TTCT - Đúng hai năm trước, ngày 25 đến 31-1-2017, bà Châu Smith (Trần Thị Châu) - một người Mỹ gốc Việt ở tuổi 70 - đã gây sự chú ý trên toàn thế giới khi là 1 trong 9 VĐV hoàn thành 7 cuộc thi marathon (42,195km) trong 7 ngày trên 7 lục địa. Bà Châu Smith tham gia giải marathon Mộc Châu. Ảnh: Nam Khánh Tại cuộc thi có tên gọi “Triple 7 Quest” (Chinh phục 3 số 7), bà Châu đã chạy 7 giải marathon trong 7 ngày, lần lượt tại Perth (Úc), Singapore, Cairo (Ai Cập), Amsterdam (Hà Lan), New York (Mỹ), Punta Arenas (Chile), và đảo Vua George thuộc châu Nam Cực.Ngày 19-1-2019, bà Châu và chồng là Michael Smith về Việt Nam tham dự cuộc thi marathon Vietnam Trail Marathon 2019 tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Bà dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần một cuộc trò chuyện tại Hà Nội, trước khi đi Mộc Châu dự giải.Mảnh bom vẫn còn trên cơ thểVừa gặp, bà Châu Smith hào hứng kể: “Đúng 10 năm tôi và chồng mới trở lại Hà Nội, thành phố có quá nhiều thay đổi, đẹp hơn xưa rất nhiều. Nhân viên của khách sạn tôi ở trên phố Cầu Gỗ thường hỏi tôi có cần gọi taxi để di chuyển không nhưng tôi thường đi bộ, họ không biết tôi là người mê chạy bộ”.Được biết bà sinh ra và lớn lên tại Củ Chi, TP.HCM và đến khi lập gia đình mới sang Mỹ sống?- Tôi là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên giữa bom đạn chiến tranh. Dấu vết của chiến tranh vẫn còn trong cơ thể tôi, một số mảnh bom nhỏ ghim vào tôi khi còn ở Củ Chi giờ vẫn chưa lấy ra được do quá nhỏ và ở vị trí sâu.Mỗi khi thời tiết thay đổi hay chạy lên dốc, xuống dốc, những mảnh bom khiến tôi vô cùng đau đớn. Năm 1972 tôi sang Mỹ với người chồng đầu tiên, sau đó sang Đức sống 3 năm và năm 1975 mới trở lại Mỹ. Tôi có hai con gái nhưng sau đó vợ chồng tôi ly hôn, tôi tái hôn với ông Michael Smith năm nay đã được 36 năm.Công việc của bà ở Mỹ thuận lợi để có thời gian chơi thể thao?- Tôi sống tại bang Missouri với công việc chính là sửa quần áo vest, là, hấp quần áo. Sau khi ly hôn người chồng đầu tiên, tôi đi làm nuôi hai con gái. Thay vì sống nhờ trợ cấp của chính phủ, tôi đi làm suốt ngày suốt đêm để có tiền trang trải cuộc sống.Cũng từ hiệu sửa quần áo sau đó tôi gặp được ông Michael và tái hôn với ông ấy. Ông Michael làm việc tại một trường đại học và cũng đã có hai con sau khi chia tay vợ. Chính Michael đã hướng dẫn tôi chạy bộ.Ngất xỉu trong lần đầu tiên chạy 5kmNhững kilômet đầu tiên khi bà đến với chạy bộ diễn ra như thế nào?- Michael là người rất mê thể thao, ông chơi hầu hết các môn thể thao, trong đó có chạy bộ. Đầu những năm 1980, sáng sớm Michael thường chạy bộ, còn tôi đạp xe theo chồng. Tuy nhiên, đạp xe theo người chạy 42km thì chán quá nên sau đó tôi quyết tâm mình cũng tập chạy theo chồng, đó là năm 1984.Tôi bị bệnh về đường hô hấp nên chỉ có thể chạy vài kilômet mỗi buổi. Sau một thời gian ngắn tập cùng chồng, tôi đăng ký tham dự một cuộc thi chạy 5km. Thế nhưng khi về đến đích tôi ngất xỉu vì kiệt sức. 20km trên đường từ nơi tổ chức chạy về nhà tôi nói với chồng: “Em muốn tham dự cuộc thi 10km”. Lúc đó Michael la ầm lên: “Em suy nghĩ lại đi, mới chạy có 5km mà đã ngất xỉu rồi, giờ còn đòi chạy 10km. Em muốn chết hả”.Tôi là người phụ nữ cứng đầu, ai nói tôi không thể làm gì thì tôi càng phải làm cho bằng được. Vì thế sau hôm đó tôi âm thầm tự chạy bộ một mình. Hơn một tháng sau tôi tham dự cuộc thi chạy 10km, vài tuần sau tôi dự cuộc thi 21km và sau đó là marathon 42km.Bận rộn với công việc tại hiệu giặt là, người phụ nữ hai con dành thời gian nào để có thể chạy bộ?- Công việc của tôi cực nhọc lắm nên tôi phải tranh thủ mọi thời gian có thể để chạy. Sau này khi đã chạy marathon, buổi sáng tôi dậy từ 4h để chạy cùng chồng khoảng 20km, sau đó hết giờ làm lại chạy tiếp. Vào ngày cuối tuần tôi chạy với các thành viên CLB gần nơi mình sinh sống.Để quyết tâm hoàn thành các bài tập 42km, tôi thường lái ôtô cách nhà 21km sau đó chạy ngược trở lại nhà rồi chạy quay lại lấy ôtô.Năm 2013, bà tham dự giải marathon Boston - nơi xảy ra vụ đánh bom khiến 3 người chết và hơn 200 người bị thương. Bà đã ở đâu khi vụ nổ xảy ra?- Đó là kỷ niệm đau buồn không thể quên được trong cuộc đời tôi. Hôm đó là ngày 15-4-2013, tôi tham dự cự ly 42km tại Boston, đi theo cổ vũ tôi còn có chồng, con gái và con rể. Khi tôi cách đích khoảng 1,6km thì quả bom đầu tiên phát nổ (tôi đang chạy nên không biết).Khi cách vạch đích khoảng 500m thì cảnh sát ngăn tôi lại không cho tiến về đích nữa. Bạn biết đó, để đạt chuẩn dự Boston marathon là niềm mơ ước của bao người, đây là giải đấu đầu tiên của tôi mà tôi thì chỉ cách đích có vài trăm mét nhưng người ta lại không cho tôi về đích. Lúc đó tôi không hiểu chuyện gì xảy ra và đã khóc.Con gái và con rể đón tôi ở vạch đích nhưng các cháu có ghé qua cửa hàng để mua dụng cụ làm bánh, canh đến giờ tôi về đích để đón. Rất may như vậy nên các cháu đã không bị thương khi quả bom phát nổ ở vạch đích. Hơn 2 tiếng sau khi vụ đánh bom xảy ra, tôi mới có thể tìm được chồng mình. Cả nhà gặp nhau ở khách sạn đều khóc vì tưởng đã mất nhau.Thế nhưng các giải marathon Boston 2014, 2015 bà vẫn tiếp tục chạy?- Giải 2014 ban tổ chức mời những VĐV đã không thể cán đích vì vụ đánh bom khủng bố đến để chạy tiếp. Lúc đó tôi kiên quyết không đi vì quá sợ, nói đến Boston là nói đến nỗi đau đớn. Thế nhưng cả chồng và con tôi nói tôi phải đến, phải chạy để những kẻ gây ra tội ác đó thấy rằng chúng tôi không run sợ.Phụ nữ hãy làm tất cả những việc mình muốnTrước khi tham dự cuộc thi Triple 7 Quest 2017, bà đã tham dự bao nhiêu cuộc thi marathon?- Hơn 30 năm qua tôi tham dự hơn 90 cuộc thi marathon ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Trước khi đến với cuộc thi chạy Triple 7 Quest 2017, từ năm 2014 tôi và chồng đã hoàn thành 7 cuộc marathon ở 7 lục địa. Chúng tôi đã cùng nhau chạy marathon ở Hi Lạp, Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), Zambia, Chile, Nam Cực, Bắc Mỹ, Úc.Chúng tôi còn cùng nhau chạy ở Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Singapore, New Zealand... Vợ chồng tôi không đến quốc gia nào để chơi nếu không có một giải marathon diễn ra tại đó. Ngay tại lần về Việt Nam này, tôi về TP.HCM để dự đám cưới một người cháu nhưng phải tìm được một giải marathon tại Mộc Châu để chạy.Bà đã ở tuổi 72, còn ông Michael đã 76, ở tuổi này nhiều người Việt Nam gần như không thể hoạt động thể chất được nữa. Sức khỏe của ông bà hiện ra sao sau mấy chục năm chạy bộ?- Mấy chục năm qua tôi gần như không phải uống bất cứ loại thuốc nào vì cơ thể khỏe khoắn. Tôi giống như người nghiện, giờ không chạy không chịu nổi. Tôi giờ chạy tốt hơn chồng vì Michael lớn tuổi và gặp vấn đề với hai đầu gối. Vì thế có giải tôi chạy 42km nhưng chồng chỉ chạy 21km hoặc đi cổ vũ tôi.Một người phụ nữ cao chưa đầy 1,5m, nặng dưới 50kg và đi khắp nơi trên thế giới để chạy bộ dù đã ở tuổi 72. Điều gì đã làm nên Châu Smith phi thường đến vậy, thưa bà?- Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm. Tôi nghĩ phụ nữ đừng đưa ra giới hạn cho bản thân mà hãy làm tất cả những việc mình muốn và hãy thật quyết tâm để thực hiện nó.Chạy bộ là môn thể thao rất tốt với sức khỏe nhưng cũng vô cùng vất vả. Những lúc chạy ở thời tiết khắc nghiệt như nơi nắng nóng hay băng giá (Bắc Cực, Nam Cực), tôi rất mệt mỏi.Thế nhưng những lúc đau đớn, mệt mỏi nhất, tôi nghĩ đến em trai tôi - một người bị liệt, em tôi chỉ mơ được chạy như tôi mà không thể. Tôi nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, hay họ bị khuyết tật không thể chạy như tôi mà phấn đấu. Những vất vả tôi phải trải qua vì thế cũng thật nhỏ bé.■Bà Châu và chồng rất khỏe mạnh ở tuổi ngoài 70 nhờ chạy bộ. Ảnh: Nam Khánh “Châu là mảnh ghép còn thiếu của đời tôi”“Châu là người phụ nữ Việt Nam hiền hậu, bản lĩnh và vô cùng dũng cảm. Khi Châu đã muốn làm gì là sẽ làm đến tận cùng chứ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi thích du lịch và chạy bộ nhưng du lịch là ưu tiên hàng đầu, trong khi với Châu chạy là số 1. Châu là mảnh ghép để hoàn thiện cuộc đời tôi, có nhiều điều tôi không làm được thì Châu làm được.Tôi rất yêu Việt Nam, mỗi năm tôi thường về Củ Chi sống khoảng 1 tháng, đôi khi lúc đó Châu đang ở đâu đó trên thế giới này và chạy bộ. Tôi yêu đất nước này, yêu món ăn, tình người nơi đây và tôi yêu Châu” - ông Michael Smith, chồng bà Trần Thị Châu, tâm sự. Tags: Châu SmithChinh phục ở tuổi 70Trần Thị Châu
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.