Theo đó, nhóm lao động có trình độ trung học cơ sở, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất 71,09% (tương đương 12.289 trong tổng số 17.286 lao động); kỹ sư, cử nhân chiếm 15,75% (2.722 lao động); cao đẳng chuyên nghiệp, trung cấp nghề 12,07%; thạc sĩ 0,97% và tiến sĩ 0,12%.
Ông Trương Lâm Danh - phó ban Pháp chế HĐND TP - nói dù nhóm lao động có trình độ trung học cơ sở, lao động phổ thông đã giảm từ khoảng 80% (năm 2011) xuống còn khoảng 70% (hiện tại) nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao. Theo ông Danh, mỗi m2 đất tại khu công nghệ cao phải được sử dụng để tạo ra một giá trị cao tương xứng.
Theo qui hoạch, khu công nghệ cao TP hơn 900 ha, trong đó giai đoạn 1 là 300 ha (đã lấp đầy các dự án). Tổng vốn ngân sách nhà nước cấp cho bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án hơn 3.400 tỉ đồng và cho xây dựng hạ tầng hơn 1.800 tỉ đồng. Đã cấp 72 giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 56 dự án còn hiệu lực (do hai dự án sáp nhập và 14 dự án thu hồi giấy chứng nhận đầu tư). Tổng giá trị sản xuất của các dự án đang hoạt động trong khu khoảng 5.830 triệu USD. |
Kết quả nói trên không chỉ là băn khoăn đối với đại biểu HĐND TP mà các nhà chuyên môn cũng nhìn nhận cơ cấu trình độ lao động tại khu công nghệ cao TP.HCM dường như đã đi ngược lại so với cơ cấu trình độ lao động tại những khu công nghệ cao thành công trong khu vực.
Ban quản lý Khu công nghệ cao TP cho hay nếu phấn đấu đạt chuẩn một khu công nghệ cao thành công ở châu Á, thì tỷ lệ lao động được đào tạo từ cao đẳng, đại học và sau đại học tại khu công nghệ cao TP cần đạt trên 40% với dự báo số lượng từ 40.000 đến 50.000 lao động trình độ cao.
Giải thích thêm về những con số trên, tiến sĩ Lê Hoài Quốc - trưởng ban Ban quản lý khu công nghệ cao TP - khẳng định mục tiêu xây dựng khu công nghệ cao là hướng vào tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, dựa trên giá trị gia tăng cao. Hiện nay khu công nghệ cao TP đang phấn đấu để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, ông Quốc nói sở dĩ ông dùng từ “đang phấn phấn đấu” là do thời kỳ đầu đã kêu gọi một số nhà đầu tư đầu tư vào khu nhưng hoạt động dựa trên lắp ráp sản phẩm nên tỷ lệ lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao.
“Đây là vấn đề của lịch sử. Muốn thay đổi hiện trạng này phải chăm sóc chi tiết từng dự án và đề nghị nhà đầu tư phải trả lời cho rõ giá trị gia tăng (hàm lượng khoa học công nghệ) của dự án là bao nhiêu” - ông Quốc cho biết.
Theo ông Quốc, nhìn lại hoạt động của một số dự án tại khu công nghệ cao TP cho thấy giá trị nhập khẩu chiếm khoảng 88-90%, nên giá trị gia tăng chiếm khoảng 10-12% và dựa trên sức lao động, chứ không không phải dựa trên chất xám. Cũng theo khẳng định của ông Quốc những dự mới thu hút ở giai đoạn gần đây, hàm lượng giá trị gia tăng đạt 35-42% và đây mới đúng là công nghệ cao.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh khu công nghệ cao phải theo đuổi các tiêu chí công nghệ cao trong thu hút đầu tư. Đừng vì tình hình khó khăn về kinh tế hiện nay mà thu hút những nhà đầu tư không đúng với tiêu chí công nghệ cao, sản phẩm làm ra không đúng với tiêu chí này.
“Phải kiên định mục tiêu và tiêu chí về công nghệ cao vì quỹ đất không có nhiều. Mình nới lỏng một chút thì hậu quả về sau sẽ giải quyết cực kỳ khó” - bà Tâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận