trị kéo theo giá của các mặt hàng than, dầu, xăng tăng đột biến.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, EVN mua điện đầu vào theo giá thị trường, nhưng bán ra do Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành quy định. Trong khi đó, sau 4 năm tập đoàn này mới được tăng 3% giá điện.
"Nếu cộng lạm phát của 4 năm vừa rồi thì việc tăng 3% như thế có đủ để bù lại lạm phát không?" - ông Kiên đặt vấn đề.
Chưa kể EVN còn phải đối mặt với những rủi ro như chênh lệch tỉ giá, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Để xây dựng hạ tầng cung cấp điện phải, Nhà nước phải đi vay nước ngoài. Nếu trước đây giá 1 USD chỉ khoảng 16.000 đồng, thì nay đã lên hơn 24.000 đồng, dẫn tới khoản chênh lệch tỉ giá đó EVN phải gánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận