12/10/2024 08:58 GMT+7

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! -Kỳ cuối: Chia tay những người bạn Liên Xô đặc biệt

Mồng 9-10-1954! Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử của nhân dân Việt Nam như một trong những ngày tươi sáng nhất...

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! -Kỳ cuối: Chia tay những người bạn Liên Xô đặc biệt - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạo diễn Roman Karmen ở Việt Bắc năm 1954 - Ảnh: tư liệu

Những ngày lịch sử ở Hà Nội

Suốt đêm tôi không ngủ, thảo luận từng chi tiết nhỏ nhặt nhất về kế hoạch quay phim ngày giải phóng thủ đô...

Sáng ra trời u ám, mưa phùn rải rác. Người Pháp tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Dân chúng cấm không được ra khỏi nhà, cấm tất cả các loại giao thông hoạt động.

6h30 sáng. Theo phố Duy Tân, đi từ trung tâm TP về phía nam, xe chúng tôi tới địa điểm gặp gỡ của sĩ quan hai bên. Giữa phố là những chiếc xe mang hai cờ - cờ Việt Nam và cờ Pháp. Các sĩ quan thảo luận các chi tiết cuối cùng của cuộc bàn giao khu vực lớn của TP. Đầu đằng kia ngã tư là những chiếc xe chở chiến sĩ Việt Nam. Đầu đằng này là những chiếc xe bọc sắt chở binh lính "P.M".

Hai sĩ quan nhìn đồng hồ, 6h55, viên chỉ huy đoàn xe bọc sắt Pháp nói gì vào máy bộ đàm. Đưa bàn tay đi găng da cầm loa lên, ông ta ra lệnh cho đoàn xe bọc sắt của mình. Tiếng máy rồ lên, đoàn xe chuyển bánh và dần dần tăng tốc độ, căn về phía bắc.

Qua mấy phút, đúng 7h, đoàn xe chở bộ binh Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc sắt. Tiếp theo sau đoàn xe là bộ đội Việt Nam đi thành hàng giữa lòng đường.

Và đến lúc này đã diễn ra một điều kỳ lạ: phố xá hoang vắng hầu như đang chết đi bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Tiếng động cơ những chiếc xe bọc sắt ra đi còn chưa lặng, hàng nghìn cờ đỏ đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Và lập tức trên đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ lên trên đầu, vỗ tay, khóc vì sung sướng, ca hát, cười.

Chiếc xe các sĩ quan Việt Nam tươi cười, và viên thiếu tá Pháp đứng tuổi đầu cúi gục khó khăn lách đi mãi đến trung tâm, bám theo sát những chiếc xe bọc sắt ra đi...

Thác người sôi nổi đổ ra tràn ngập đường phố chỉ mới đây đang hoang vắng, nơi suốt cả dãy nhà chỉ nghe có tiếng chân của lính gác Pháp. Hàng ngàn lá cờ tung bay trên các cửa sổ, mọc lên trên các cột đèn, những băng khẩu hiệu chào Quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Lao động Việt Nam được căng lên ngang đường phố.

Những tấm băng với chữ vàng, những lá cờ, những tấm chân dung đó đã được chuẩn bị bao đêm trong những căn nhà người dân Hà Nội cửa đóng then cài, bất chấp cái chết đe dọa họ.

Tất cả mọi người dân đều đổ ra đường. Ở đây, tại trung tâm TP, người dân khá giả hơn; qua vẻ bề ngoài và quần áo có thể đoán họ là những thương gia, trí thức, tiểu tư sản và tư sản lớn.

Những gương mặt của họ cùng một vẻ hạnh phúc ấy như ở khu thợ thủ công, dân nghèo. Họ cũng nồng nhiệt chào mừng và quây lấy mỗi anh bộ đội, mỗi người chỉ huy Quân đội nhân dân, ôm hôn, nắm bắt tay. Mọi tầng lớp dân chúng thủ đô không cần một "nghi thức" nào cả đã biểu lộ trong cái ngày vĩ đại ấy sự thống nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam.

11h30. Các đội cảnh vệ Việt Nam chiếm lĩnh nhà máy điện, nhà máy nước, tiến vào thành cổ. Dòng xe của người Pháp càng đông hơn trên chiếc cầu nhiều nhịp qua sông Hồng.

16h30. Bộ đội Việt Nam vượt qua ranh giới khu vực cuối cùng, đến chân cầu và tiến lên cầu. Tiến sát chừng một bước chân, sau lưng người lính Pháp cuối cùng rời thủ đô Việt Nam, các chiến sĩ Quân đội nhân dân đi trên cầu và đặt vọng gác ở nhịp cầu thứ tư...

Hà Nội tự do! Những người dân hiền lành giờ đây có thể hít thở nhẹ nhàng, tự do ca hát và mỉm cười với hạnh phúc của mình! Cho tới đêm khuya, những đám người nhộn nhịp, tươi vui không rời các quảng trường, đường phố tràn ngập ánh điện trang trí ngày hội.

Sáng 10-10, Hà Nội long trọng đón chào các đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân. Từ hai hướng, các đơn vị cơ giới và pháo binh của Đại đoàn 308 quang vinh tiến vào thủ đô.

Mặt trời chói lọi chiếu sáng phố xá và quảng trường Hà Nội, người dân ăn mặc quần áo như trong ngày hội. Trong buổi sáng tuyệt vời này, chẳng có một người nào ngồi ở nhà. Mọi người đều đổ ra đường phố rực rỡ những khẩu hiệu, màu xanh, những bó hoa, dây hoa...

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! -Kỳ cuối: Chia tay những người bạn Liên Xô đặc biệt - Ảnh 2.

Sách Ánh sáng trong rừng thẳm của Roman Karmen

Đã đến ngày chúng tôi rời Việt Nam

Quay được gần 40.000m phim. Những thước phim khắc họa những sự kiện của chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm của một dân tộc trong hai tư cách là chiến binh và người lao động. Chúng tôi sẽ chẳng dễ dàng gì khi phải chia tay với những người bạn...

Khi rời Việt Nam, chúng tôi đến buổi gặp gỡ chia tay với đồng chí Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch...

Những người lính gác nghiêm trang đã cho xe chúng tôi đi qua cổng rộng. Lốp xe sột soạt trên lớp sỏi của con đường đẹp có trồng cây hai bên dẫn đến bậc thềm chính bằng đá cẩm thạch của tòa nhà. Thật trang trọng. Chúng tôi hồi hộp bởi bầu không khí khác thường của buổi tương ngộ lần cuối với vị Chủ tịch, người mà trong thời chiến, chúng tôi đã gặp ở lối mòn trên núi, trong ngôi nhà tre, trong đơn vị quân đội, trong quân y viện dã chiến.

Chúng tôi hồi hộp, hiển nhiên, còn vì cuộc gặp gỡ cuối cùng với đồng chí Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với việc chia tay với Việt Nam... Nhưng chiếc xe không hiểu tại sao lại đi qua hàng dãy cột cung điện và phóng nhanh dọc các con đường nhỏ có trồng cây hai bên vào tận sâu trong khuôn viên. Chúng tôi đi đâu thế này? Cậu lái xe nhầm lẫn chăng?

Sâu trong khuôn viên râm mát có một ngôi nhà nhỏ... Và một lần nữa, như hồi ở trong rừng, trước ngưỡng cửa "Phủ Chủ tịch" bằng tre, đồng chí Hồ Chí Minh, vẫn trong trang phục người nông dân ấy, đôi dép cao su làm bằng lốp ô tô ấy, vẫn với nụ cười đôn hậu ấy, ra đón chúng tôi. Có điều bây giờ, trên vai có khoác áo budong độn bông của người lính. Đó là vào tháng 12...

Và dường như phía trên chúng tôi không còn bị khuấy động những tháng năm chiến tranh đã xảy ra ở Việt Nam. Vẫn thân thiết và hóm hỉnh như thế, chủ nhân của căn nhà là người mến khách, vẫn rực sáng như thế cặp mắt đôn hậu của Người, và một lần nữa cặp mắt ấy thoáng hiện một nỗi buồn khi Chủ tịch nói về những đau khổ của hàng triệu người dân nơi ấy, ở phía Nam vĩ tuyến 17, nơi đang ngự trị sự khủng bố tàn khốc, nơi đầy rẫy những nhà tù, nơi những tên đế quốc đang làm mọi thứ để phá hoại nền hòa bình đã giành được.

Cuộc chiến đấu chưa kết thúc - Người nói - Nhân dân Nam Bộ chịu nhiều khổ đau đang dõi theo chúng tôi với niềm hy vọng. Họ biết rằng chúng tôi có hàng triệu người bạn trên toàn thế giới - ở Pháp, Liên Xô. Nhân dân Việt Nam tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của mình, tin tưởng rằng chúng tôi sẽ giành được sự thống nhất của Tổ quốc chúng tôi.

- Hãy chuyển lời chào đến Moskva! - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đứng ở ngưỡng cửa ngôi nhà nhỏ của mình, dưới bóng mát tán cây khuôn viên của cung điện.

Bảy tháng ở Việt Nam! Thời gian trôi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã qua, những ngày hòa bình đầu đang đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân...

Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và tôi sẽ yêu mến nó đến trọn đời. Trong giờ phút chia tay, tôi muốn tin rằng mình sẽ trở lại, sẽ thấy một Việt Nam hạnh phúc, thống nhất, không bị chia cắt bởi bất kỳ vĩ tuyến nào.

Tôi bắt tay rồi ôm hôn những con người tôi yêu quý lần cuối. Và khi máy bay lượn một vòng giã biệt trên bầu trời Hà Nội, phía trên hình bầu dục xanh lam của hồ Hoàn Kiếm, trái tim tôi như đang muốn nói: "Tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt với Người, Việt Nam thân yêu!".

(Trích từ bút ký Ánh sáng trong rừng thẳm của đạo diễn Roman Karmen)

Roman Karmen (1906-1978) là nhà quay phim và đạo diễn nổi tiếng Liên Xô. Ông từng có mặt và làm phim tại những điểm nóng thế kỷ 20 như Stalingrad trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, nội chiến Tây Ban Nha, Cuba... Năm 1954, ông đã đến Việt Nam bảy tháng, làm phim về cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập cho dân tộc.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! -Kỳ cuối: Chia tay những người bạn Liên Xô đặc biệt - Ảnh 5.70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca

Ký ức về ngày 'Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về... Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây...' vẫn còn rất sống động trong ký ức nhiều nhân chứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên