Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 đang xem danh sách phòng thi tại điểm thi trường THPT Marie Curie Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Vì sao điểm thi hai môn này thấp như vậy?
* Thầy Nguyễn Văn Ngọc (tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM):
Nhiều bất cập trong dạy và học tiếng Anh
Kết quả hơn 68% thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh dưới trung bình quả thật đáng buồn. Có thể kể nguyên nhân như sau:
Nếu so với năm trước thì đề thi môn tiếng Anh năm nay nhẹ nhàng và dễ hơn, thí sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt 5, 6 điểm. Tuy nhiên, nó chỉ đúng với học sinh ở vùng đô thị, thành phố lớn.
Ở những vùng này, học sinh không chỉ được học tăng tiết môn tiếng Anh trong trường chính khóa mà còn đi học thêm ở trung tâm ngoại ngữ. Tóm lại, các em ý thức rất rõ về tầm quan trọng của môn tiếng Anh, đồng thời chịu khó đầu tư thời gian, công sức để học tập một cách bài bản.
Trong khi đó, học sinh ở vùng nông thôn, vùng khó khăn thì sao? Theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT hiện nay, mỗi tuần học sinh lớp 12 chỉ học 3 tiết tiếng Anh trong trường THPT. Chương trình, sách giáo khoa hiện hành thì tồn tại nhiều bất cập và rất lạc hậu.
Những nơi này lại thiếu thốn phương tiện giảng dạy hiện đại, học sinh ít có điều kiện đi học thêm môn tiếng Anh; phụ huynh cũng không có kinh phí để đầu tư cho con em học hành một cách bài bản, chưa kể sự nhận thức về môn học, rồi tình trạng thiếu giáo viên hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn... là những nguyên nhân khiến điểm thi môn tiếng Anh rất thấp như năm nay.
* Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (tổ trưởng tổ sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):
Điểm môn sử thấp là tất yếu
Phổ điểm môn sử năm nay phản ánh chính xác tính chất của đề thi và tâm lý ôn thi, quan điểm của thí sinh về môn sử: các em học và đi thi với một mong ước đơn giản: tránh bị điểm liệt. Nhu cầu chỉ cần có thế nên các em không cần học quá nhiều, quá sâu.
Nhưng chúng ta cũng đừng trách thí sinh, bởi các em phải lựa chọn những điều thực tế cho tương lai của mình. Nếu so sánh với những môn thi khác thì môn sử có rất ít trong các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào ĐH.
Đó là chưa kể, đối với những thí sinh chọn tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp thì môn sử cũng bị cho "ra rìa" vì: trong 3 môn sử, địa, GDCD thì môn GDCD dễ học nhất, ngắn gọn nhất, dễ lấy điểm nhất, tổng cộng chỉ có 9 bài mà thôi; môn địa cũng không dễ nhưng học sinh chịu khó một chút thì nhờ vào Atlat cũng có thể làm được 5 điểm.
Riêng môn sử thì quá dài và nặng với hàng loạt sự kiện, vấn đề lịch sử. Thế nên, nhiều em đã trình bày thẳng thắn với tôi rằng: chỉ cần môn sử không bị điểm liệt, các em sẽ dành sức học những môn khác để kéo điểm lên.
Nếu nhiều trường ĐH dùng môn sử để xét tuyển đầu vào hoặc môn sử là môn thi bắt buộc thì tôi tin chắc rằng tâm lý học tập của học sinh sẽ khác đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận