09/01/2019 08:51 GMT+7

7 khu đất Novaland chưa chuyển mục đích vì sao được cấp phép xây dựng?

D.NGỌC HÀ - A.NHÂN - T.LONG
D.NGỌC HÀ - A.NHÂN - T.LONG

TTO - Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra xung quanh sự việc 7 khu đất tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) bị tạm dừng chuyển mục đích sử dụng, trong khi nơi đây các cao ốc đã mọc lên và cư dân đã vào ở.

7 khu đất Novaland chưa chuyển mục đích vì sao được cấp phép xây dựng? - Ảnh 1.

Dự án Orchard ParkView (130-132 Hồng Hà, bên trái) và dự án Gardengate Residence (8 Hoàng Minh Giám), hai trong số bảy dự án phải tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Rà soát nhưng không gây thiệt hại cho dân là quan điểm của ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về quyết định tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở đối với 7 khu đất đang được Tập đoàn Novaland triển khai dự án tại quận Phú Nhuận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-1, ông Phong cho biết việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở đối với 7 khu đất này thực hiện theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, nhằm rà soát lại hồ sơ pháp lý cho chặt chẽ theo quy định pháp luật.

"Sau rà soát, nếu thiếu hồ sơ pháp lý nào thì bổ sung. Còn có sai thì tìm cách cùng tháo gỡ để không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp" - người đứng đầu UBND TP khẳng định.

Cũng theo nguồn tin của Tuổi Trẻ vào chiều 8-1, Sở TN-MT TP.HCM đã báo cáo nhanh với UBND TP về việc không có cơ sở pháp lý buộc ngưng các giao dịch của người dân trong 7 dự án trên.

Do vậy, UBND TP sẽ chỉ đạo sở này gỡ bỏ việc "đóng băng" giao dịch trước đó tại các dự án, để người dân thực hiện các giao dịch cấp sổ, chuyển nhượng, thế chấp... bình thường. UBND TP cũng chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì việc rà soát thủ tục thực hiện của 7 dự án, đến ngày 14 hoặc 15-1 sẽ báo cáo kết quả để UBND TP có hướng giải quyết.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngoài diện tích thương mại, dịch vụ văn phòng trên các dự án này còn có hàng ngàn căn hộ đã bán và bàn giao cho khách hàng. Trong đó có 2 dự án đã cấp giấy chủ quyền căn hộ tại khu đất số 128 Hồng Hà và 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi.

Đều là đất công

Theo tìm hiểu, 7 lô đất trên đều có nguồn gốc là đất công, do các công ty nhà nước đang quản lý, sử dụng trước thời điểm được chuyển mục đích làm dự án và đều liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova ().

Chủ đầu tư các dự án trên phần lớn là do Novaland liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước (đang quản lý đất) để thực hiện. Cụ thể:

Khu đất 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi do Công ty cổ phần dược phẩm trung ương Vidipha quản lý, chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần The Prince Residence (do Novaland liên doanh với Công ty cổ phần dược phẩm trung ương Vidipha). UBND TP thu hồi đất của Vidipha và giao cho Công ty cổ phần The Prince Residence năm 2012.

Tương tự, khu đất tại số 130-132 Hồng Hà, 38 Trương Quốc Dung, 128 Hồng Hà... cũng thuộc quyền quản lý của các công ty nhà nước, sau đó liên doanh với Novaland.

Khu đất 146 Nguyễn Văn Trỗi có một phần nhỏ diện tích được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Nova Princess Residence.

Còn khu đất 119 Phổ Quang được UBND TP cho phép Công ty TNHH Nova Sagel chuyển mục đích từ năm 2016, được UBND TP cho Công ty cổ phần Điện tử và dịch vụ công nghiệp Sài Gòn thuê sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh.

Đơn vị này liên doanh để thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Nova Sagel, có giá trị phần vốn góp bằng tiền, tỉ lệ 26% vốn điều lệ. Khu đất số 8 Hoàng Minh Giám được UBND TP chấp thuận cho Công ty Nova Festival (pháp nhân thành lập dựa trên liên doanh giữa Novaland với Công ty TNHH MTV Du lịch thanh niên Việt Nam) chuyển mục đích từ năm 2016.

7 khu đất Novaland chưa chuyển mục đích vì sao được cấp phép xây dựng? - Ảnh 2.

Dự án Orchard ParkView của Novaland tại địa chỉ 130-132 Hồng Hà, phường 9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tạm dừng vì thiếu thủ tục, sai quy định

Trước khi bị tạm dừng, cả 7 khu đất đều đã có quyết định của UBND TP cho chuyển mục đích trong các năm từ 2012 đến 2016. Các cơ quan chức năng của TP cũng đã cấp phép xây dựng, triển khai dự án và hầu hết đã đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, qua rà soát, TP thấy vẫn còn có những thủ tục còn thiếu sót nên tạm dừng để hoàn thiện.

Đối với dự án số 130-132 Hồng Hà, dự án được đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Nhưng tại thời điểm tổ công tác trình UBND TP công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án thì dự án trên không nằm trong danh mục các cơ sở phải di dời do ô nhiễm hoặc theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, tổ công tác trình UBND TP các thủ tục trên theo nghị định 71 năm 2010 hướng dẫn Luật nhà ở 2006 nhưng tại thời điểm trình thì nghị định này đã hết hiệu lực. Dù còn thiếu sót nhưng khu đất vẫn được cho chuyển mục đích vào tháng 8-2015.

Với dự án số 8 Hoàng Minh Giám, Sở TN-MT cho rằng quyết định chấp thuận đầu tư dự án của UBND TP chưa phù hợp với chủ trương của Bộ Tài chính về phương án sắp xếp nhà, đất.

Tháng 5-2018, Bộ Tài chính có công văn cho rằng khu đất số 8 Hoàng Minh Giám nằm trong diện phải rà soát quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ. Trong khi chưa được rà soát và có ý kiến của Thủ tướng thì tháng 5-2016 khu đất đã được TP cho chuyển mục đích.

Tuy nhiên, với khu đất này Sở Xây dựng (tổ trưởng tổ công tác tham mưu tờ trình về chấp thuận đầu tư dự án) cho rằng lập luận của Sở TN-MT nêu trên chưa chính xác.

Sở Xây dựng khẳng định việc tổ công tác tham mưu cho UBND TP chấp thuận đầu tư dự án số 8 Hoàng Minh Giám là đúng quy định.

Nếu có thất thoát thì phải xử lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Mai (Đoàn luật sư Khánh Hòa) cho rằng mục tiêu rà soát là nhằm bảo đảm chuẩn về pháp lý và nhất là tránh khả năng Nhà nước bị thiệt hại tài chính do các khu đất này có nguồn gốc từ các công ty nhà nước.

"Bất kỳ các sai sót nào về thủ tục trước đó qua rà soát thì đều có lỗi của các cơ quan nhà nước liên quan cần phải xử lý. Tuy nhiên quyền lợi của cư dân mua nhà tại các dự án phải được đảm bảo" - luật sư Nguyễn Thị Ngọc Mai nói.

Theo luật sư Mai, hậu quả pháp lý sẽ là rất lớn nếu qua rà soát TP ngừng hẳn việc chuyển mục đích sử dụng đất dự án. Khi đó các dự án trên đất sẽ không được phép tồn tại, cư dân đã mua căn hộ cũng bị mất nhà, chủ đầu tư phải bồi thường cho cư dân đã mua căn hộ.

Đồng thời, cư dân thiệt hại nặng nề cũng sẽ phát sinh các khiếu nại, bất ổn trật tự, ảnh hưởng môi trường đầu tư TP.

"Tuy nhiên, khả năng này theo tôi là khó có thể xảy ra" - luật sư Nguyễn Thị Ngọc Mai nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định nếu doanh nghiệp không sai, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án, nếu có sai sót thì TP sẽ chỉ đạo các sở ngành, chủ đầu tư hoàn chỉnh.

Trường hợp gây thất thoát đất công thì phải xử lý, tiền sử dụng đất nếu tính chưa đúng doanh nghiệp sẽ phải bổ sung. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì UBND TP sẽ báo cáo Chính phủ.

"Xử lý như thế nào cũng phải đặt quyền lợi hợp pháp của người dân lên hàng đầu" - ông Tuyến khẳng định.

7 khu đất Novaland chưa chuyển mục đích vì sao được cấp phép xây dựng? - Ảnh 3.

Khu đất 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (diện tích 4.647m2, dự án The Prince Residence) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chưa chuyển mục đích vì sao được cấp phép xây dựng?

Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra xung quanh sự việc này. Cuối tháng 12-2018, UBND TP có công văn tạm ngừng việc thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đối với 7 lô đất. Nhưng các quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất này đã được UBND TP ban hành từ năm 2015-2016.

Ông Trần Trọng Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng - cho biết trên cơ sở những quyết định chuyển mục đích sử dụng đất này, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho các dự án và chủ đầu tư đã khởi công, xây dựng theo quy định. Điều này phù hợp với Luật xây dựng tại thời điểm cấp phép.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước thì UBND TP lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư cho khu đất số 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi chưa đúng quy định vì không đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Với dự án 119 Phổ Quang và dự án 130-132 Hồng Hà, UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư theo quyết định 86 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tài chính về di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch.

Dù vậy, hai dự án này lại không có quyết định di dời cơ sở cũ của UBND TP. Về vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết sẽ họp tổ công tác để rà soát những vấn đề mà kết quả kiểm toán nêu trong thời gian tới.

Đề xuất hủy bỏ gần 300 quyết định bán chỉ định

thang

Bà Phan Thị Thắng, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của UBND TP.HCM, bà Phan Thị Thắng - giám đốc Sở Tài chính - cho biết Sở Tài chính (với vai trò là thường trực ban chỉ đạo 167) đã rà soát việc sử dụng mặt bằng, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP theo quy định tại nghị định 167 năm 2017 về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Qua rà soát, sở này đã đề xuất UBND TP hủy bỏ gần 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng cho tổ chức, cá nhân để tiến hành đưa ra đấu giá.

M.HƯƠNG

Bà LÊ DIỆU ÁNH (tầng 11, tòa nhà The Prince Residence, số 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi):

Phải bảo vệ người mua nhà ngay tình

Người dân ở chung cư này đang rất hoang mang bởi thông tin dự án này đang bị UBND TP tạm dừng thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng dất. Người dân ở dự án này đã được cấp giấy chủ quyền căn hộ từ năm 2016.

Tôi đã tìm hiểu pháp lý của căn hộ khá kỹ khi chọn mua nhà ở dự án này. Khi thấy dự án có đầy đủ các thủ tục của cơ quan chức năng, được Nhà nước cho phép bán nhà, tôi mới mua. Vậy mà đùng một cái, cơ quan chức năng đề nghị dừng thực hiện.

Nếu lỗi do các cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục không đúng thì UBND TP phải có giải pháp để bảo vệ người dân mua nhà ngay tình, tránh trường hợp để dân bị thiệt hại quyền lợi.

Ông NGUYỄN DUY THÀNH

(tổng giám đốc Công ty quản lý nhà toàn cầu Global Home, TP.HCM):

Chủ đầu tư phải công bố giấy phép xây dựng và quy hoạch

Theo thông tin trên báo thì trong các dự án của Novaland ở Phú Nhuận có dự án chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng vẫn được triển khai thi công, xây dựng và bán nhà.

Như vậy, công tác giám sát của Sở Xây dựng và chính quyền địa phương ở đâu khi chủ đầu tư Novaland đã xây dựng nhiều năm qua, tổ chức bán hàng và bàn giao nhà cho cư dân.

Người mua chỉ quan tâm đến việc dự án có giấy phép đầu tư hay chưa, được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng hay chưa và dự án đã đủ điều kiện huy động vốn hay không. Vì vậy, những thông tin như tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đã hoàn thiện và giao nhà cho cư dân sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Chưa kể những kế hoạch kinh doanh của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người dân, chủ đầu tư cần sớm công bố những thông tin pháp lý của dự án, cơ quan nhà nước cũng sớm đưa thông tin chính xác và rõ ràng về tình trạng của từng dự án để người dân biết. Bởi những vấn đề đó không phải là lỗi của người dân.

Để tránh rủi ro cho người mua nhà, tôi đề nghị cần có quy định chủ đầu tư phải công bố giấy phép xây dựng và quy hoạch 1/500 trên website chính thức của dự án và khi mở bán chứ không chỉ nói về vị trí và giá cả là được.

D.NGỌC HÀ - TRẦN MẠNH

D.NGỌC HÀ - A.NHÂN - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên