29/08/2015 07:45 GMT+7

70 người di cư chết ngộp bốc mùi trong xe tải

HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
HIẾU TRUNG ([email protected])

TT - Cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu tiếp tục diễn biến tồi tệ với vụ phát hiện 70 thi thể trong chiếc xe tải ở biên giới Áo và tai nạn đắm tàu ngoài khơi Libya khiến 200 người thiệt mạng.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải có người nhập cư thiệt mạng bên trong tại Parndorf (Áo) ngày 27-8  Ảnh: Reuters
Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải có người nhập cư thiệt mạng bên trong tại Parndorf (Áo) ngày 27-8 - Ảnh: Reuters

Theo AFP, ngày 28-8, chính quyền Áo thông báo tìm thấy tới 70 thi thể trong thùng container của chiếc xe tải bên đường cao tốc ở tỉnh Burgenland, khu vực gần biên giới Slovakia và Hungary.

Cảnh sát địa phương phát hiện chiếc xe nằm lâu trong làn đường khẩn cấp và tưởng xe gặp tai nạn. Khi đến gần, các sĩ quan thấy “dịch cơ thể và máu” chảy ra từ thùng xe.

Mở cửa container, một mùi hôi thối khủng khiếp bốc lên, các nạn nhân nằm chồng chất lên nhau. Chiếc xe mang biển số Hungary, do một công dân Romania đăng ký tại thị trấn Kecskemet.

Thân xe dán logo của một công ty gia cầm Slovakia. Xe được kéo tới thị trấn Nickelsdorf ở Áo. Tại đây, các nhân viên y tế địa phương khám nghiệm hiện trường để xác định danh tính nạn nhân và nguyên nhân thiệt mạng.

Đây là lời cảnh tỉnh châu Âu phải xử lý vấn đề nhập cư nhanh chóng

Thủ tướng Đức ANGELA MERKEL

Một ngày đen tối

Reuters dẫn lời ông Hans Peter Doskozil, cảnh sát trưởng tỉnh Burgenland, khẳng định có nhiều dấu vết ở hiện trường cho thấy người nhập cư đã chết hết khi chiếc xe vượt biên giới vào Áo.

Tại cuộc họp của các lãnh đạo châu Âu ở Vienna bàn về khủng hoảng nhập cư, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết “choáng váng” vì vụ án “khủng khiếp” này.

“Hôm nay là một ngày đen tối” - Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner mô tả. Bà thề sẽ mở chiến dịch trấn áp các băng đảng buôn người nhận tiền đưa người nhập cư vào châu Âu rồi bỏ rơi họ.

“Người di cư muốn tự cứu mình khi đến châu Âu, nhưng lại thiệt mạng vì bàn tay của bọn buôn người” - Thủ tướng Áo Werner Faymann khẳng định tại hội nghị ở Vienna.

Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini bày tỏ hi vọng tấn thảm kịch ở Burgenland sẽ là sức ép buộc các nước thành viên EU hành động.

Nhưng ngày đen tối ở châu Âu tiếp tục trở nên tồi tệ hơn khi có tin một chiếc tàu chở 400 người châu Phi tìm đường sang châu Âu bị chìm ngoài khơi Libya hôm qua, khiến ít nhất 200 người thiệt mạng.

Theo AFP, cảnh sát biển Libya cho biết rất nhiều nạn nhân chết đuối do mắc kẹt trong khoang tàu. Đến nay, lực lượng cứu hộ mới chỉ giải cứu được 201 người.

Hôm 27-8, tàu cảnh sát biển Thụy Điển Poseidon cũng chở tới cảng Palermo ở Ý 52 thi thể người di cư thiệt mạng khi tàu đắm ngoài khơi Libya một ngày trước đó.

Chính sách “thất bại”

Cảnh sát biển Ý cho biết trong hai ngày qua đã điều phối chiến dịch giải cứu hơn 4.000 người di cư trên Địa Trung Hải và đưa họ vào lãnh thổ Ý.

Trong khi đó, khoảng 2.500 người di cư từ Syria và các nước Trung Đông khác đã lên xe buýt đi qua Serbia đến biên giới Hungary. Trong năm nay, Hungary đã tiếp nhận hơn 100.000 người di cư.

Nhà chức trách Hungary đang xây hàng rào thép gai ở biên giới với Serbia. Đức ước tính cũng sẽ tiếp nhận 800.000 người di cư trong năm nay.

Tại cuộc họp ở Vienna, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic phàn nàn các nước vùng Balkan đang oằn mình với gánh nặng người di cư. Đảng cầm quyền Hungary Fidesz chỉ trích chính sách nhập cư của EU “đã thất bại”.

Hồi tháng 5, các nhà lãnh đạo EU đạt thỏa thuận mở chiến dịch quân sự chặn các tàu chở người di cư trên Địa Trung Hải, tuy nhiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chưa thông qua kế hoạch này.

Hơn nữa, giới quan sát cho biết chiến dịch này không thể ngăn chặn dòng người di cư tiếp cận sườn phía đông châu Âu, vượt qua các eo biển để đến Hi Lạp rồi đi vào vùng Balkan.

Trên tuyến đường này, họ phải đối mặt với nhiều băng đảng tội phạm nguy hiểm.

Ở Vienna, Cao ủy chính sách khu vực EU Johannes Hahn tuyên bố trong vài tuần tới, Brussels sẽ đề xuất một kế hoạch mới đối phó với khủng hoảng nhập cư, mà tinh thần chung là các nước EU cùng chia sẻ trách nhiệm.

Nhưng nhà khoa học chính trị nổi tiếng C. J. Polychroniou bình luận vấn đề lớn nhất là EU không có chính sách nhập cư đồng bộ.

Mỗi nước có một chính sách riêng, người di cư bị coi là vấn đề an ninh chứ không phải vấn đề nhân đạo. Do đó, người di cư sẽ tiếp tục mất mạng khi thực hiện giấc mơ tìm đến “thiên đường” châu Âu.

Khủng hoảng di cư tiếp sức cho cực hữu

Các nhà phân tích chính trị cảnh báo cuộc khủng hoảng nhập cư đang tạo cơ hội cho các đảng cực hữu ở châu Âu giành được sự ủng hộ của người dân khu vực. Tỉ lệ ủng hộ dành cho các đảng cựu hữu, chống người nhập cư ở châu Âu như Mặt trận Dân tộc tại Pháp, Đảng Tự do (Áo), AfD (Đức)... tăng vọt thời gian qua. Khảo sát cho thấy Đảng Tự do nhận được sự ủng hộ của gần 30% người Áo.

HIẾU TRUNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên