20/07/2024 09:04 GMT+7

70 năm Hiệp định Genève: Độc lập - tự chủ trên con đường hòa bình - phát triển

PHẠM VŨ
và 1 tác giả khác

'Ngày nay chúng ta cần nghiên cứu Hiệp định Genève nhiều hơn nữa, mỗi lần lật đi lật lại, chúng tôi lại thấy những điều mới', PGS.TS Trần Nam Tiến lặp lại bài học sâu sắc về việc gìn giữ - phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ VNDCCH và Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương tại Hội nghị Genève

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ VNDCCH và Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương tại Hội nghị Genève

Câu chuyện Hiệp định Genève của chúng tôi với PGS.TS Hà Minh Hồng, PGS.TS Trần Nam Tiến tập trung vào những bài học lịch sử cho đến đường lối ngoại giao cây tre đúng đắn của Việt Nam hôm nay.

Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

* Và như vậy là nền ngoại giao non trẻ của chúng ta đã được thử thách và trưởng thành nhanh chóng trong và sau Genève...

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Đứng giữa bàn cờ của các cường quốc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) đã lần đầu nhận ra thế "tam phân thiên hạ" giữa Mỹ - Liên Xô - Trung Quốc, lần đầu biết chân tướng và con đường, lựa chọn của các nước lớn, lần đầu hiểu rằng với bất kỳ ai, lợi ích của đất nước và dân tộc của họ mới là trên hết.

Tại Genève, VNDCCH vẫn đã bảo vệ được quyền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trước toàn thế giới, biến điều đó thành chính nghĩa của cuộc đấu tranh lâu dài sau này, tranh thủ được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân yêu hòa bình và đứng về phía lẽ phải.

Đến Hội nghị Paris 1973 thì tư thế của VNDCCH đã hoàn toàn khác, biết độc lập và tự chủ trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của mình, thoát được sự lôi kéo của hai phe trong khối xã hội chủ nghĩa, tránh được số phận của một nước nhỏ - yếu...

- PGS.TS Trần Nam Tiến: Ở cả hai hội nghị, VNDCCH đều có tư thế người chiến thắng nhờ những chiến công lừng lẫy trên chiến trường. Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 kéo Pháp vào bàn hội nghị chỉ với mong muốn được thỏa thuận ngưng bắn, rút khỏi chiến trường mà họ đã sa lầy.

Rồi trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972 khiến Mỹ phải đồng ý ký Hiệp định Paris, đồng ý rút quân sau mấy năm giằng co đàm phán, leo thang chiến tranh.

Nếu ở Genève, tư thế chiến thắng vẫn không thể mang lại cho VNDCCH một hiệp định như ý thì ở Paris, hiệp định đã hoàn toàn đứng về phía chúng ta. Đó là bài học nội lực sinh ra tư thế, vị thế, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví von: "Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn".

Thời hội nhập ngày nay của chúng ta cũng vậy. Đàm phán, ký kết, gia nhập, quan hệ... các bước đi ngoại giao đều song hành với đổi mới chính sách, phát triển kinh tế, giao thương phong phú, vững mạnh an ninh quốc phòng; và ngược lại, ngoại giao rộng mở sẽ mở đường cho thực lực được nhân lên, nội lực được bồi đắp, mọi lĩnh vực đều có cơ hội phát triển.

Nam - Bắc tạm thời chia cách để đến ngày thống nhất non sông liền một dải 30-4-1975  - Ảnh tư liệu

Nam - Bắc tạm thời chia cách để đến ngày thống nhất non sông liền một dải 30-4-1975 - Ảnh tư liệu

* Và mọi thứ lại quay về với nội lực, với mục tiêu dân giàu nước mạnh?

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Dân giàu nước mạnh là mục tiêu đương nhiên nhưng khó định lượng. Giàu bao nhiêu, mạnh bao nhiêu thì đủ so sánh với thế giới? Mạnh về kinh tế hay về quân sự thì đảm bảo được độc lập, tự chủ?

Mỗi ngày, mỗi năm, mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ đi qua, điều chắc chắn là chúng ta sẽ mạnh hơn chính ta ngày hôm qua, chứ không phải là mạnh hơn thiên hạ. Tôi cho rằng lợi thế so sánh của Việt Nam hiện giờ chính là ngoại giao, chủ trương đường lối ngoại giao đã được đúc rút qua bao nhiêu kinh nghiệm lịch sử.

Việt Nam trên trường quốc tế hôm nay là một nước nhỏ nhưng có uy tín, có tiếng nói được lắng nghe, được tin tưởng, có ứng xử khéo léo, tầm nhìn tỉnh táo, biết mình biết người. Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả, không chọn phe, không chọn bên, mà chỉ chọn lẽ phải.

Trước những xung đột gay gắt đến nổ ra chiến tranh trên thế giới, quan điểm của Việt Nam bao giờ cũng là: đã từng trải qua và đau khổ, mất mát vì chiến tranh trong lịch sử, chúng tôi không bao giờ chấp nhận và ủng hộ giải pháp chiến tranh. Không ai và không phe nào có thể phản bác quan điểm đứng về phía hòa bình, chính nghĩa ấy.

Trường phái ngoại giao mà Việt Nam chọn mang hình ảnh cây tre với gốc sâu rộng - thân vững chãi - cành dẻo dai uyển chuyển, hiện giờ đã được nhiều nước công nhận là một phương cách thông minh.

Lựa chọn này đã giúp Việt Nam giữ được tự chủ - độc lập, không bị lôi kéo trong chiến tranh, không bị mất thăng bằng trong hòa bình, bảo vệ được đất nước, lựa chọn được những điều có lợi cho dân tộc, cho sự phát triển của quốc gia.

- PGS.TS Trần Nam Tiến: Tôi đồng ý. Trong lịch sử, đã có lúc chúng ta đặt ý thức hệ lên trên tất cả, chọn đứng về một bên và đã phải trả giá đau xót cho việc đó. Bài học lịch sử hiện hữu càng cho thấy tính đúng đắn của chủ trương không liên minh, liên kết, không ngả về một phía, giữ cho Việt Nam không bị phụ thuộc, không bị biến thành con cờ, thành món hàng mặc cả hay vật hy sinh trong tay nước lớn.

Đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với tất cả... chính là con đường của Việt Nam ngày nay. Con đường ấy là đường hòa bình, phát triển...

Và vì thế mà những câu chuyện về Hiệp định Genève, Hiệp định Paris vẫn luôn hấp dẫn với giới nghiên cứu chúng tôi. 70 năm, những phân tích vẫn như còn chưa hết, những tìm tòi vẫn còn mới mẻ, những đúc rút vẫn bổ ích, quý giá, những ứng dụng vẫn hữu hiệu.

* Vâng, và với báo chí cũng vậy...

Toàn cảnh Hội nghị Genève - Ảnh tư liệu

Toàn cảnh Hội nghị Genève - Ảnh tư liệu

Sự phối hợp của Nam Bộ

Sáng nay 20-7, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Nam Bộ từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève - 70 năm nhìn lại (1954-2024)".

Khẳng định Genève là một sự kiện có hai phần hợp lại: thắng lợi hiển hách về quân sự và thắng lợi to lớn về ngoại giao, hội thảo sẽ tổ chức thảo luận xoay quanh bốn chủ đề chính: Nam Bộ phối hợp chiến trường với Điện Biên Phủ tiến tới Hội nghị Genève; Hiệp định Genève và các khía cạnh quốc tế; Nam Bộ thi hành Hiệp định đình chiến; Ý nghĩa và bài học lịch sử.

Hơn 50 bài nghiên cứu của các nhà khoa học từ các nơi đã gửi về tham gia hội thảo.

"Trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện nay rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam": gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.

"Vững ở gốc" là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, độc lập - tự chủ trong đường lối đối ngoại, lấy thực lực làm gốc.

"Chắc ở thân" là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn. Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

"Uyển chuyển ở cành" là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự phức tạp giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

70 năm vẫn còn nguyên giá trị

Các đại biểu tham dự hội thảo ngày 19-7 - Ảnh: P.H.

Các đại biểu tham dự hội thảo ngày 19-7 - Ảnh: P.H.

Ngày 19-7 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Quốc phòng và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học "70 năm ngày ký Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam".

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về Hiệp định Genève đã được tổ chức, và mỗi hội thảo, tọa đàm lại giúp có thêm góc nhìn mới, phát hiện mới, kết quả nghiên cứu mới, có giá trị về hiệp định.

Trong bối cảnh thời gian đã lùi xa, các nhân chứng lịch sử hầu như không còn, hội thảo lần này được tổ chức rất kịp thời. Các trao đổi thẳng thắn, khoa học, khách quan lần này sẽ góp phần giúp thống nhất nhận thức trong nội bộ về vai trò và ý nghĩa của hiệp định. Trên cơ sở đó đề xuất những sáng kiến, bài học cho thực tiễn công tác đối ngoại ngày nay.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - khẳng định Hiệp định Genève là mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kiên định lập trường độc lập dân tộc.

Việt Nam đã vừa tự chủ, tự cường trong cuộc đấu tranh bền bỉ, can trường với sự dàn xếp, chi phối của các nước lớn, vừa có những nhân nhượng khôn khéo, mềm dẻo, từng bước đàm phán tháo gỡ những bế tắc, căng thẳng, giải quyết thành công nhiều vấn đề rất khó. Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Genève vẫn còn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu.

Trao đổi ý kiến bên lề hội thảo, PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên giám đốc Học viện Ngoại giao, đánh giá Hiệp định Genève diễn ra trong bối cảnh các nước lớn khác tham dự đều có tính toán lợi ích cho riêng mình.

"Tôi cho rằng Hiệp định Genève là kịch bản cao nhất mà chúng ta đạt được và là mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Nếu chúng ta không chấp nhận đến hội nghị và không chấp nhận những gì chúng ta đã có được trước đó thì chúng ta đã có thể rơi vào ý đồ của các nước lớn là quốc tế hóa cuộc chiến.

Nhưng chúng ta hiểu được cái đó và chúng ta thấy được các nước lớn có mâu thuẫn với nhau. Từ đó ta đã tận dụng và đạt được kết quả như ta đã biết", ông Quảng nói.

Nguyên giám đốc Học viện Ngoại giao cũng chỉ ra sự chuẩn bị của Việt Nam trước hội nghị. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đến Liên Xô vào tháng 4-1954, Việt Nam cử những cán bộ, nhà ngoại giao và đàm phán tốt nhất của mình đến Genève (Thụy Sĩ)…

Từ Hiệp định Genève, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quan trọng cho nền ngoại giao Việt Nam. Trong đó, theo ông Quảng, là bài học về tư duy độc lập, tự chủ và vai trò của công tác nghiên cứu, dự báo trong ngoại giao, là việc hiểu rõ quan điểm của Đảng và tình hình thế giới để giành thắng lợi trên bàn đàm phán.

Những bài học từ Hiệp định Geneve 1954 vẫn còn nguyên giá trịNhững bài học từ Hiệp định Geneve 1954 vẫn còn nguyên giá trị

70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử và các bài học rút ra từ Hiệp định Geneve vẫn mang hơi thở của thời đại hôm nay, là mốc son của nền ngoại giao Việt Nam trong buổi đầu non trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên