09/10/2024 11:33 GMT+7

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 3: Nước mắt rơi mà vang tiếng cười hạnh phúc

Những ai từng trải qua cuộc kháng chiến gian lao suốt chín năm, nhất là những ngày khốc liệt ở Điện Biên Phủ với bao xương máu chiến sĩ, mới thật sự thấu hiểu ý nghĩa của chiến thắng và ngày được trở về Hà Nội.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 3: Nước mắt rơi mà vang tiếng cười hạnh phúc  - Ảnh 1.

Chiến sĩ Trần Văn Dõi những năm kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc - Ảnh: NVCC

"Từ chiến địa Điện Biên Phủ trở về thủ đô, tôi đã thấy những giọt nước mắt lăn trên gương mặt mà lại bật lên tiếng cười. Đó là nước mắt nhưng là nước mắt của hạnh phúc, của nụ cười hân hoan chiến thắng.

Những ai từng trải qua cuộc kháng chiến gian lao suốt chín năm, nhất là những ngày khốc liệt ở Điện Biên Phủ với bao xương máu chiến sĩ, mới thật sự thấu hiểu ý nghĩa của chiến thắng và ngày được trở về Hà Nội" - ông Trần Văn Dõi, người chiến sĩ đặc biệt ở Điện Biên Phủ, nhắc nhớ sự kiện lịch sử không thể nào quên.

Đường đến ngày lịch sử 1954

Suy nghĩ và tình cảm của ông Trần Văn Dõi trong ngày trở về Hà Nội năm 1954 càng đặc biệt hơn khi ông có người cha chính là cựu tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương. Mùa thu năm 1945, hai cha con ông đều tham gia kháng chiến chống Pháp.

Nhưng rồi đến một ngày cha con họ đã đi hai con đường khác nhau khi ông Dõi được lệnh ra Hà Nội nhận vũ khí và ở lại chiến đấu, còn người cha theo bước ngoặt lịch sử đưa đẩy tham gia chính quyền Sài Gòn sau năm 1954…

May mắn được vài lần kịp trò chuyện khi ông Dõi còn khỏe và được trao cuốn nhật ký như là hồi ký của ông, tôi đã kịp hiểu ít nhiều về cuộc đời đặc biệt này. Sinh năm 1924, ông đã may mắn trở thành một trong những chứng nhân quan trọng cả ba dấu mốc lịch sử quan trọng của Tổ quốc: Cách Mạng tháng Tám năm 1945, đất nước bị chia cắt năm 1954 và ngày non sông liền một dải 30-4-1975.

Tham gia lực lượng Thanh niên tiền phong kháng chiến ở miền Nam từ mùa thu năm 1945, đầu tháng 10-1946, ông Dõi trà trộn vào số người Bắc hồi cư trên chiếc tàu Pasteur, để ra Hà Nội nhận vũ khí. Đây cũng là chiếc tàu chở phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân Chủ cộng hòa và ông Phạm Văn Đồng đi đàm phán ở Pháp về nước.

Trên tàu treo cờ đỏ sao vàng ngang với cờ Pháp và chở cả 2.000 lính thợ ONS người Việt đi chiến đấu chống phát xít ở châu Âu hồi hương.

Ý thức kháng Pháp càng rõ rệt với ông Dõi trong những ngày trên còn tàu này. Hồi ký ông ghi lại: "Toàn tàu đâu cũng thấy người Việt, cờ đỏ sao vàng cứ y như của chính phủ ta… Lại xảy ra xô xát giữa đám lính Tây và anh em chiến sĩ ONS. Bọn Tây này được đưa từ Sài Gòn ra miền Bắc, chúng rất bực mình khi thấy chiếc Pasteur được trang trí cờ Việt, do lính Việt giữ trật tự, nên chúng sanh sự với anh em…

Nhưng vài thằng Tây thì làm gì được 2.000 anh em ONS. Bị đánh đau, anh em còn dọa đốt tàu. Chủ tàu hoảng sợ phải chạy cầu cứu với phái đoàn. Công việc được thu xếp, thế là Tây ở một phía, ta ở một phía"…

Ông Dõi ra Bắc chưa được bao lâu thì cuộc chiến 60 ngày đêm vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946-1947 bùng nổ. Người thanh niên miền Nam này ở lại cùng chiến đấu với quân dân Hà Nội rồi hòa theo dòng chảy lịch sử Tổ quốc, bước vào cuộc kháng chiến gian lao chín năm chống Pháp.

Ông cũng được đặt một tên mới là Lưu Vĩnh Châu. Chiến đấu ở khắp chiến trường Bắc Việt, ông hành quân vào chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ huy đại đội công binh C57 thuộc tiểu đoàn 206, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam. Đơn vị ông đã hoàn thành nhiệm vụ rà phá bom mìn, sửa đường góp phần quan trọng cho chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi cuối cùng.

Trong hồi ký của mình, ông Dõi ghi lại tỉ mỉ những dòng: "27-7-1954, nhận được công bố lệnh ngừng bắn. Toàn thể dân quân ai cũng vui mừng. Tha hồ giặt giũ, phơi phóng. Đến nay mới tin là mình còn sống. Anh em thì có người sẽ được giải ngũ về sum họp với gia đình.

Còn mình… bao giờ mới được về Nam với Bảy đây (bạn gái của ông Dõi - PV). Đã bảy năm xa nhau, không một tin tức…".

Để tới ngày ngồi ghi được những dòng nhật ký này, người đại đội trưởng Trần Văn Dõi và đơn vị mình đã không thể nhớ bao nhiêu lần phải phơi mình dưới bom đạn ở chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là ở "phễu bom" đèo Lũng Lô, nơi không quân Pháp đã giội xuống hơn 12.000 tấn bom...

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 3: Nước mắt rơi mà vang tiếng cười hạnh phúc  - Ảnh 2.

Nhân dân thủ đô xúc động chào đón chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 10-10-1954 - Ảnh: NGUYỄN BÁ KHOẢN

Nước mắt ứa ra mà lại vang tiếng cười

Háo hức mong đợi ngày về tiếp quản Hà Nội nhưng đơn vị ông Dõi đi sau các đơn vị bạn. Những dòng hồi ký của anh chiến sĩ miền Nam ghi lại tình cảm mộc mạc mà đầy cảm xúc ấm áp: "8 năm nay mới quay về Hà Nội, cái gì cũng lạ, cái gì cũng nhìn. Dân người ta chỉ thấy thương, thấy phục, thấy quý anh bộ đội nên quên thấy cái quê mùa của anh…".

Những ngày còn khỏe, dù đã cao tuổi ông Dõi vẫn nhắc nhiều về kỷ niệm lịch sử khó quên này. Ông kể đơn vị mình đã về Thái Nguyên, Sơn Tây rồi mới vào Hà Nội. Năm 1954 ấy, ông Dõi đã tròn 30 tuổi và đã xa quê hương miền Nam đi kháng chiến ở đất Bắc suốt tám năm.

"Ngày tôi lên chiếc tàu Pasteur hướng ra Bắc, chỉ nghĩ mình xa quê hương một thời gian ngắn rồi trở về không ngờ lại đi biền biệt. Thắng trận Điện Biên Phủ, nghe tin quân mình về tiếp quản thủ đô, tôi háo hức lắm.

Tôi nghĩ sẽ sớm đến ngày thống nhất đất nước, mình sẽ được trở về miền Nam thân yêu, được tiếp tục những dự định còn dở dang ngày ra đi. Không ngờ lại tiếp tục biền biệt hơn 20 năm nữa. Khi đi, tóc tôi còn đen nhánh, ngày về đã bạc rồi" - ông Dõi tâm sự mình đã viết hai câu thơ từ cảm xúc này."Ra đi hai bàn tay trắng, trở về một dải giang sơn".

Tuy nhiên, người chiến sĩ miền Nam trên đất Bắc này cũng kể cảm giác bùi ngùi thương nhớ quê hương xa vời chỉ thoáng qua. Không khí mừng vui chiến thắng, hình ảnh cờ đỏ sao vàng phấp phới trong tiếng vỗ tay rền vang của đồng bào Hà Nội bừng bừng trong tim từng chiến sĩ.

Những người lính khi phải tạm ra đi sau cuộc chiến 60 ngày đêm vệ thành Hà Nội, đã thề hứa đem vinh quang trở về và họ đã thực hiện được lời thề thiêng liêng đó.

Ông Dõi kể mình đã rất xúc động nhìn thấy nhiều đồng bào, chiến sĩ rơi nước mắt mà lại bật lên tiếng cười hân hoan. Chính ông cũng ứa nước mắt mà lại cười, người chiến sĩ vừa vui mừng chiến thắng vừa xúc động nhớ bao đồng đội không được may mắn nhìn thấy ngày vui như mình. Họ đã mãi mãi nằm lại nơi núi cao rừng thẳm Việt Bắc cho có ngày đoàn quân chiến thắng thực hiện lời thề trở về Hà Nội.

Và đến 30-4-1975, những chiến sĩ xa quê hương miền Nam như ông Dõi một lần nữa lại ứa nước mắt trong ngày vui "xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào"… (Trích bài hát Mùa xuân trên TP.HCM của nhạc sĩ Xuân Hồng).

Ngoài những chiến sĩ miền Nam có mặt ở Hà Nội trong ngày lịch sử 1954 như ông Trần Văn Dõi còn có những nhân vật đặc biệt khác, đó là nhóm các nhà làm phim Liên Xô Roman Karmen, Vladimir Eshurin và Evgenhi Mukhin. Trong cuốn bút ký Ánh sáng trong rừng thẳm, đạo diễn Roman Karmen ghi lại ngày lịch sử này:

"Chúng tôi tiến vào Hà Nội dưới cơn mưa rào ngày 9-10-1954. Thành phố tưởng như hoang vắng. Các đại lộ rộng ở trung tâm thành phố như được mưa rào rửa sạch, hầu như không một bóng người. Nhưng ở các vùng ngoại vi, khu lao động thợ thuyền thì không khí lại tấp nập lạ thường. Tại đây, ngày hội giải phóng đã bắt đầu.

Bên cổng và cửa nhà, từng tốp người tụ tập. Các quán hàng nhỏ hé mở cửa, có thể thấy rõ bên quầy hàng bày cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi tiếng nói, tiếng cười vui vẻ... Đúng 7h, đoàn xe chở bộ binh Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc thép. Tiếp theo sau là bộ đội Việt Nam đi thành hàng giữa lòng đường

Và đến lúc này đã diễn ra một điều kỳ lạ: Phố xá hoang vắng bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Hàng nghìn cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào khi tiếng động cơ của những chiến xa bọc thép còn chưa lặng. Và lập tức đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ nhỏ lên đầu...

Hôm nay, Hà Nội trở về với nhân dân Việt Nam, máu của chiến sĩ Việt Nam đã không bỏ phí…".

----------------------

Ngày 10-10-1954, trời thu rất đẹp, cuộc trùng phùng diễn ra trong trời tự do.

Kỳ tới: Trùng phùng trong trời tự do

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 3: Nước mắt rơi mà vang tiếng cười hạnh phúc - Ảnh 6.Có một tiểu đoàn về tiếp quản thủ đô, ai cũng mang theo... chổi

214 người trong Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn Thủ đô khi trở về tiếp quản các vị trí trọng yếu ở Hà Nội từ tay quân đội Pháp ngày 8-10-1954, mỗi người đều mang theo một cây... chổi, vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên