Một ca dậy thì sớm - Ảnh: T.DƯƠNG
Trong số 500 trẻ dậy thì sớm, có khoảng 400 trẻ dậy thì sớm nhóm trung ương (nhóm nhỏ hơn 8 tuổi). Trước đây, mỗi tháng chỉ có thêm khoảng 5 ca dậy thì sớm có chỉ định điều trị thì 10 tháng đầu năm 2019 bệnh viện tiếp nhận đến gần 100 ca mới (10 ca/tháng). Các con số trên có thể chỉ mang tính chất tham khảo nhưng vẫn khiến nhiều phụ huynh bị... sốc.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, BS HOÀNG NGỌC QUÝ, trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, nói: "Việc trẻ dậy thì sớm tăng đột biến không chỉ là nỗi lo cho mỗi gia đình, sức ép này đè nặng lên công tác điều trị, kế hoạch dự trù thuốc ở cơ sở khám chữa bệnh".
Dậy thì từ tuổi lên 7
* Nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng về việc dậy thì sớm của con mình...
- Ngày nay dậy thì sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến và tuổi dậy thì có khuynh hướng sớm hơn so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây. Mức độ ảnh hưởng của dậy thì tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát (kích thước, kinh nguyệt...) và tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình.
Đặc biệt, có một tỉ lệ nhỏ trẻ có biểu hiện dậy thì sớm liên quan đến bệnh lý, cần có sự kiểm tra theo dõi và can thiệp phù hợp.
* Các biểu hiện để nhận biết trẻ dậy thì sớm là gì, thưa ông?
- Trẻ được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật...) trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ từ 10,5 - 11 tuổi, ở nam từ 11,5 - 12 tuổi và thường gặp ở bé gái, gấp 5 lần bé trai, ở thành thị hơn nông thôn.
Hiện nay dậy thì được chia làm 2 nhóm chính gồm dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại vi. Trong đó, dậy thì sớm trung ương phát sinh do sự bài tiết quá mức hormon sinh dục từ trên não (hạ đồi - tuyến yên). Đây là nhóm thường gặp nhất, có nguyên nhân đa số là vô căn, tức không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm, đặc biệt ở bé gái.
Còn đối với dậy thì sớm ngoại vi ít phổ biến hơn và thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận...
* Cha mẹ phải làm sao khi "đứa con bé bỏng" của mình mới chỉ 7-8 tuổi, thậm chí 6 tuổi có biểu hiện sinh lý như người lớn?
- Tôi thấy dường như đa số các bậc cha mẹ đều có tâm lý khá nặng nề, họ "không chịu tin" và "không thể chấp nhận" chuyện đó là sự thật. Đặc biệt với người cha, khi con gái dậy thì sớm, đồng nghĩa việc họ không còn được chăm sóc yêu thương như lúc trước. Với một số người, đây là... cú sốc tâm lý.
Như trường hợp bé gái sinh năm 2012 (tức mới chỉ 7 tuổi) đang được điều trị tại bệnh viện, tôi thấy rõ tâm lý bối rối của cha mẹ bé. Khi phát hiện núm vú bé có dấu hiệu nhú lên, họ tỏ ra ngại ngùng, không dám chia sẻ, cố giấu mọi người. Không chỉ cha mẹ, bản thân đứa bé này rất hoang mang trước sự thay đổi của cơ thể, nếu không được ai ở cạnh bên hướng dẫn.
Không phải lúc nào cũng dùng thuốc
* Nhiều bậc cha mẹ có con dậy thì sớm cho biết họ rất hoang mang không biết nên đưa con đi can thiệp hay là để "thuận tự nhiên"?
- Điều trị dậy thì sớm là cả một quá trình dài hạn và muốn điều trị phải làm tâm lý cho chính cha mẹ bé, để họ hiểu dậy thì là một quá trình tất yếu. Một giải pháp tối ưu hiện nay là chích thuốc - loại thuốc có tác dụng làm chậm lại quá trình dậy thì, chờ cho đến lúc bé đủ tuổi dậy thì cho "đúng quy trình".
Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý là chỉ khi xác định được bé rơi vào nhóm dậy thì sớm trung ương, ở mức độ tiến triển nhanh hoặc rối loạn tâm lý xã hội đáng kể ở trẻ mới sử dụng loại thuốc làm chậm quá trình dậy thì này, chứ không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị.
Ngoài ra, quyết định điều trị còn tùy thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng. Thực tế hiện nay không ít trường hợp chính gia đình của các bé quyết định không can thiệp điều trị mà muốn để trẻ phát triển "thuận tự nhiên".
* Ngoài việc tiếp cận với thế giới mạng, trẻ em lứa tuổi dậy thì thường hay tò mò, khám phá bản thân?
- Dậy thì sớm ở trẻ ngày càng phổ biến và là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì quá sớm sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Đặc biệt, bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức được sự thay đổi của cơ thể để tự bảo vệ mình.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, theo tôi, là gia đình, nhà trường, xã hội hãy trang bị cho bé các kiến thức về giới tính. Hãy dành thời gian bên trẻ, thủ thỉ với trẻ đâu là những giới hạn mà những người xung quanh được phép và không được đụng chạm vào các bộ phận cơ thể của mình. Đó mới là điều giúp ích cho trẻ tốt nhất, thay vì cứ để cho trẻ phát triển một cách tự nhiên.
"Cháy" cả thuốc trị dậy thì sớm
Liên quan đến việc hết thuốc Triptorelin điều trị cho trẻ dậy thì sớm khiến nhiều phụ huynh lo lắng, BS Võ Quốc Bảo - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết do nhu cầu khám và điều trị dậy thì sớm tăng đột biến nên hiện nay có tình trạng hết thuốc Triptorelin cả diện BHYT lẫn diện điều trị theo yêu cầu.
Để đảm bảo công tác điều trị, vừa qua khoa dược của bệnh viện phải tạm ứng 200 lọ thuốc loại nói trên của một công ty dược để có thuốc điều trị cho các bé. Để "gỡ khó" cùng bệnh viện, người nhà bệnh nhân đóng tạm ứng số tiền mua thuốc, sau đó về địa phương để nhận lại tiền thanh toán từ BHYT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận