08/10/2024 15:39 GMT+7

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 2: Đàn con về sau những năm chiến đấu xa nhà

Trong đoàn quân trở về giải phóng thủ đô từ núi rừng Tây Bắc ấy có nhiều chàng trai Hà Nội năm xưa ra đi với lời thề sắt đá sẽ "trở về, trở về, chiếm lại quê hương".

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 2: Đàn con về sau những năm chiến đấu xa nhà - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Tích (hàng ngồi trên cùng, thứ ba từ phải qua) cùng các vệ út tại Trường Thiếu sinh quân ở Việt Bắc năm 1949 - Ảnh: NVCC

Ông Đặng Văn Tích là một chàng trai Hà Nội năm ấy vẫn khỏe mạnh ở tuổi 91 và vẹn nguyên hồi ức của ngày về 1954.

Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể...

Về thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), hỏi người làng thì không ai không biết ông Đặng Văn Tích, dù ông vốn không phải người sinh ra ở làng. Ông là rể của làng, chứ ông vốn gốc Hà Nội, lớn lên ở phố Hàng Vôi.

Tuổi thiếu niên đã tham gia làm liên lạc cho đội cảnh vệ chiến đấu giữ Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa cuối năm 1946 đầu năm 1947, rồi ngày đoàn quân ấy rút khỏi thủ đô đi kháng chiến ở Việt Bắc, ông cũng đi theo.

Cho nên ngày trở về tiếp quản thủ đô 10-10-1954 với ông Đặng Văn Tích chính là ngày "ta lại về đây giữa chốn xưa" như "người Hà Nội" Nguyễn Đình Thi từng viết trong bài thơ Ngày về hồi cuối năm 1954.

Ngày ấy, ông Tích trở về Hà Nội trong đoàn quân của sư đoàn bộ binh. Ngày 9-10-1954, sư đoàn đã có mặt ở sân bay Bạch Mai.

Sáng ngày 10-10-1954, đại quân gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... từ ngoại thành mở cuộc hành quân lịch sử theo nhiều hướng các cửa ô vào nội thành Hà Nội.

Đơn vị bộ binh của ông Tích không hành quân đi bộ mà bằng ô tô từ sân bay Bạch Mai tiến về Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân. Sau đó đơn vị ông tập kết trong thành Hà Nội, chuẩn bị lễ chào cờ vào 3h chiều tại sân vận động Cột Cờ, rồi về lại Trại Cảnh vệ đoàn Trung ương (trại Bảo An Binh) trên phố Hàng Bài.

Ông Tích còn nhớ hôm ấy dọc hai bên đường nhân dân đứng đón mừng, đông nhất là tuyến Hàng Ngang, Hàng Đào.

Nhiều nơi, người dân còn dựng thêm cổng chào lớn, căng thêm khẩu hiệu chào đón bộ đội Cụ Hồ. Ông Tích lúc đó đang bị sốt. Nhưng cảm giác đau mỏi khó chịu của cơ thể ốm yếu phải nhường cho niềm hạnh phúc trào dâng quá lớn.

Làm sao kể hết niềm vui sướng của đàn con trở về từ những phương trời lửa đạn sau 8 năm xa cách Tháp Rùa.

Cái chạm mặt đầu tiên của chiến sĩ với thành phố quê hương chính là tình cảm thương mến của người dân Hà Nội khiến niềm vui trong lòng vỡ òa thành những giọt nước mắt hạnh phúc.

"Lòng ta bỗng như dòng suối mát/ Ta đã về đây Hà Nội ơi" chính là tiếng reo vui mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nói hộ cho cả đội quân chiến thắng trong ngày tiếp quản thủ đô năm ấy.

Ông Tích bảo vui sướng lắm, hạnh phúc lắm bởi những chàng trai Hà Nội bao năm phải xa cách với thành phố hào hoa, lăn lộn với núi rừng lửa đạn chỉ để có ngày về.

Bao năm họ đã mơ về Hà Nội như nỗi lòng của Chính Hữu trong bài Ngày về ông viết năm 1947 mà những người Hà Nội đi kháng chiến ai cũng thuộc nằm lòng: "Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu/ Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội/ Bao giờ trở lại?/ Phố phường xưa gạch ngói ngang đường/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương...".

Giây phút đứng trong sân vận động Cột Cờ cùng hàng ngàn đồng đội và nhân dân hướng về lá cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay giữa trời thu Hà Nội, ông Tích ngỡ như thấy cả 8 năm gian nan chiến đấu, hy sinh của mình và bao đồng đội đều nén lại trong khoảnh khắc này.

Nước mắt ông càng trào dâng khi đứng giữa bầu trời tự do nghe tha thiết Lời kêu gọi nhân ngày thủ đô giải phóng của Bác Hồ: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể!".

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 2: Đàn con về sau những năm chiến đấu xa nhà - Ảnh 2.

Người dân Hà Nội tràn ra hai bên đường chào đón bộ đội về tiếp quản thủ đô trên phố Hàng Gai - Ảnh: NGUYỄN BÁ KHOẢN

Không phạm đến cái kim, sợi chỉ của dân

Niềm hạnh phúc của đoàn quân về giải phóng thủ đô còn râm ran mãi trong những ngày mùa thu năm ấy. Ông Tích kể sau lễ chào trước cổng Ngọ Môn - Hoàng thành Thăng Long, đoàn của ông về đóng tại Trại Vệ quốc đoàn Trung ương (trước đó là trại Bảo An Binh của quân Pháp) trên phố Hàng Bài.

Đó là những ngày bộ đội thực hiện rất nghiêm kỷ luật, đặc biệt là 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng mà Chính phủ ban hành, phổ biến rộng rãi trước khi trở về tiếp quản thủ đô.

Cho nên ông Tích và đồng đội đều phải nén lại niềm vui cá nhân của người con vừa về lại quê hương, không cuống quýt tận hưởng niềm vui thích ở thành phố phồn hoa, để nhường chỗ cho niềm hạnh phúc to lớn dài lâu hơn của đất nước hòa bình.

Ông Tích giữa cơn sốt rét tơi bời vẫn cùng đồng đội ra ban công tòa nhà đẹp nhất trong Trại Vệ quốc đoàn Trung ương nhìn ra đường phố Hàng Bài ngắm người người qua lại, bên kia là Rạp Tháng Tám quen thuộc, gần đó là Trường Trưng Vương danh tiếng nơi những cô con gái gia đình trí thức, khá giả ở Hà Nội theo học.

Ông Tích và đồng đội chỉ đứng xa nhìn ngắm phố phường cho thỏa nỗi nhớ mong như vậy chứ cũng không ra phố dạo chơi hay có bất cứ hành động gì phiền hà tới người dân.

Tới giờ ông Tích vẫn còn nhớ rõ trong 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng đã ghi: trong thời gian tiếp quản tuyệt đối không được tự tiện vào nhà dân để khám xét, cũng không được vào nhà dân ngủ trọ, gây phiền nhiễu cho nhân dân; mua bán phải công bằng, không được phạm đến cái kim, sợi chỉ của dân; khi mới vào thành phố không được tự ý mua hàng để ảnh hưởng đến giá cả trong thành phố; phải tôn trọng trật tự, tập quán của nhân dân trong thành phố, giữ tư cách trong sạch, đứng đắn của bộ đội và nhân viên cách mạng...

Báo cáo cuộc tiếp đón bộ đội, chính quyền ta của nhân dân Hà Nội ngày 10-10-1954 do ông Trần Sâm - chánh văn phòng Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội - báo cáo ngày 11-10-1954, lưu trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết:

"Nhân dân các cửa ô kéo ra đón bộ đội, hai bên hè đường chật ních người đứng, từ phía ô Cầu Rền về phía rạp Majestic đông hơn... Nhiều bộ đội ước lượng có từ 20 vạn người trở lên.

Có những người từ trước tới giờ không đi đón ai bao giờ cả nay cũng đi đón bộ đội như giáo sư Vinh (cha Vinh), bố mẹ bác sĩ Chinh, cả xóm Công giáo Hàm Long đi hết...

Một bà cụ có 5 con nói: "Đời tôi hôm nay mới thấy có ánh sáng, tương lai sau này sẽ sung sướng, tương lai các con tôi sẽ tốt". Bà cụ đi theo bộ đội rất lâu.

Anh chị em Hoa kiều có 15 xe ô tô kết hoa, nhiều nơi làm cổng chào. Mỗi khi có xe ô tô hoặc đơn vị hành quân đi qua đều hô khẩu hiệu: "Hồ Chủ tịch muôn năm"...

Đặc biệt là nhi đồng và cụ già thì thật nhiệt tình, một số công chức và trí thức có vẻ thẹn thùng nhưng cũng vỗ tay hoan hô khi đồng bào hoan hô nhiều...".

--------------------

Là chiến sĩ miền Nam đi Bắc tiến và trở thành chứng nhân lịch sử ngày tiếp quản thủ đô, ông đã kể hình ảnh xúc động "tôi thấy có những giọt nước mắt rơi xuống mà lại bật lên tiếng cười hạnh phúc"...

Kỳ tới: Nước mắt rơi mà bật tiếng cười hạnh phúc

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 2: Đàn con về sau những năm chiến đấu xa nhà - Ảnh 3.70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca

Ký ức về ngày 'Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về... Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây...' vẫn còn rất sống động trong ký ức nhiều nhân chứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên