Tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều gia đình có xu hướng mua thực phẩm để tích trữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc tích trữ đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi giá trị dinh dưỡng ban đầu của thực phẩm, thậm chí hình thành “ổ vi khuẩn” nếu bạn không biết bảo quản thực phẩm đúng cách.
Ngoài ra, một số thực phẩm không phù hợp để bảo quản ở nhiệt độ của tủ lạnh, chúng có thể bị biến chất, nhanh hỏng và gây bệnh cho người dùng.
Dù nhiệt độ tủ lạnh là điều kiện lý tưởng để bảo quản hầu hết các loại đồ ăn, tránh để một số thực phẩm dưới đây vào tủ lạnh để phòng ngừa khả năng sinh độc của thực phẩm.
1. Dưa hấu
Dưa hấu giàu chất chống ôxy hóa như vitamin C, zeaxanthin, lycopene và beta-carotene… giúp bảo vệ tế bào cơ thể khỏi tổn thương bởi các gốc tự do, ngăn ngừa quá trình lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da hiệu quả.
Để dưa hấu giữ được độ thơm ngon, bạn cần bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh cất giữ dưa hấu trong tủ lạnh vì sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của loại quả này.
2. Khoai lang
Bảo quản khoai lang trong tủ lạnh làm thay đổi thành phần tinh bột trong khoai lang, khiến thực phẩm mất đi hương vị ngon lành, bổ dưỡng. Tốt nhất là nên bảo quản khoai lang ở nhiệt độ phòng, trong khu vực thông thoáng, mát mẻ.
3. Chuối
Đối với những quả chuối chưa chín hẳn, nếu để chuối trong tủ lạnh thì sẽ không thể chín thêm. Trong điều kiện nhất định, chuối còn chuyển sang nhão, bị thâm đen bởi thành phần dinh dưỡng của enzyme trong chuối đã bị phá vỡ.
Còn với những quả chuối đã chín, bạn có thể bảo quản chúng trong tủ lạnh như các loại thực phẩm khác.
4. Khoai tây
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Mỹ, để khoai tây trong tủ lạnh là cách bảo quản “chết người”, gây hại cho sức khỏe. Bởi lúc này, thành phần tinh bột trong khoai tây được chuyển hóa thành đường. Trong quá trình chiên hoặc nướng, đường kết hợp với axit amin asparagine tạo ra chất acrylamide hóa học, có thể hình thành bệnh ung thư.
Cách bảo quản khoai tây đúng chuẩn là để chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát.
5. Mật ong
Mật ong khi được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn 18 độ C sẽ thực hiện quá trình kết tinh hay còn gọi là lắng đường, hệ quả là mật ong bị biến chất, không chỉ làm mất đi hương vị ban đầu mà còn làm suy giảm giá trị dinh dưỡng. Thực tế, mật ong nguyên chất có thời gian bảo quản từ 1 – 2 năm trong nhiệt độ thường.
Vậy nên, đừng lo lắng nếu bạn để mật ong ở bên ngoài mà không đưa chúng vào tủ lạnh, điều này giúp đảm bảo dưỡng chất quý giá trong mật ong được giữ lâu hơn.
6. Bánh mì
Bánh mì để trong tủ lạnh sẽ trở nên khô, cứng, thậm chí còn dễ bị hỏng hơn. Nhiều trường hợp, bánh mì để ở nhiệt độ tủ lạnh còn có xu hướng hút không khí, khiến chúng dễ bị nấm mốc, ăn vào không có lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy, sau khi mua bánh mì, bạn nên sử dụng chúng càng nhanh càng tốt, tránh để quá lâu vì có thể gây bệnh.
7. Trứng vỡ
Trong vỏ trứng chứa nhiều vi khuẩn Salmonella. Do đó, bạn không nên bảo quản trứng vỡ trong tủ lạnh vì có thể gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn chéo từ trứng sang các thực phẩm khác, tệ hơn là nếu vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong trứng, gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, trứng bị vỡ thường có mùi tanh, nếu để lâu trong tủ lạnh sẽ gây ra mùi khó chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận