Chốt kiểm soát qua quét mã QR tại ngã ba Nguyễn Thị Thập - đường số 38, quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo ông Ngân, giãn cách xã hội là giải pháp được nhiều nước sử dụng để giảm lây lan khi có nhiều biến chủng, tốc độ lây lan rất nhanh qua nhiều con đường. Tuy nhiên, các quốc gia chỉ giãn cách nghiêm trong một thời gian ngắn và phát huy được hiệu quả.
Chưa đủ điều kiện, khó nới giãn cách
* Hơn 3 tháng qua, người dân đã đồng hành với TP, chấp hành các chỉ thị để chống dịch, song vấn đề người dân quan tâm là khi nào có thể sống chung với dịch?
- Chúng ta thường nói "sống chung với lũ", nhưng để sống thích nghi được với lũ thì người dân cần phải làm nhà kiên cố hoặc nhà bè, chuẩn bị ghe thuyền để nước lên nhà lên, không bị lũ nhấn chìm. Với dịch bệnh này cũng vậy, tỉ lệ tử vong tính trên số ca lây nhiễm của TP.HCM hiện ở mức 4,14%, trong khi cả nước 2,48% và thế giới là 2,07%.
Dẫn ra con số này để thấy rằng tỉ lệ mắc và tử vong ở TP.HCM hiện đang ở mức cao, số người tử vong đã 10.000 người và số người đang điều trị trong các bệnh viện khoảng 40.000 người. Do đó, chỉ có thể "sống thích nghi" khi đáp ứng những điều kiện cơ bản với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe người dân.
* Những điều kiện cơ bản đó là gì, thưa ông?
- Tôi lấy một ví dụ một gia đình có F0, vấn đề đặt ra là có thể cho F0 này cách ly tại nhà hay không khi trong nhà có nhiều thành viên, lớn có, trẻ có, bệnh nền có, dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin cũng có. Cần thấy rằng muốn F0 cách ly tại nhà cũng phải có điều kiện, còn sống chung với xã hội thì phải có những điều kiện mang tính phổ quát hơn nữa. Do đó, điều kiện mà tôi muốn nêu ra ở đây gồm 7 tiêu chí.
Thứ nhất, tỉ lệ ca nhiễm phát hiện hằng ngày phải theo xu hướng giảm dần, bây giờ mỗi ngày vẫn 5.000 - 8.000 ca, chúng ta có mở cửa đi nữa cũng ít ai dám ra đường.
Thứ hai, tỉ lệ tử vong cũng phải theo xu hướng giảm, hiện mỗi ngày chúng ta nhận được con số rất đau xót khi 250 - 350 ca tử vong. Phải khẳng định tỉ lệ ca nhiễm phát hiện và số ca tử vong phải có xu hướng giảm mới tính chuyện sống chung.
Thứ ba, số ca F0 phải điều trị trong bệnh viện cũng phải giảm, hiện số ca đang điều trị trong các bệnh viện ở TP khoảng 39.000 - 40.000, con số này còn rất cao.
Thứ tư, tỉ lệ phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi phải đạt 90-100%. Trong đó người cao tuổi, người có bệnh nền phải phủ được 100%. Trong bối cảnh nguồn vắc xin còn hạn chế, trước mắt cần phải phủ vắc xin mũi 1, sau đó đẩy nhanh tiêm mũi 2.
Thứ năm, hệ thống cung cấp oxy cho người bệnh phải đảm bảo, nhất là cung cấp oxy ở tuyến cơ sở, hiện nhiều ca tử vong vì không tiếp cận được oxy kịp thời. Đặc biệt, sau này doanh nghiệp hoạt động thì y tế doanh nghiệp, trạm y tế ở các khu công nghiệp, trạm y tế lưu động phải cung cấp oxy kịp thời và xem đây là một tiêu chí quan trọng. Ngay cả bệnh viện dã chiến hiện vẫn còn thiếu oxy.
Thứ sáu, việc điều trị phải đáp ứng đủ theo yêu cầu của người dân, thậm chí dân bệnh có thể ra tiệm thuốc mua thuốc theo toa bác sĩ.
Thứ bảy, cần phải có hệ thống y tế sẵn sàng tiếp nhận bệnh đối với bệnh nhân mắc COVID-19, không để xảy ra tình trạng bệnh nhân đi tìm các bệnh viện, chạy như vậy người dân chưa tìm được bệnh viện đã không qua khỏi.
Với 7 tiêu chí cơ bản trên, tôi cho rằng nếu đáp ứng được, chúng ta mới có thể nới lỏng giãn cách.
Người dân tiêm vắc xin mũi 2 tại Viện Y dược học dân tộc, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều tín hiệu tích cực để TP mở cửa
* Dựa trên những tiêu chí ông đưa ra, ông đánh giá TP.HCM có thể áp dụng sống chung với COVID-19 trong thời gian tới?
- Sau thời gian dài áp dụng giãn cách xã hội ở nhiều mức độ, tôi đánh giá TP.HCM hiện đang ở giai đoạn "quá độ", giai đoạn tiền mở cửa. Những con số thống kê cho thấy một số điểm sáng để tính đến chuyện sống thích nghi với COVID-19.
Ví dụ, tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi ở TP đã đạt 87%, trong số này có 5,1% người đã tiêm đủ 2 mũi. Đặc biệt, một số quận như 5, 11, 7, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ đã tiêm đủ 100% cho người trên 18 tuổi. Các địa phương khác là TP Thủ Đức, quận 1, 6 đã phủ được 90%. Với tốc độ tiêm hiện nay, đến ngày 15-9, việc TP phủ được 100% vắc xin cho người trên 18 tuổi hoàn toàn khả thi.
Điều này cho thấy chúng ta có được những tiền đề để có thể sống thích nghi với COVID-19 nhờ vắc xin kéo giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong thấp. Việc đảm bảo tuyệt đối 5K, 5T và những điều kiện đang tốt lên của TP là cơ sở để chúng ta tin rằng sắp tới TP.HCM có thể mở cửa.
* Liệu rằng chúng ta có thể áp dụng "hộ chiếu vắc xin" điện tử để cho người đã tiêm vắc xin được đi lại, sản xuất?
- Các địa phương, trong đó có TP.HCM, phải giải quyết bài toán kết nối dữ liệu tiêm vắc xin để doanh nghiệp nắm, quản lý mã QR đã tiêm vắc xin của người lao động và người dân. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chia sẻ dữ liệu, doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ nắm được ai đã tiêm vắc xin, số lượng tiêm bao nhiêu mũi, đủ điều kiện để làm việc hay chưa.
Đây là hình thức "hộ chiếu vắc xin" ở cấp độ lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với người người đã tiêm vắc xin. Người làm trong nhà xưởng, làm trong các cơ quan hành chính hay trong các siêu thị, nếu đã tiêm đủ 2 mũi có thể làm việc khi đã nới lỏng giãn cách.
Trong quản lý đi lại của người dân cũng vậy, cơ quan quản lý chỉ cần quét mã QR là có thể nắm hết các thông tin của người dân, trong đó có tiêu chí đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hay chưa và đủ thời gian để sinh kháng thể hay chưa.
Tuy nhiên, TP phải thí điểm, theo tôi, từ ngày 7 đến 15-9 có thể nới dần dần cho những quận đã tiêm 100% vắc xin. Địa phương nào có số ca nhiễm, ca tử vong giảm có thể nới lỏng giãn cách. Đây là một lộ trình cần làm cẩn trọng, có đánh giá cụ thể và cần thiết cho TP.HCM trong giai đoạn này.
Quốc gia "sống chung" với COVID-19: đếm đầu ngón tay
Sống chung với COVID-19 không còn là khái niệm mới ở những quốc gia đã đạt tỉ lệ tiêm vắc xin cao như Anh, Mỹ, các nước châu Âu, Singapore.
Tại Anh, quán bar, club, các khu vui chơi, những trận bóng đá với sân vận động đã đông người trở lại. Theo báo The Guardian, nền kinh tế Anh đã tăng trưởng trong 5 tháng liên tục, tháng 6-2021 tăng 1%, trước đó tháng 5-2021 tăng 0,6% do càng có nhiều hàng quán, dịch vụ mở cửa hoạt động.
Với tỉ lệ tiêm vắc xin đầy đủ đạt hơn 80% dân số, Singapore đã quyết định và thực hiện sống chung với COVID-19. Giai đoạn bắt đầu vào ngày 10-8, các hạn chế đi lại được nới lỏng, cho phép nhập cảnh với lao động nước ngoài và người phụ thuộc tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Trong tháng 9-2021, Singapore chuyển sang giai đoạn 2 bao gồm cho tăng quy mô các sự kiện đông người và mở rộng xét nghiệm nước thải để phát hiện sớm các cụm dịch. Singapore kêu gọi người dân thường xuyên tự xét nghiệm (tự trả tiền về lâu dài). Thay vì cố gắng đưa số ca nhiễm mới về 0, Singapore đẩy mạnh tiêm chủng và xét nghiệm, hạn chế dịch lớn.
Ngày 4-9, Singapore thông báo cho tiêm nhắc lại cho những người già, người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng nếu họ đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 trong vòng 6-9 tháng. Nước này có thể tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022.
HỒNG VÂN
Tổ quân y cơ động 316, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phát thuốc cho các F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Gia cố" thật vững hệ thống y tế
Sống chung thích nghi với COVID-19 trước hết cần phải kiểm soát được dịch và cố gắng chuyển dịch bệnh thành dịch "đặc hữu" (bệnh lưu hành), hạn chế bệnh chuyển nặng, giảm thiểu tối đa trường hợp tử vong.
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến chuyên môn của PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM:
* Thứ nhất, 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi. Số người đã tiêm mũi 2 càng nhiều càng tốt và tăng cường tiêm chủng cho trẻ em. Cần phấn đấu mọi người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều.
Việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 không loại trừ được bệnh, nhưng dù chỉ được tiêm 1 liều cũng giúp giảm nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong. Ngoài ra tiêm vắc xin cũng giúp tránh bị lây nhiễm ít nhất là 60%, từ đó giúp số ca mắc mới giảm và giúp kiểm soát dịch bệnh.
Nếu đã tiêm đủ cho người trưởng thành nhưng trẻ em vẫn có nguy có mắc bệnh thì lúc này việc đánh giá lợi ích - nguy cơ của tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết để điều chỉnh chiến lược tiêm chủng.
* Thứ hai, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị CoVid-19. Cần có hệ thống đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân. Nếu TP.HCM đáp ứng không đầy đủ, tỉ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 dù ít nhưng vẫn có thể xảy ra tình trạng không được điều trị kịp thời, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
* Thứ ba, đảm bảo 5K, không tụ tập. Đây là các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, có căn cứ khoa học và có ưu điểm không làm gián đoạn đối với hoạt động sản xuất, các dịch vụ...
* Thứ tư, hệ thống giám sát dịch tễ tốt. Cụ thể phải tổ chức xét nghiệm được những người có triệu chứng nhằm phát hiện sớm nhất nếu dịch có bùng phát trở lại kết hợp với giám sát trọng điểm từ đó tính đến phương án tăng cường các biện pháp kiểm soát, giãn cách xã hội.
Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI): Chấp nhận và quản lý rủi ro
Sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp đã đến ngưỡng, vì vậy phải mở cửa thị trường, kinh doanh trở lại trong bối cảnh dịch bệnh - "sống chung với dịch". Với công nhân, người lao động đã tiêm đủ hai mũi vắc xin rồi thì khả năng lây nhiễm thấp, nếu có lây nhiễm cũng ít ảnh hưởng tới sức khỏe.
Để chống chọi lâu dài với dịch bệnh, cần chấp nhận và quản lý rủi ro chứ không có phương án tuyệt đối. Dù có đóng cửa chống dịch cũng không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối trước dịch bệnh.
Tính mạng người dân luôn phải đặt lên hàng đầu nhưng nâng cao khả năng chống chịu của cả hệ thống cũng rất quan trọng. Nếu không duy trì sản xuất sẽ không có tăng trưởng, không có nguồn thu ngân sách và chắc chắn không thể mãi đóng băng sản xuất, mãi đóng cửa chống dịch.
Ông Chu Tiến Dũng (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM): Cần tính tới chưa tiêm vắc xin, chưa vào làm việc
Để sống chung với dịch, các doanh nghiệp (DN) phải biết thích ứng với điều kiện mới, phải tự đánh giá, nhận diện và tái cấu trúc để vận hành phù hợp. Đơn cử đối với việc quản trị người lao động, trước đây DN chỉ trả lương, còn cuộc sống người lao động như thế nào DN không nắm.
Bây giờ, DN phải biết người lao động ở đâu, ở một mức độ chừng mực biết được mối quan hệ cộng đồng của họ để đảm bảo an toàn khi họ mắc COVID-19. Ngược lại, người lao động cũng chia sẻ một số thông tin gắn với trách nhiệm đối với DN nhằm mục đích phòng chống dịch.
Với sự thích ứng này, DN cần áp dụng công nghệ và Nhà nước có thể hỗ trợ các DN thay đổi mô hình quản trị bằng gói vay kích cầu lãi suất 0% thông qua hợp tác - công tư. Bây giờ phải khẩn trương làm dù đã muộn rồi, lẽ ra thời gian "ngủ đông" vừa qua chúng ta phải có định hướng như thế và DN phải chuẩn bị, tập hợp lao động, đào tạo để khi tái sản xuất giữ được lao động thích ứng với cách quản trị mới.
Đối với người lao động, nếu chưa tiêm đủ vắc xin thì tạm thời DN chưa tiếp nhận như DN ở Mỹ đã yêu cầu. Tiêu chuẩn chung về "hộ chiếu vắc xin" là do Nhà nước quy định, nhưng tiêu chuẩn cụ thể đối với người lao động để đảm bảo an toàn cho DN nên để DN quyết định. Trách nhiệm an toàn của người lao động nên đặt trên vai của chủ DN, đừng đặt trên trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương.
XUÂN MAI - N.HIỂN - B.NGỌC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận