Chương trình trải nghiệm hướng nghiệp do Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức có chủ đề "Định hướng nghề nghiệp - Lập trình tương lai".
Học sinh lớp 11 đã được gặp gỡ và trao đổi với 13 chuyên gia thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thiết kế thời trang, công an, kỹ sư, bác sĩ, MC, nhà báo, đạo diễn, CEO, tiếp viên hàng không…
Hướng nghiệp theo nhóm ngành
Thay vì tổ chức cho học sinh trải nghiệm hướng nghiệp ở sân trường thì ban giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn đã chia thành 4 phòng hướng nghiệp khác nhau.
Mỗi phòng chỉ có hơn 100 học sinh giao lưu với chuyên gia theo từng ca và theo các nhóm ngành. Cách làm này nhằm tạo cơ hội cho học sinh được tiếp xúc, trò chuyện nhiều hơn với chuyên gia về ngành nghề mà mình quan tâm.
Tại khu vực này, học sinh đã đặt rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề làm sao để chọn nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội; nếu lỡ chọn một nghề mà nghề đó quá khó, có quá nhiều thử thách thì phải làm sao…
Đặc biệt, chương trình trải nghiệm hướng nghiệp còn có cuộc thi tranh biện "Nên chọn nghề theo nhu cầu xã hội hơn là đam mê". Đây chính là khu vực sôi động nhất của chương trình trải nghiệm hướng nghiệp ngày 13-4 ở Trường Lê Quý Đôn.
Thiên Phúc, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Lê Quý Đôn, chia sẻ: "Trước khi tham gia chương trình trải nghiệm hướng nghiệp này, mình vẫn còn phân vân giữa nghề báo và nghề MC. Tuy nhiên, khi đã đặt câu hỏi và được chuyên gia giải đáp cặn kẽ, mình đã hiểu ra vấn đề. Thời gian tới, mình sẽ có kế hoạch để từng bước thực hiện ước mơ".
Hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 10
Theo cô Bùi Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình hướng nghiệp chính thức cho học sinh từ lớp 10. Trước đó, trường cũng có chương trình hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 thông qua ngày hội tư vấn tuyển sinh lớp 10.
"Khi các em đã chính thức trở thành học sinh lớp 10 của Trường THPT Lê Quý Đôn, sẽ được hướng nghiệp theo 7 giai đoạn:
Giai đoạn 1. Tìm hiểu bản thân: Nhà trường khuyến khích học sinh thực hiện các bài test đánh giá năng lực và sở thích. Bên cạnh đó, trường sẽ tổ chức các buổi hội thảo để giúp học sinh nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và đam mê của bản thân.
Giai đoạn 2. Khám phá các lĩnh vực nghề nghiệp: Chương trình hướng nghiệp ngày 13-4 chính là giai đoạn này.
Giai đoạn 3. Phát triển kỹ năng mềm: Trường sẽ tổ chức các khóa học hoặc workshop về kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và quản lý thời gian. Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ, tổ chức sự kiện và dự án cộng đồng để rèn luyện kỹ năng.
Giai đoạn 4. Lập kế hoạch giáo dục và nghề nghiệp. Giai đoạn này, học sinh sẽ được hướng dẫn để lập kế hoạch học tập dài hạn dựa trên mục tiêu nghề nghiệp.
Giai đoạn 5: Tìm kiếm và thực hiện các cơ hội thực tập, tham quan để giúp học sinh hiểu rõ hơn về môi trường làm việc thực tế.
Giai đoạn 6. Tư vấn và hỗ trợ, giúp học sinh giải đáp thắc mắc và xác định rõ hướng đi. Đồng thời nhà trường sẽ hợp tác với phụ huynh trong quá trình chọn nghề của học sinh.
Giai đoạn 7. Tư vấn cho học sinh để các em tìm hiểu, chọn lựa các trường đào tạo phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận