07/10/2024 09:03 GMT+7

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca

Ký ức về ngày 'Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về... Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây...' vẫn còn rất sống động trong ký ức nhiều nhân chứng.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca - Ảnh 1.

Ông Dương Niết (ngồi) cùng các đồng chí thời trẻ - Ảnh: NVCC

70 năm đã trôi qua kể từ ngày tiếp quản thủ đô 10-10-1954, nhưng ký ức về ngày "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về... Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây..." vẫn còn rất sống động trong ký ức nhiều nhân chứng cũng như tài liệu lưu trữ và những bức ảnh lịch sử.

Ở tuổi 91, sức khỏe suy giảm nhiều, nhưng ký ức ngày những đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô 70 năm trước vẫn còn như tươi nguyên trong tâm trí đại tá Dương Niết - nguyên phó giám đốc Học viện Phòng không Không quân.

Trở về, khắc ghi lời Bác dặn

Trong nắng thu tháng 10 vàng như mật, ông Dương Niết bồi hồi nhớ lại những ký ức không thể nào quên suốt 70 năm qua mỗi độ thu về. Năm ấy, ông còn là một người lính Điện Biên trẻ, đã trở về tiếp quản thủ đô trong hàng ngũ của 214 chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca từ ngày 8-10-1954, chuẩn bị cho các đoàn quân cùng tiến về Hà Nội ngày 10-10-1954.

Có một điều đặc biệt khiến ông Dương Niết và đồng đội trong Tiểu đoàn Bình Ca rất tự hào: Tiểu đoàn chính là đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản thủ đô (nhưng phải giả là cảnh vệ thành).

Trước đó, theo các hiệp định đã ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ, từ ngày 2 đến 5-10-1954 mới có các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng...

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca - Ảnh 2.

Chiến sĩ Dương Niết năm xưa khi đã cao tuổi - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Một sự trùng hợp lịch sử hiếm có, chính Tiểu đoàn Bình Ca cũng là đơn vị đầu tiên được lệnh rút khỏi thủ đô đầu năm năm 1947 sau 60 ngày quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân dân Hà Nội. Họ là những cảnh vệ đầu tiên rút khỏi Hà Nội đi kháng chiến và cũng chính là những chiến sĩ đầu tiên về lại thủ đô ngày giải phóng.

Người đại tá già nhớ lại sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân Pháp rất hoang mang nhưng cũng rất thù. Chúng đã tuyên bố phá Hà Nội tan tành để Hà Nội thành một thành phố chết trước khi quân ta về tiếp quản.

Chính vì vậy khi tiếp quản thủ đô, quân ta đã phải tìm cách đối phó với những hành động phá hoại ấy, một nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi là "cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó".

Để chuẩn bị tinh thần cho các đoàn quân về tiếp quản thủ đô, trước đó, ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 Quân Tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản thủ đô.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca - Ảnh 3.

Quân Pháp mở cửa cho chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản sở Cảnh sát Bắc Việt - Ảnh: Life

Những người chiến sĩ trở về tiếp quản thủ đô năm ấy như ông Dương Niết đều khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ: "Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị cam go và gian khó.

Trước đây các cháu ra trận chiến đấu với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ trước những viên đạn bọc đường, các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật...".

Ông Dương Niết nhớ lại ngày 7-10, Tiểu đoàn Bình Ca do Vũ Huy Hậu là chính trị viên Tiểu đoàn 18 dẫn đầu về đến làng Vân (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) ở đầu phía bắc cầu Đuống. Dù ở vị trí sát bốt địch nhưng nhân dân đón tiểu đoàn rất sôi nổi.

Là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, nhưng khi Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản thủ đô đã phải giả là cảnh vệ thành vì quân Pháp yêu cầu lực lượng tiếp quản không phải là bộ đội chính quy, không được mang theo vũ khí và không đeo huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, vì Điện Biên Phủ lúc đó vẫn còn là nỗi kinh hoàng rất lớn đối với người Pháp.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca - Ảnh 4.

Tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt - Ảnh: Tạp chí Life, in trong sách ảnh Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về (NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2019)

Cuộc đấu tranh quyết liệt và những đêm hòa bình đầu tiên

Sáng 8-10, quân Pháp đón đoàn "cảnh vệ thành" ở giữa cầu Đuống, dẫn về tập trung tại Ủy ban Liên hiệp đình chiến đóng tại Quân y viện Lanessan mà người Hà Nội quen gọi Nhà thương Đồn Thủy (nơi ngày nay là Bệnh viện Quân y 108). Rồi Tiểu đoàn Bình Ca chia làm 35 tổ (mỗi tổ từ 3-5 người) tương ứng với 35 vị trí Pháp đóng quân để vào tiếp quản.

Nhiều vị trí quan trọng được các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản an toàn như: Dinh Quốc trưởng (nay là Phủ Chủ tịch), Tòa án Hà Nội (nay là Tòa án nhân dân tối cao), Sở Cảnh sát Bắc Việt (nay là trụ sở Công an TP Hà Nội), Nhà tù Hỏa Lò (nay là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò)... 

Lực lượng tiếp quản đã đảm bảo tính mạng, giữ vững cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng.

Ông Dương Niết được phân công làm tổ trưởng tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt ở 87 Trần Hưng Đạo, nay là trụ sở Công an TP Hà Nội.

Tổ ông có 5 người, quân Pháp có khoảng một trung đội. Lúc đầu vào tiếp quản, thấy thái độ của quân Pháp không tốt chỉ cho tổ tiếp quản của ta ở nhà xe, tổ tiếp quản cương quyết không đồng ý. Quân Pháp phải bố trí cho tổ tiếp quản ở một ngôi nhà khác có sàn lát đá hoa.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca - Ảnh 5.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: Life

Chưa hết, khi vào tiếp quản, tổ tiếp quản của ông Dương Niết thấy ngay trước cửa của Sở Cảnh sát Bắc Việt quân Pháp treo khẩu hiệu: "Có đi vào Nam hay là ở lại/ Để đi vào trại của Lý Bá Sơ" (ông Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta ở Thanh Hóa lúc đó) để dụ dỗ nhân dân ta di cư vào Nam. Một trong những nhiệm vụ của những đội quân về tiếp quản thủ đô là phải chống lại âm mưu này của quân Pháp, nên tổ tiếp quản đã yêu cầu quân Pháp gỡ khẩu hiệu xuống.

Sau tiếp quản, tối 8-10-1954, tổ ông Dương Niết ngồi hát bên nhau, một là để chống buồn ngủ, hai là cảnh giác với âm mưu của quân Pháp muốn thủ tiêu đội tiếp quản của ta.

Nhưng đến đêm 9-10-1954 thì không chỉ tổ tiếp quản của ông Dương Niết không ngủ mà cả thành phố như vỡ òa trong đêm hòa bình đầu tiên. Bởi chiều hôm đó, 16h ngày 9-10-1954, những lính Pháp cuối cùng đã theo hướng cầu Long Biên rút hết khỏi Hà Nội.

Ông Dương Niết nghẹn ngào hồi tưởng về cái đêm đầu tiên Hà Nội không còn bóng giặc ngoại xâm, nhân dân vui sướng khôn xiết, nhà ai cũng không ngủ, thắp đèn đến sáng đợi đón "lớp lớp đoàn quân tiến về". Bao nhiêu mừng vui, hạnh phúc của chàng trai trẻ 21 tuổi Dương Niết năm ấy, tháng 10 này lại trở về vẹn nguyên trong người đại tá già.

Có một tiểu đoàn mang... chổi về tiếp quản thủ đô

Có một điều đặc biệt, trong hành trang trở về thủ đô của Tiểu đoàn Bình Ca năm ấy ai cũng mang theo một cây chổi, và cũng chỉ mình tiểu đoàn này nhận lệnh đặc biệt ấy.

Bởi lẽ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô là đơn vị về thủ đô sớm, tiếp quản các vị trí trọng yếu từ quân đội Pháp ngày 8-10, chuẩn bị có các đoàn quân cùng tiến về Hà Nội ngày 10-10.

Ông Dương Niết kể thời điểm chuyển giao, cấp trên tính toán các công ty vệ sinh của chính quyền cũ không còn hoạt động, đường phố sẽ lộn xộn mất vệ sinh nên những người về tiếp quản phải mang theo chổi để quét dọn.

Tuy thế, thực tế chỉ các điểm quân Pháp đóng và đang rút đi để quân ta về tiếp quản rất bừa bộn, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca phải quét dọn, còn đường phố lại sạch sẽ gọn gàng vì người dân đã dọn dẹp, trang hoàng chuẩn bị đón đoàn quân giải phóng.

-------------------------

Trong đoàn quân trở về giải phóng thủ đô từ núi rừng Tây Bắc ấy có nhiều chàng trai Hà Nội năm xưa ra đi với lời thề sắt đá sẽ "trở về, trở về, chiếm lại quê hương".

Kỳ tới: Đàn con về sau những năm đi chiến đấu

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 1: Ngày về của chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca - Ảnh 3.Hà Nội đã chuẩn bị cho ngày tiếp quản thủ đô từ năm 1951

Từ năm 1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Hà Nội đã xây dựng Đề án tiếp quản thủ đô trình Bộ Nội vụ để xin ý kiến vào ngày 1-2-1951.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên