Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương Q.5, TP.HCM chụp ảnh kỷ niệm trước kỳ thi THPT quốc gia 2016 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Với nền giáo dục có quy mô lớn nhất nước ta, mang tầm cỡ khu vực và thế giới, giờ được trao cơ chế để chủ động xây dựng kế hoạch chiến lược, đây là cơ hội lớn để giáo dục TP.HCM vươn mình, xứng đáng là đầu tàu giáo dục của cả nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu sớm đưa TP.HCM trở lại vị trí số 1.
Là nhà giáo, tôi thật sự vui mừng trước những đổi thay của giáo dục TP.HCM từ năm học 2016 - 2017, xin được chia sẻ thêm mấy vấn đề sau.
Một là, thành phố cần có sự phát triển cân đối - hiệu quả - bền vững giữa đào tạo mũi nhọn (đào tạo nhân tài) với nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực thông qua dạy - học giúp học sinh theo học tại các trường nghề, các trường cao đẳng - đại học.
Hai là, vấn đề thiết kế và biên soạn chương trình - sách giáo khoa; tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học; đổi mới phương pháp dạy học - giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục, kiểm tra - đánh giá cần đảm bảo các nguyên tắc: truyền thống, hội nhập, có lộ trình, hiệu quả, “khoan” sức dân, tiết kiệm, minh bạch, dân chủ.
Ba là, việc phân cấp cho các cơ sở giáo dục tự chủ là vấn đề cần hết sức thận trọng. Chẳng hạn, nhà trường được chủ động điều chỉnh thời lượng dạy học là “con dao hai lưỡi” - sẽ rất tốt nếu người thực thi có đủ năng lực, tầm nhìn và sẽ là thảm họa khi người thực thi là những cán bộ quản lý kém cỏi, họ sẽ dựa vào đó như là cây gậy tạo ra áp lực, mệt mỏi, căng thẳng cho giáo viên - học sinh - phụ huynh rồi phân bua rằng: Mình làm... đúng quy trình!
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng nhưng làm sao xóa bỏ cách hiểu - cách làm phiến diện đó là chỉ chăm tới chuyện phụ huynh... đóng tiền. TP.HCM còn không ít những viên chức, người lao động thu nhập thấp, thậm chí chạy ăn từng ngày.
Chỉ nhìn một số ít phụ huynh có điều kiện, tự nguyện theo kiểu “bắt buộc” mà đề ra mức đóng góp - đó là nguồn cơn của những lùm xùm, bức xúc trong học sinh, phụ huynh.
Bốn là, cơ chế sẽ phát huy tác dụng, tạo được sự thay đổi chỉ khi có nhận thức đúng đắn trên cơ sở thay đổi cách nghĩ - cách làm của ban giám hiệu, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Như tình hình hiện nay, được tự công nhận tốt nghiệp THPT và vẫn tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường e giẫm theo vết xe đổ (?).
Vì thế, cần chủ động hoạch định biện pháp kiểm tra - đánh giá, bồi dưỡng và giám sát chặt chẽ hiệu trưởng là vấn đề cốt lõi để có kết quả tốt đẹp khi được giao quyền tự chủ.
Năm là, thành phố chủ động tìm kiếm nguồn lực tài chính để tăng lương cho giáo viên. Nhận thức dạy thêm - học thêm tại trường là biện pháp để hỗ trợ đời sống của giáo viên chỉ là trước mắt, không căn cơ, thiếu tính nhân văn. Giáo dục công lập cần được tính đúng, đủ chi phí và được cấp từ nguồn ngân sách của trung ương, thành phố.
Sáu là, thu hút giáo viên giỏi về thành phố song song với tinh giản biên chế. Mạnh dạn đưa ra khỏi ngành những giáo viên yếu kém về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và cả những giáo viên trống vắng tình cảm nghề nghiệp. Chú trọng đội ngũ giáo viên giỏi làm công tác cố vấn học tập, tư vấn tâm lý học đường, tư vấn khởi nghiệp, giáo dục kỹ năng sống.
Bảy là, tạo môi trường làm việc - dạy học trong ngành giáo dục đậm tính nhân văn. Quan hệ giữa đồng nghiệp, giữa thầy cô giáo với học sinh luôn hữu ái, thể hiện tình người Sài Gòn. Từ lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT - các phòng ban - ban giám hiện - giáo viên: sống chia sẻ, tận tâm, thấu hiểu, xóa bỏ lợi ích nhóm - nhũng nhiễu - tiêu cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận