Phóng to |
Đến 18g ngày 6-6, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã làm việc với các ngân hàng và thống nhất “không mở kho hàng” để chờ xử lý - Ảnh: Bá Sơn |
Phóng to |
Đại diện nhiều ngân hàng cùng có mặt tại kho của Công ty Trường Ngân để giữ tài sản thế chấp - Ảnh: B.Sơn |
Sự việc hi hữu này xảy ra trưa 6-6 tại Công ty TNHH Trường Ngân (đường Nguyễn Thị Chạy, khu phố Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương), chuyên xuất khẩu cà phê nguyên liệu. Tới tối cùng ngày, khi công an đến can thiệp các “chủ nợ” mới chịu rút đi.
Do có tới bảy ngân hàng (gồm Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB, Agribank) cùng có cà phê thế chấp tại kho của Công ty Trường Ngân, nên Công an thị xã Dĩ An cho biết trước mắt sẽ niêm phong kho hàng, không một đơn vị nào được chuyển hàng đi nơi khác.
Nợ các ngân hàng 600 tỉ đồng
Trưa 6-6, hàng chục người của Ngân hàng Quân Đội (MB) tới Công ty Trường Ngân để xiết 615 tấn cà phê mà công ty này dùng làm tài sản đảm bảo để vay vốn. Cùng đi có cả một số cán bộ của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Theo MB, công ty này nợ họ khoảng 80 tỉ đồng đảm bảo bằng sáu loại tài sản (gồm vàng, nhà đất...) và 615 tấn cà phê.
Sáu tài sản đảm bảo được tách riêng, chỉ có 615 tấn cà phê nằm chung trong kho mà Công ty Trường Ngân dùng để chứa cà phê thế chấp vay vốn cho các ngân hàng còn lại. Tháng 5-2013, Công ty Trường Ngân có văn bản đồng ý để MB lấy 615 tấn cà phê này. Tuy nhiên, khi MB cho người tới chuyển cà phê thì các ngân hàng còn lại (trừ Agribank) đã đến ngăn chặn vì cho rằng đây là tài sản mà Công ty Trường Ngân đã thế chấp vay vốn của họ.
Trong vụ này có sự xuất hiện của một số cán bộ Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Đại diện MB cho rằng khi vụ việc vay vốn của Công ty Trường Ngân “có dấu hiệu hình sự” thì đơn vị này gửi đơn đến Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Khi Công ty Trường Ngân làm văn bản đồng ý giao 615 tấn cà phê cho MB cũng có sự chứng kiến của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, trả lời báo chí tại hiện trường, đại tá Nguyễn Đình Linh (cán bộ Cục Điều tra hình sự) cho biết đơn vị này chỉ có mặt để “chứng kiến sự việc”, còn cụ thể thì Công ty Trường Ngân và MB làm việc với nhau.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Công ty Trường Ngân, tổng số tiền mà công ty ông đang nợ các ngân hàng khoảng 600 tỉ đồng. Trong khi đó, số cà phê dùng làm tài sản đảm bảo vay vốn trong kho hiện chỉ còn khoảng 3.000 tấn (khoảng 100 tỉ đồng).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bình cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê nguyên liệu từ năm 2005 với sản lượng khoảng 30.000-70.000 tấn cà phê/năm. Có năm doanh thu của công ty lên tới 2.500 tỉ đồng và có quan hệ khá tốt với các ngân hàng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do biến động của thị trường và cách điều hành quản lý mà giá cà phê xuất khẩu giảm nghiêm trọng, trong khi đó lãi suất ngân hàng quá cao, khiến công ty rơi vào cảnh quá hạn trả nợ các ngân hàng.
Cũng theo ông Bình, các khoản vay của công ty được đảm bảo bằng các hợp đồng xuất khẩu cà phê cùng các tài sản cũng như bất động sản khác. Khi quá thời hạn trả nợ, các tài sản thế chấp của công ty ở TP.HCM đã bị các ngân hàng tịch thu. Về số cà phê ở trong kho tại Bình Dương, ông Bình nói đã chuyển các giấy tờ cho công an để họ xác định số lượng cụ thể và liên quan đến ngân hàng nào.
Mỗi ngân hàng mỗi lý lẽ
Công ty Trường Ngân cho biết mong muốn lớn nhất của họ là được các ngân hàng ủng hộ, cho phép đưa số cà phê trong kho ra thị trường để xuất khẩu, thu hồi vốn và trả lại cho ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại có một ý kiến khác nhau trong việc xử lý số cà phê này.
Điển hình như OCB, ngân hàng này nói số tiền Công ty Trường Ngân nợ họ khoảng 90 tỉ đồng, được cầm cố bởi 3.000 tấn cà phê đang ở trong kho (theo giấy tờ). Khoang cà phê của OCB trong kho của Trường Ngân là khoang riêng được bảo vệ của họ canh giữ, các đơn vị khác không được xâm phạm.
Đại diện MB thì cho rằng lô hàng 615 tấn cà phê thuộc sở hữu của MB, không liên quan đến tài sản đảm bảo của các ngân hàng còn lại. Một số ngân hàng lại cho rằng Công ty Trường Ngân đang có cà phê thế chấp với nhiều ngân hàng, các ngân hàng phải cùng ngồi lại để thảo luận giải quyết.
Tại buổi làm việc chiều 6-6, các ngân hàng cùng Công ty Trường Ngân và phía công an chưa đi đến thống nhất về việc giải quyết số cà phê thế chấp trong kho. Công an thị xã Dĩ An yêu cầu các ngân hàng có cà phê thế chấp phải xuất trình các giấy tờ chứng minh trong vòng hai ngày để làm căn cứ giải quyết.
Một tài sản có thể thế chấp nhiều nơi Theo phó tổng giám đốc phụ trách khối pháp chế một ngân hàng (NH) cổ phần lớn tại TP.HCM, về nguyên tắc một tài sản đảm bảo có thể thế chấp ở nhiều NH, miễn sao giá trị tài sản đủ đảm bảo cho tất cả khoản nợ. Trong trường hợp doanh nghiệp đi vay không trả được nợ thì việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ căn cứ vào hợp đồng thế chấp cầm cố để thực hiện từng bước theo quy định của hợp đồng. Trường hợp không giải quyết được sẽ đưa ra tòa, việc xử lý căn cứ vào phán quyết của tòa. Về việc NH xiết nợ tài sản thế chấp, nếu hợp đồng giữa NH và bên vay có quy định thì NH được phép làm, trường hợp trong hợp đồng không quy định nhưng NH vẫn làm mà chưa được sự đồng ý của doanh nghiệp thì sẽ xảy ra rắc rối pháp lý. Với tài sản đảm bảo có thế chấp tại nhiều NH thì đơn vị nào đăng ký giao dịch đảm bảo trước sẽ được ưu tiên thanh toán nợ trước. Quy định là một chuyện, còn trên thực tế việc một hàng hóa được doanh nghiệp thế chấp ở nhiều NH khác nhau thì sẽ rất rủi ro cho bên cho vay. Thông thường, NH phát hiện hàng hóa đã được thế chấp ở NH khác rồi sẽ không xét duyệt cho vay. Tuy nhiên, với hàng hóa có sẵn trong kho thì rất khó biết được hàng hóa này đã được thế chấp cho NH khác hay chưa. Do vậy, với những NH có quy trình xét duyệt cho vay chặt chẽ thường chỉ cho vay với hàng hóa thế chấp có nguồn gốc rõ ràng, tức NH áp giải hàng hóa từ cảng về kho và cử người bảo vệ ngay từ đầu. Còn với hàng hóa có sẵn trong kho, NH không nhận thế chấp, nhằm tránh tình trạng cùng một hàng hóa nhưng được doanh nghiệp thế chấp cho nhiều nơi để vay số vốn lớn hơn rất nhiều so với giá trị tài sản thế chấp. Còn với trường hợp đã xảy ra tình trạng thế chấp một tài sản ở nhiều NH khác nhau thì việc xử lý rất nhiêu khê. Nếu cơ quan điều tra vào cuộc, lúc đó NH phải chờ cơ quan điều tra có ý kiến cho bán hay không, bán xong cơ quan công an sẽ phong tỏa tiền và chi lại cho từng NH. Trường hợp cơ quan công an không vào cuộc, chỉ chủ nợ với nhau rất khó giải quyết, trừ trường hợp các NH chủ nợ có thể đàm phán được với nhau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận