Luôn sẵn sàng làm việc: Xắn tay áo lên và hãy nhiệt tình trong bất cứ công việc nào. Ngoài những công việc được thỏa thuận trong hợp đồng làm việc, bạn cũng nên sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp khi họ cần. Điều này dĩ nhiên không giúp ích trực tiếp cho công việc chuyên môn, nhưng sẽ giúp bạn tạo dựng mối quan hệ và xây dựng niềm tin với mọi người xung quanh.
Điều mọi công ty đều trông chờ ở nhân viên của họ chính là thái độ cầu thị, khiêm tốn, ham học hỏi - Ảnh: eLearning Industry
Luôn bình tĩnh: Trí thông minh cảm xúc là một trong những kỹ năng vô cùng cần thiết mà bạn cần rèn luyện trước khi bước vào môi trường công sở. Không giống như ở nhà hay trường học, công sở đòi hỏi bạn xử lý mọi việc với một thái độ điềm tĩnh và chuyên nghiệp. Khả năng quản lý cảm xúc của bạn không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ với đồng nghiệp, mà còn quyết định cả cơ hội thăng tiến của bạn trong tương lai.
Rất nhiều nhân viên trẻ tự đặt mình vào tình huống khó xử, thậm chí làm quá lên ở những tình huống lẽ ra cần giữ bình tĩnh ở công sở. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, bạn cần phải học kỹ năng quản lý cảm xúc ở cả môi trường trên mạng xã hội. Đừng vì một phút nóng giận mà chia sẻ những điều không hay có thể khiến người khác chụp lại màn hình để gây rắc rối cho bạn về sau.
Tha thứ và tin tưởng: Sự tha thứ giúp bạn làm việc với tinh thần thoải mái. Ai cũng có thể mắc lỗi lầm dù là bạn, đồng nghiệp hay sếp bạn. Điều quan trọng sau mỗi sai lầm là rút ra kinh nghiệm, chứ không phải lưu giữ những ký ức không đẹp trong lòng để sau này dẫn đến những mâu thuẫn khác trong công sở. Đừng quên xây dựng lòng tin với đồng nghiệp. Sẽ rất khó làm việc trong môi trường mà bạn không có lấy một người nào để tin tưởng.
Biết khi nào nên tranh cãi: Hãy thông minh và sáng suốt khi giải quyết các mâu thuẫn trong công sở. Đừng tham gia bất kỳ cuộc tranh cãi nào, đặc biệt là về các vấn đề không đáng hoặc không liên quan đến bạn. Các nhân viên mới thường bị lôi kéo vào những phe phái khác nhau ở công sở. Điều này hoàn toàn không có lợi cho bạn về lâu dài. Hãy giữ vị trí trung lập trong mọi tình huống, biết những gì nên và không nên nói.
Luôn học hỏi: Không ai mới bắt đầu đã giỏi tất cả mọi thứ. Điều cần thiết nhất mà mọi công ty đều trông chờ ở nhân viên của họ không phải là những tài năng xuất chúng, mà chính là thái độ cầu thị, khiêm tốn, ham học hỏi. Hãy đặt câu hỏi để bổ sung những kiến thức còn thiếu, tìm hiểu nhiều hơn về nơi bạn làm việc, về công việc và các kỹ năng liên quan.
Quản lý căng thẳng: Ngoài trí tuệ cảm xúc, các nhân viên trẻ cũng nên học cách làm quen và vượt qua căng thẳng trong công việc. Bạn nghĩ mình sẽ chịu đựng được những áp lực ở mức độ nào? Hãy tập chơi một môn thể thao ngoài giờ làm việc, tập thói quen bỏ lại công việc sau lưng khi đã rời văn phòng, đặc biệt là đừng mang công việc vào bữa ăn gia đình. Không ai tránh được căng thẳng trong lúc làm việc, nên quan trọng là làm cách nào để đối diện và giải quyết những cảm xúc này thay vì cố gắng dồn nén ngày qua ngày.
Đặt giới hạn: Môi trường công sở đòi hỏi bạn phải học cách đặt những giới hạn trong mọi mặt, từ các mối quan hệ cho đến cách giao tiếp. Bạn sẽ gặp rất nhiều dạng người khác nhau. Có người rất tốt, nhưng có những người chỉ luôn đặt điều nói sau lưng đồng nghiệp hay than phiền, hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
Những tình huống này sẽ dần dần dạy bạn cách nói "không" trước những lời đề nghị khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Nói thế nào để khéo léo, không làm mất lòng người khác nhưng cũng tránh được phiền phức không đáng có chính là kỹ năng bạn cần rèn luyện mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận