"What can I do to help you?" - câu hỏi đơn giản nhưng đem lại hiệu quả to lớn - Ảnh: Reaching Higher NH
Không chỉ là những chính sách cao xa, đôi khi thật đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất lớn. Trang Forbes mới đây đăng tải một bài viết rất đáng suy ngẫm của Peter Greene - người có gần 40 năm làm việc trong mảng giáo dục.
Theo Peter Greene, "What can I do to help you?", tạm dịch "Bạn có cần tôi giúp gì không?" là 7 từ có "sức mạnh khủng khiếp nhất" trong giáo dục, tác động đến thầy cô, nhà trường và cả những nhà hoạch định chính sách.
"Thầy là đối tác của em"
Trong mỗi lớp học, giáo viên thường đặt những kỳ vọng khác nhau cho học sinh, thường là vượt qua kỳ thi hoặc đạt được điểm cao trong bài kiểm tra.
Trường hợp học sinh không hoàn thành tốt, phần lớn thầy cô sẽ chất vấn các em bằng những câu hỏi vì sao: "Vì sao em làm bài kiểm tra dưới trung bình?", "Vì sao cứ mãi không tập trung học?", "Học như vậy làm sao tiến bộ?"…
Và sau đó, giáo viên thường yêu cầu học sinh phải tuân thủ một giải pháp, về bản chất giống như một hình phạt, chẳng hạn mời phụ huynh, chép bài phạt hay tăng cường phụ đạo môn yếu…
Lẽ ra thầy cô giáo nên bình tĩnh và ân cần hỏi thăm học sinh một câu: "Thầy có thể giúp gì cho em?". Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng là sự tôn trọng và cầu thị lắng nghe học sinh từ những người đứng trên bục giảng.
Có thể các em sẽ không trả lời, tuy nhiên không vấn đề gì. Trong lúc học sinh đang gặp rắc rối, câu hỏi sẽ giúp các em ý thức được việc học của mình và là động lực giúp các em tự thân vận động tiến bộ.
7 từ "Thầy có thể giúp gì cho em?" giúp học sinh thấy việc cố gắng học để đạt được mục tiêu không chỉ là chuyện của mình, mà các em sẽ cảm giác trò và thầy đang cùng nhau chinh phục những thử thách trong học tập.
Học sinh sẽ không thấy lạc lõng, còn người thầy có thể tự nhắc nhở bản thân rằng mình là một đối tác của các em, là người có vai trò hỗ trợ các em vượt qua những chướng ngại trước mắt.
Đã qua rồi thời thầy chỉ việc dạy, học hay không và đi tới đâu là chuyện của mỗi học sinh. Giờ đây, hễ đứng trên bục giảng nghĩa là thầy cần đưa ra những phương cách giúp đỡ cho học sinh thành công hoặc thành nhân.
Thầy và trò cùng nhau trao đổi, cùng nhau đi trên con đường học vấn, dùng tình cảm mà giúp nhau tiến bộ, đó là gốc rễ của một phương pháp giáo dục vững chắc.
"Thầy có cần tôi giúp gì không?"
Không chỉ với thầy cô, 7 từ "What can I do to help you?" cũng rất có ý nghĩa với công tác quản lý trong nhà trường.
Ban giám hiệu thường đặt nhiều kỳ vọng cho giáo viên, chẳng hạn năm nay phải đạt bao nhiêu học sinh giỏi, tốt nghiệp đạt tỉ lệ bao nhiêu… nhưng thường không xem mình là một phần trong công việc đó và phó thác tất cả cho giáo viên.
Thật ra, hiệu trưởng có thể ân cần hỏi giáo viên: "Thầy có cần tôi giúp gì không?" vừa để tìm lời giải, vừa động viên thầy cô giáo tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình.
Thông thường, không nhiều hiệu trưởng sẵn sàng đến tận lớp ngồi xem một tiết học và hỏi giáo viên: "Thầy có cần tôi giúp gì không?".
Tâm lý giáo viên thường ngại mở lời góp ý với hiệu trưởng, vì vậy lãnh đạo nhà trường nên hiểu tâm lý này và chủ động thăm dò giáo viên của mình.
Nhìn rộng ra, những nhà hoạch định chính sách cũng cần ghi nhớ câu hỏi này. "Thầy có cần tôi giúp gì không?" không chỉ cho họ thông tin và cái nhìn cụ thể hơn về giáo dục, mà còn giúp các giáo viên trước đây chỉ "an phận" nay có thể bắt đầu mạnh dạn lên tiếng.
Rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng dạy - học, nâng cao tinh thần giáo dục và mở ra những giải pháp mới cải thiện trường lớp.
Đây là hành trình không dễ dàng nhưng có thể bắt đầu từ những bước đi đơn giản, trong đó có câu hỏi "What can I do to help you?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận