Đại biểu Ngô Minh Châu phát biểu tại thảo luận tổ Quốc hội chiều 2-11 - Ảnh: TIẾN LONG
Chiều 2-11, phát biểu thảo luận tại tổ TP.HCM về dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi), ông Ngô Minh Châu chia sẻ phải coi người nghiện là bệnh đặc biệt để có cách quản lý, chữa trị… Trong đó đặc biệt quan trọng là khâu giám sát.
Bắt buộc người nghiện đi cai tập trung
Theo ông Châu, thống kê của một số địa phương, trong đó có TP.HCM, cho thấy người nghiện ma túy là một trong các nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Có đến 70% tội phạm cướp giật là người nghiện ma túy. Có những trường hợp người nghiện ma túy trở thành kẻ giết người, thậm chí giết nhiều người.
Nói về cai nghiện tại cộng đồng, ông Châu nói thẳng: "Nhiều cán bộ làm công tác cai nghiện ở các phường, xã thị trấn tại TP.HCM đánh giá tỉ lệ người bệnh cai nghiện thành công tại cộng đồng rất thấp. Trong khi đây là nguồn phát sinh tội phạm cũng như người nghiện mới".
Ông Châu đề xuất, trừ trường hợp chứng minh được địa điểm, con người đảm bảo cho việc cai nghiện ở cộng đồng, còn đã là người nghiện phải cai nghiện bắt buộc tập trung. Cai nghiện tập trung đem lại kết quả tốt và tỉ lệ thành công cao hơn bởi vó hệ thống điều trị, bác sĩ, quản lý chặt chẽ.
‘‘Chúng ta có thể khẳng định để nhân đạo cho người nghiện cần đưa vào cai nghiện tập trung. Bởi hình thức cai nghiện này nhanh chóng cắt cơn nghiện, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở cai nghiện đầu tư tốt hơn’’, ông Châu nói.
Có khu ''kinh tế mới'' cho người sau cai nghiện
Đại biểu TP.HCM cũng cho biết khi trao đổi, một số địa phương đề xuất phải có một khu cách biệt cho người sau cai nghiện. Do vậy ông đề xuất một khu ‘‘kinh tế mới’’ để những người sau cai nghiện có thể tự nguyện đăng ký về ở đó. Việc cai nghiện và ngăn chặn tái nghiện sẽ hiệu quả hơn.
Đồng tình ý kiến trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ bà kỳ vọng luật sửa đổi lần này làm giảm số người nghiện cũng như giảm số lượng ma túy được tiêu thụ, vận chuyển.
Tuy nhiên, sau khi xem dự thảo luật, bà Lan thấy mục tiêu đó khó khả thi bởi một số biện pháp mới đưa ra vẫn nhấn mạnh vào sự tự nguyện của người nghiện.
Theo bà Lan, việc đòi hỏi người nghiện tự nguyện là rất khó. TP.HCM có nhiều kinh nghiệm đưa người đi cai nghiện tập trung. Do vậy, bà Lan đề nghị luật quy định các giải pháp đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện tập trung đơn giản, rút gọn và dễ dàng hơn.
‘‘Nếu chúng ta muốn đảm bảo quyền con người thì chúng ta phải làm sao đảm bảo các cơ sở cai nghiện chất lượng đầu tư tốt hơn, không bị tiêu cực… vì những người sử dụng ma túy và gia đình họ đã rất khổ. Nếu như không có cai nghiện tập trung thì không ai có thể tự nguyện làm được đâu’’, bà Phong Lan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận