16/12/2024 09:12 GMT+7

7 lĩnh vực xứng đáng để Đà Lạt đầu tư cho công nghiệp văn hóa

Nắm được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa, Đà Lạt là địa phương đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa giúp địa phương trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước.

7 lĩnh vực xứng đáng để Đà Lạt đầu tư cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm - Ảnh: VGP

 Công nghiệp văn hóa là một khái niệm mới hiện nay, tuy nhiên lĩnh vực này lại nắm giữ vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. 

Ngành công nghiệp văn hóa chú trọng vào yếu tố độc đáo và sự sáng tạo giúp bảo tồn văn hóa Việt Nam. Đồng thời giúp cho sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Sự phát triển của công nghiệp văn hóa đã giúp nền kinh tế quốc dân được tăng thêm, kết nối Việt Nam với thế giới bên ngoài, làm hình ảnh Việt Nam được thế giới biết đến và yêu mến.

Công nghiệp văn hóa và toàn cầu hóa.

Năm 2007, UNESCO đưa ra khái niệm về công nghiệp văn hóa:

"Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra các sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa và sản xuất các sản phẩm dịch vụ dựa vào tri thức (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống).

Điểm chung nhất của các ngành công nghiệp văn hóa là nó sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và bản quyền trí tuệ để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ, cũng như nó mang giá trị văn hóa".

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định 12 lĩnh vực được xếp vào ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: (1) Quảng cáo; (2) Kiến trúc; (3) Phần mềm và các trò chơi giải trí; (4) Thủ công mỹ nghệ; (5) Thiết kế; (6) Điện ảnh; (7) Xuất bản; (8) Thời trang; (9) Nghệ thuật biểu diễn; (10) Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (11) Truyền hình và phát thanh; (12) Du lịch văn hóa. Như vậy, việc xác định ngành công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực chủ chốt trong các lĩnh vực của văn hóa.

Phát triển du lịch xanh của Đà Lạt từ góc nhìn công nghiệp văn hóa

7 lĩnh vực xứng đáng để Đà Lạt đầu tư cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ ở trại sáng tác Space Jam Volume 2 ở Đà Lạt - Ảnh: SpaceSpeakers

Đà Lạt hiện sở hữu 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, đó là thế mạnh của một thành phố sáng tạo, do đó "khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là yêu cầu tất yếu để phát triển chất lượng cao hiện tại và tương lai".

Tận dụng lợi thế đó, Đà Lạt cần phát huy hơn nữa vai trò của trung tâm du lịch, thành phố du lịch của khu vực Tây Nguyên, nhằm khai thác hiệu quả các di sản được thế giới công nhận và phát hiện, phát triển các tài nguyên du lịch còn ở dạng tiềm năng.

Đối với Đà Lạt hiện nay, phát triển du lịch xanh trên nền tảng của di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là một lợi thế rất lớn. Chính vì vậy, Đà Lạt cần xác định trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà Đảng và nhà nước quan tâm phát triển trọng điểm thì Đà Lạt có những thế mạnh gì để khai thác, có thể gợi ý các lĩnh vực:

Trong các lĩnh vực mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được xếp vào ngành công nghiệp văn hóa thì Đà Lạt cần xác định các mục lĩnh vực chủ đạo để có thể đầu tư phát triển, tạo ra sự khác biệt với các vùng du lịch khác. 

7 lĩnh vực xứng đáng để Đà Lạt đầu tư cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

5.000 khán giả đến Đà Lạt nghe Hà Anh Tuấn hát trong live concert The Veston năm 2021 - Ảnh ĐẠI NGÔ

Nếu như ở TP.HCM, lãnh đạo thành phố tập trung vào 8/12 lĩnh vực chủ yếu đến 2030 (bao gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, thời trang và du lịch văn hóa), Đà Lạt hoàn toàn có thể tập trung vào sự đặc sắc của văn hóa bản địa và vị trí địa lý của mình để phát triển mạnh mẽ hơn.

Đầu tiên là phát huy vai trò thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ở lĩnh vực âm nhạc, tổ chức các cuộc thi sáng tác âm nhạc và xây dựng các khu vực đủ điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho các đại nhạc hội lớn của các ngôi sao trong lĩnh vực âm nhạc của thế giới đến để biểu diễn. 

Đầu tư để cho các hãng tổ chức lớn có thể lựa chọn Đà Lạt là điểm đến của âm nhạc. Đồng thời, việc khai thác âm nhạc của di sản văn hóa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong hoạt động du lịch gần như mới chỉ là các buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật cho các đoàn khách, chưa khai thác được giá trị lớn hơn của âm nhạc dân tộc và âm nhạc thế giới.

Để phục vụ tốt công nghiệp văn hóa lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực thứ hai mà Đà Lạt nên đầu tư phát triển. Xây dựng đội ngũ có thể phục vụ được các dự án âm nhạc lớn và các show biểu diễn. Đồng thời với âm nhạc, thời trang điện ảnh là lĩnh vực Đà Lạt cần đầu tư để khai thác. Công nghiệp thời trang dễ dàng hơn các địa phương khác bởi khí hậu Đà Lạt luôn mát mẻ, trở thành điểm đến của các tín đồ thời trang.

Tiếp theo, Đà Lạt cần phát triển mạnh lĩnh vực kiến trúc. Các giá trị văn hóa bản địa đến thời kỳ giao lưu với văn hóa phương Tây đã giúp cho Đà Lạt trở thành thành phố với đầy đủ kiến trúc đẹp giúp cho du khách có thể trải nghiệm, từ các dinh thự từ thời Pháp đến các dinh thự của vua Bảo Đại, và sau này là những chính khách đều mong muốn được xây dựng ở Đà Lạt các công trình dân dụng cũng như công cộng mang ý nghĩa biểu tượng. 

Quy hoạch Đà Lạt hiện nay đang phát triển quá nhanh, dẫn đến nhiều nơi phá vỡ không gian kiến trúc mang đặc trưng của Đà Lạt.

Cuối cùng, với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của mình, Đà Lạt cần đầu tư hơn nữa lĩnh vực du lịch văn hóa. Tập trung mạnh vào du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp chính là cách mà Đà Lạt kích thích du khách và các nhà đầu tư đến đây để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả nhất. Xây dựng Đà Lạt thành phố ẩm thực quy tụ cả ẩm thực phương Đông và ẩm thực phương Tây.

Như vậy, trong số 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà Đảng, nhà nước ta khuyến khích tập trung phát triển thì Đà Lạt cần xác định các lĩnh vực chủ yếu từ các lợi thế của mình để trở thành một thành phố sáng tạo đúng nghĩa, đó là 7 lĩnh vực: 

1. Nghệ thuật biểu diễn; 

2. Thời trang; 

3. Điện ảnh; 

4. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; 

5. Du lịch văn hóa; 

6. Thủ công mỹ nghệ; 

7. Kiến Trúc. 

Đó chính là sự liên hoàn của các hoạt động sáng tạo, trung tâm của hoạt động công nghiệp văn hóa nhằm góp phần phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho du lịch và văn hóa, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội cho thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

7 lĩnh vực xứng đáng để Đà Lạt đầu tư cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 4.Du khách đến Đà Lạt để chữa lành, du lịch kết hợp trị liệu tâm lý vô cùng tiềm năng

Đà Lạt có thể giúp cho khách du lịch được chữa lành tổn thương cảm xúc bằng thiên nhiên, vừa kết hợp cung cấp các dịch vụ giáo dục tâm lý để họ phát triển sức mạnh tâm trí, nâng cao khả năng ứng phó với căng thẳng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên