75 năm sau nhìn lại, chúng ta nhận thấy việc trích dẫn các bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp vào Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, xây dựng "nước Việt Nam mới" với mô hình thể chế dân chủ - cộng hoà, tiến hành Tổng tuyển cử và Hiến pháp 1946 ra đời cho thấy khát vọng Hồ Chí Minh đưa đất nước vào dòng chảy thời đại cùng với nhân loại tiến bộ.
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ về nền móng tư tưởng mà Lãnh tụ Hồ Chí Minh xây đắp từ những ngày đầu lập quốc, tạo dựng cơ đồ vững bền cho đến hôm nay.
- Dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9 này là một dịp để chúng ta nhìn lại những gì đất nước đã trải qua kể từ ngày Lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra chế độ mới. Có lẽ không cần phải nói lại quá nhiều về giá trị, bởi từ khi mới ra đời, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã là hùng văn tiếp nối dòng chảy lịch sử vẻ vang của dân tộc từ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt, "Hịch tướng sĩ văn" của Trần Quốc Tuấn, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi… Hồ Chủ tịch đã chọn câu kết cho bản Tuyên ngôn bằng một lời thề non nước: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Nhưng Tuyên ngôn Độc lập không chỉ mang trong đó dòng chảy lịch sử của dân tộc anh hùng, mà đã bắt nhịp và tiếp nối dòng chảy mới của nhân loại tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo văn kiện này vào đêm 28-8-1945, ít ngày sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập và trước đó là Quốc dân Đại hội Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa đưa cuộc đấu tranh giành độc lập của Nhân dân ta giành thắng lợi.
Văn kiện lịch sử này được soạn thảo trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang của một gia đình tư sản dân tộc (ông Trịnh Văn Bô), được Hồ Chí Minh thảo luận cùng những người đồng chí xuất sắc của mình và đặc biệt còn được thảo luận ý kiến của Archimedes Patti, sĩ quan tình báo Hoa Kỳ đang phụ trách đơn vị OSS, đang phối hợp với Việt Minh. Patti trở thành người nước ngoài duy nhất được Hồ Chí Minh tham vấn khi viết Tuyên ngôn Độc lập. Hai người còn tranh luận về một đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ, sau đó viên sỹ quan tình báo này mới biết rằng Nguyễn Ái Quốc đã từng dịch trên báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu từ năm 1925.
Tuy vậy, việc Hồ Chủ tịch trích dẫn các bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1792 của Pháp không phải là ngẫu nhiên. Lãnh tụ của chúng ta khẳng định sự ra đời của "nước Việt Nam mới" là thành quả của "một dân tộc gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay" do vậy mà "Dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập".
- Chỉ ít lâu sau khi tuyên bố thành lập "nước Việt Nam mới", ngày 1-11-1945, Hồ Chủ tịch gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes, mong muốn "gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên VN sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ". Sau đó Hồ Chủ tịch nhiều lần gửi thư tới Tổng thống Mỹ Harry Truman, bày tỏ "mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ", đồng thời khẳng định "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới".
Dẫn lại vài chi tiết như vậy để thấy rõ thiện ý của Hồ Chí Minh, cũng để lý giải lựa chọn của Người trong Tuyên ngôn Độc lập và sau đó là xây dựng Hiến pháp 1946. Các văn bản pháp lý này cho thấy sự lựa chọn dứt khoát của Hồ Chủ tịch và nhân dân VN là chấm dứt chế độ phong kiến, xây dựng thể chế chính trị hiện đại dựa trên hai nguyên lý là "dân chủ" và "cộng hoà".
Hồ Chí Minh khẳng định rằng dân tộc VN tự tin hội nhập với thế giới cùng những giá trị phổ quát của nhân loại trên tiến trình tiến hoá về mặt chính trị. Việc trích dẫn ấy còn thể hiện khát vọng VN mong muốn đóng góp vào tiến trình phát triển của nhân loại bằng chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình, trong đó có việc xây dựng một thể chế chính trị tiên tiến. Hồ Chí Minh muốn truyền đi thông điệp rằng cuộc cách mạng của dân tộc VN là sự kế thừa con đường của nhân loại đã đi và sẽ đi tiếp theo chiều hướng hiện đại và tiến bộ.
- Chưa đầy 24 giờ sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3-9-1945, chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu" .
Một tuần sau đó, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Bản sắc lệnh ghi rõ: "Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16, 17-8-1945, tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà, và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên; Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hoà".
Chúng ta biết rằng khát vọng pháp quyền đã được Nguyễn Ái Quốc thể hiện từ năm 1919 trong bản "yêu sách của nhân dân An Nam" gửi đến Hội nghị Versailles (Paris, Pháp) và sau đó được diễn thơ trong "Việt Nam yêu cầu ca" là: "Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Vậy nên trước khi tiến hành Tổng tuyển cử, khi một bản kiến nghị được hàng trăm đại biểu làng xã đưa lên "Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đáp lại: "Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định".
- Lịch sử Quốc hội nước ta còn ghi nhận những tranh luận về dự thảo Hiến pháp 1946 rất sôi nổi, để rồi cuối cùng đạt được sự nhất trí rằng một quốc gia non trẻ, đứng trước nhiều hiểm hoạ thì cần có một nhà nước mạnh, tập quyền và quyền lực tập trung ở Quốc hội.
Xin nói thêm rằng các trí thức VN thời ấy, đặc biệt là các thành viên Uỷ ban dự thảo Hiến pháp phần lớn học trong các trường của Pháp, chịu ảnh hưởng bởi chính thể cộng hoà đại nghị rất kinh điển. Ai hiểu rộng hơn thì bị hấp dẫn bởi chế độ Tổng thống của nền dân chủ tư sản Hoa Kỳ. Nhưng Quốc hội Khoá I đã lựa chọn mô hình hoàn toàn mới là "dân chủ nhân dân" và cốt lõi là "Nghị viện nhân dân" – cơ quan tập trung quyền lực (quyền biểu quyết những dự án, sắc luật của Chính phủ; quyền giám sát và phê bình Chính phủ và mấu chốt là "quyền phúc quyết của nhân dân").
Hồ Chí Minh đã nghiên cứu rất kỹ mô hình chính trị các chế độ khác nhau trong quá trình hoạt động cách mạng với trải nghiệm phong phú của mình, và cuối cùng là chọn lựa, đúc rút để phù hợp với hoàn cảnh VN chứ không sao chép.
Ngày 9-11-1946, Hiến pháp được Quốc hội thông qua. Phải còn một thủ tục nữa để có giá trị thi hành, đó là đem ra trưng cầu dân ý để đáp ứng "quyền phúc quyết của nhân dân". Nhưng định mệnh dân tộc lúc đó đã đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh đã cận kề. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhân dân ta phải bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ suốt ba thập kỷ để bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước, sau đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc.
Ngày nay, trong bối cảnh mới và thực tiễn xây dựng đất nước, ánh hồi quang từ Hiến pháp 1946 lấp lánh tư tưởng Hồ Chí Minh với trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc, một lần nữa hối thúc chúng ta xây dựng, phát triển đất nước hùng cường trong dòng chảy của nhân loại tiến bộ.
Sài Gòn 110 năm trước hẳn nhiên là rất khác ngày hôm nay, lại càng khác hơn trong ánh mắt rực sáng đầy quyết tâm của Nguyễn Tất Thành tuổi 20.
Sài Gòn ngày ấy đã có những đại lộ, những ô phố dinh thự kiểu Pháp, Nhà thờ Đức Bà đã vút cao, bến cảng đã ghe thuyền tấp nập, một thế giới khác với mái tranh xứ Nghệ, Hoàng thành rêu phong xứ Huế, âu thuyền nồng mùi tôm cá xứ Phan Thiết mà Nguyễn Tất Thành đã từng sống hai mươi năm đầu đời. Sài Gòn đang trong giai đoạn lấp lánh của "hòn ngọc Viễn Đông" trong ý chí của thực dân Pháp, công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ đều đang hình thành và phát triển, nhưng những người Việt vẫn chỉ cam chịu thân phận nô lệ.
Trái tim người thanh niên đã từng nghe cha mình và những bằng hữu sĩ phu quay quắt tìm đường cứu nước hết Đông Du rồi Duy Tân, từng chứng kiến những phong trào kháng thuế, chống Pháp sôi nổi khắp các tỉnh miền Trung miền Bắc bị đàn áp, dập vùi trong máu lửa, từng tự tay ôm mẹ chết vì thiếu thuốc, em chết vì thiếu sữa, cha thất chí luân lạc… nhói đau khi tận mắt chứng kiến những nghịch cảnh tại Sài Gòn.
Nguyễn Tất Thành đã quyết rằng mình phải can dự vào cuộc đổi thay những bi kịch ấy của dân tộc.
Những cơ sở của hãng Liên Thành - chỗ dựa trụ cột của phong trào Duy Tân - tại Sài Gòn đã bao bọc, che chở Nguyễn Tất Thành những ngày tháng sống tại Sài Gòn: Căn nhà ở xóm cầu Rạch Bần (nay là 185/1 Cô Bắc, quận 1), nhà 1-2-3 quai Testard Chợ Lớn (nay là số 5 Châu Văn Liêm quận 5)... Nguyễn Tất Thành đã làm nhiều nghề: dạy học, bán báo, công nhân để nuôi những ngày đau đáu với chí hướng của mình.
Địa điểm anh thường đến nhất chính là thương cảng Sài Gòn, nơi có những chiếc tàu to lớn vượt đại dương cặp bến. Như sau này, một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể với một nhà báo Mỹ: "Đất nước chúng tôi có bờ biển rất dài. Tôi lang thang dọc bờ biển, đến các bến tàu xem có cách nào ra nước ngoài được không". Trong cuốn "Những mẩu chuyện về Hồ Chủ tịch", tác giả Trần Dân Tiên đã ghi lại lời của anh Văn Ba: "Tôi là thanh niên, tôi khoẻ, tôi chịu được khổ. Và tôi muốn đi xem các nước". Tờ báo Đoàn Kết của Ý từng phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc tại Liên Xô năm 1924: "Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một số tờ có tính chống đối. Ở Việt Nam, một số người lính lê dương Pháp cũng là những người chống đối chính phủ. Họ cho tôi đọc một số tờ báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý định muốn sang xem mẫu quốc ra sao, và tôi đã tìm cách đến Paris".
Một lần nói chuyện tại Hà Nội năm 1965, Bác Hồ cũng kể lại những ngày ấy: "Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi thường hỏi nhau rằng ai sẽ là người giúp nước mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, người khác nữa cho là Mỹ. Tôi thì thấy rằng phải ra nước ngoài xem cho rõ"...
Từ giã Phan Thiết từ tháng 9-1910, đến Sài Gòn, và ngày 5-6-1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tìm được một chân phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville với cái tên Văn Ba để bắt đầu cuộc ra đi - trở về. Trong bảo tàng Bến Nhà Rồng hôm nay vẫn còn lưu trang sổ lương của tàu có ghi tên Văn Ba - phụ bếp.
110 năm đã trôi qua, anh thanh niên 20 tuổi Văn Ba ngày ấy đã hoàn tất một hành trình thật dài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp vĩ đại không chỉ là giành lấy tự do cho mình mà là độc lập cho cả dân tộc, đất nước. Sài Gòn nơi anh ra đi, trải qua bao biến động, nay đã trở thành Thành phố Hồ Chí Minh, tên của người trở về. Tất cả đã thay đổi nhưng những dấu tích thì vẫn còn đó.
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm được giữ nguyên trạng nhà một lầu - mái ngói để làm di tích nay nom nhỏ bé, lọt thỏm giữa các nhà cao tầng xung quanh, trông ra vòng xoay Phan Đình Phùng (quận 5, TP.HCM) chưa lúc nào hết đông đúc, nhộn nhịp. Lặng lẽ, nhưng căn nhà nhỏ được gắn biển di tích chính là tâm điểm của cả khu vực, là nơi luôn được người dân tự hào giới thiệu với khách viếng thăm. Bến cảng Nhà Rồng nay đã không còn đủ chỗ cho các thương thuyền, mà thay vào đó, được bao quanh bởi những du thuyền xinh đẹp, những công viên xanh mướt, những hàng quán sang trọng. Trên bờ sông lộng gió, người dân thành phố tấp nập ra vào vui chơi, giải trí, khách nước ngoài không ngớt tới lui.
Cuộc thay đổi "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" cho nước Việt, người Việt mà anh Văn Ba ao ước trăm năm trước, dù phải trải qua chiến tranh máu lửa mất mát đau thương, đã thành sự thật. Và Nhà Rồng - trụ sở hãng tàu Messageries Maritimes (Năm Sao) khi xưa vẫn đứng đó, chứng kiến tất cả.
Những tầng lầu của Nhà Rồng nay không còn nhận hàng vận chuyển hay điều khiển tàu ra vào nữa. Thay vào đó, anh phụ bếp trẻ người An Nam khi xưa đã trở thành nhân vật chính. Tràn ngập các phòng, các hành lang là hình ảnh, tư liệu vềcuộc đời hoạt động ngồn ngộn sự kiện - thành quả từ những năm bôn ba của Nguyễn Ái Quốc, những năm kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và điều mà Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng nhấn mạnh nhất chính là tình cảm của Người với miền Nam.
Các hướng dẫn viên luôn biết cách khiến người nghe phải nghẹn ngào khi kể chuyện Bác Hồ chăm sóc, nâng niu cây vú sữa miền Nam, Bác tận dụng mọi khoảng thời gian khoẻ mạnh những năm cuối đời để đến với các chiến sĩ miền Nam, và lá thư Bác viết cho Bộ Chính trị, thiết tha và chi tiết vạch ra kế hoạch vào Nam giữa tháng năm bom đạn: "Tháng 3/1968. ‘Nhớ lại hồi Noel năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành, nhưng nay chỉ đổi một chữ "sau" thành chữ "trước"... Cách đi: Bác sẽ làm công trên một chiếc tàu thuỷ". Lại là "làm công trên một chiếc tàu thuỷ", nhưng lần này không phải anh Văn Ba 20 tuổi mà là Bác Hồ ở tuổi 78, sức khoẻ đã hao mòn sau trùng trùng gian truân.
Chỉ hơn một năm sau, Người từ trần. Miền Nam thống nhất không được đón Bác Hồ nhưng miền Nam đã có Bác Hồ từ ngày anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đứng bên bến Nhà Rồng 110 năm trước.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941 (tức mồng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ đã đặt chân về lại mảnh đất quê nhà tại cột mốc 108 (thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng).
Khi Bác cúi mình hôn nắm đất quê hương sau ròng rã ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, hẳn ước nguyện của Người khi ấy đã chất chứa những khát khao về một ngày mai dân tộc thoát vòng nô lệ, non sông nước Việt trở nên hùng cường giàu mạnh.
Khởi đi từ một hang đá lạnh lẽo giữa núi rừng biên ải, hành trình của đất nước cũng được đánh dấu bằng những cột mốc. Cột mốc biên giới 108 đánh dấu bước chân trở về của người thì hôm nay, ngay Pác Bó, một cột mốc khác được dựng lên ngay di tích được đánh dấu là cột mốc Km số 0 của đường Hồ Chí Minh chạy dài từ đây vào tận mũi Cà Mau với chiều dài 3.200 Km.
Khởi đi từ một lạch nguồn chảy ra từ lòng núi, con suối ấy đã theo những mạch nguồn cách mạng tới ngàn sông muôn bể. Thật lạ kỳ là những lần lên đây, cho dù có nhiều đoàn khách lên tới hàng trăm người nhưng vẫn không làm tan đi vẻ trầm mặc hoang sơ của núi rừng. Cái khu rừng được mệnh danh là "cái nôi cách mạng" ấy vẫn lưu những dư ảnh của một con người vĩ đại.
Từ lòng hang đá hoang sơ với tấm phản Người ngã lưng đêm đêm hay dấu tích nền nhà của ông Lý Quốc Súng nơi Bác từng trú ngụ, trong câu chuyện của bà cụ già tuổi bách niên Hoàng Thị Khìn gần 80 năm trước đi đưa cơm cho "ông Ké" hay trên mảnh ruộng những người dân đang vào mùa gặt hái vẫn còn lưu trên tấm biển dòng chữ đề ngày tháng Bác về đây, trò chuyện với những người dân một thuở chở che cho Người, nuôi dưỡng cho cách mạng thời trứng nước.
5 năm sau đó , ngày 2-9-1945, trên quảng trường Ba Đình, "ông Ké - Già Thu" cúi hôn nắm đất ngày nào đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt quốc dân đồng bào , dõng dạc tuyên bố trước toàn thế giới : "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."
Hơn mười năm trước, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930/2010, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình hành trình về nguồn mang tên "Triệu tấm lòng, một niềm tin" với nhiều hoạt động qui mô được tổ chức ngay tại Khu di tích lịch sử Pác Bó. Khi đó Pác Bó vẫn còn quá thiếu thốn, hạ tầng của Khu di tích cũng đơn sơ chỉ với một nhà trưng bày không lớn lắm. Tầng dưới là nơi cán bộ, nhân viên khu di tích làm việc, tầng trên là nhà trưng bày. Bên cạnh là gian nhà nhỏ làm "Nhà thờ Bác Hồ".
Ký ức như một cuốn phim chiếu chậm trong tâm trí chúng tôi trong lần trở lại này. Và thật bất ngờ, Pác Bó hôm nay quá khác.
Từ thành phố Cao Bằng, xe chúng tôi chạy thênh thang trên con đường đã trải nhựa phẳng lì, rộng cả chục thước chứ không phải con đường nhọc nhằn ổ voi ổ gà rải đá cấp phối . Tuyến xe buýt từ thành phố vào khu di tích vào ra ngày vài lượt, hơn 50km chúng tôi đi chưa tới một giờ đồng hồ thay vì ngày xưa đi non một buổi đường. Hai bên đường nhà dân san sát, nhiều ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên.
Ngay tại trung tâm khu di tích là những công trình mới được xây dựng khang trang xứng tầm bởi Pác Bó được xếp hạng là "Khu di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng" . Một nhà điều hành được xây mới nối liền với nhà trưng bày khá lớn. Trước mặt là vườn hoa, quảng trường rộng. Ngay mé sườn đồi cạnh quảng trường là biểu tượng cột mốc 0 đường Hồ Chí Minh . Đền thờ Bác Hồ được dựng trên đỉnh đồi cao nhất, khang trang và uy nghiêm , ngày ngày du khách, người dân trong vùng và cả những người dân bên kia biên giới vẫn đến dâng hương tưởng nhớ …
Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho chúng tôi biết có đến gần 2/3 người dân thôn Pác Bó tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch, từ nhân viên, bảo vệ, lái xe điện, bán hàng lưu niệm, kinh doanh ăn uống, giải khát. " Chúng tôi đã qui hoạch xây dượng 34 kios bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm và hầu hết là các hộ dân thôn Pác Bó được ưu tiên đấu thầu để kinh doanh. Bình quân mỗi kios, mỗi người dân tham gia vào dịch vụ du lịch đều có thu nhập ổn định .Dù chưa thật sự khá giả nhưng đây là sự chuyển dịch có ý nghĩa, thực sự góp phần làm cho cuộc sống người dân Pác Bó ngày một tốt hơn lên", ông Mùi nói.
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Trường Hà cũng là một người dân thôn Pác Bó, cho biết đời sống bà con trước đây gặp nhiều khó khăn thì vài năm nay nhờ khu di tích được nâng cấp, mở rộng, du khách ngày càng nhiều nên người dân cũng sống được nhờ vào nguồn khách du lịch.
Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, ông Vương Văn Võ khi được hỏi về sự quan tâm dành cho người dân Pác Bó, mà cụ thể là xã Trường Hà, cho biết huyện Hà Quảng vừa nhập thêm huyện Thông Nông vào, cả hai huyện có 28 xã, nay sáp nhập còn 21 xã, thế nhưng xã Trường Hà- nơi có khu di tích Pác Bó là một trong bốn xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn "nông thôn mới". Cả huyện đường ô tô đã thảm nhựa vào tận từng xã. Đời sống người dân đã khá hơn trước rất nhiều, có thể nhìn thấy qua cơ ngơi của từng gia đình với nhà xây, nhà lầu, các kios bán hàng của người dân quanh khu di tích. "Những gì mà người dân Pác Bó đã chở che cho cách mạng thuở ban đầu , giờ đây cần phải được đáp đền một cách trọn vẹn nhất", ông Võ nói.
Nếu con đường cách mạng Việt Nam là một hành trình thì cột mốc đầu tiên của hành trình đó là Pác Bó. Và giờ đây con đường Hồ Chí Minh xuyên Việt về tận Cà Mau nơi cuối trời nước Việt,cột mốc số Km0 khởi đầu con đường mang tên Người được dựng chính nơi bản nhỏ suối nguồn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận