Phút giây hạnh phúc Phương Nga và mẹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
"Có lẽ người trong cuộc và những ai quan tâm, đều trải qua đủ cung bậc cảm xúc qua phiên tòa này. Riêng mình, tôi cho rằng đây là vụ việc liên quan đến những con người đặc biệt, những chứng cứ bất ngờ và đặc biệt, nhân chứng đặc biệt ...
Và, tôi rút ra bảy điều đặc biệt tại phiên tòa vừa kết thúc.
1. Bị cáo là Hoa hậu và bị hại là đại gia
Trương Hồ Phương Nga - hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007, còn người khởi kiện là ông Cao Toàn Mỹ.
Có thể thấy họ đều là những người được học hành bài bản, tại những ngôi trường nổi tiếng và sớm thành đạt. Họ, một thời là ... “bạn bè thân thiết” (theo lời khai tại tòa của ông Cao Toàn Mỹ), nhưng bây giờ họ đứng ở hai phía đối kháng nhau.
Đúng - sai rồi sẽ rõ, chỉ tiếc là tình cảm bạn bè - thứ trân quý của con người dường như Nga - Mỹ đặt không đúng chỗ do những toan tính lầm lạc...?
Đoạn cuối của tình bạn ấy là hờn giận, căng thẳng, mệt mỏi, công kích lẫn nhau. Người ta vẫn nói:
"Chia tay đẹp là hạnh phúc”, tôi không thấy điều ấy được thể hiện, tiếc lắm thay!
2. Bị cáo sử dụng quyền im lặng
Hai ngày đầu của phiên tòa xét xử, Trương Hồ Phương Nga im lặng. Ít người hiểu, nhiều người thì chưa biết về sử dụng quyền im lặng.
Thì ra từ năm 2015, Bộ Luật Tố Tụng hình sự cho phép người bị bắt không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc nhận có tội.
Có thể nói, phiên tòa xét xử Phương Nga đã khẳng định tính dân chủ, tôn trọng quyền con người của luật pháp Việt Nam. Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật không chỉ là khẩu hiệu mà đó là điều mà người dân cần biết, hiểu đúng để áp dụng.
3. Nhân chứng... giấu mặt
Đó là bà Nguyễn Mai Phương - người được Hội đồng xét xử vụ án Hoa hậu Phương Nga triệu tập. Bà Mai Phương đã yêu cầu được ngồi trong phòng kín khi trả lời tòa và không cho cánh báo chí ghi hình.
Cũng là quy định tại điều 55 trong Bộ Luật Tố Tụng hình sự năm 2003. Thêm một minh chứng cho sự dân chủ của công lý Việt Nam.
4. Những bức thư viết trên nilon
Tại tòa, Nguyễn Đức Phương Dung khai đã viết thư gửi cho Lữ Minh Nghĩa trên nilon, Dung viết đến 10 bức thư.
Xếp vuông vắn bì nilon, dùng chỉ (màn) để cắt, lấy bàn chải đánh răng mài nhọn thay cho bút - có hay không còn phải được cơ quan điều tra làm rõ. Nếu có, quả là một tình huống đặc biệt.
5. Bị cáo vừa cười, vừa khóc
Khi nghe Hội đồng xét xử đọc quyết định cho tại ngoại, Nga và Dung nhìn nhau cười; trong vòng tay của mẹ, khi trả lời báo chí Nga cười, rồi khóc - sự thăng hoa của hạnh phúc.
Dẫu những ngày sắp đến còn nhiều khó khăn, nhưng từ bây giờ hai cô bỏ lại phía sau 02 năm 03 tháng 20 ngày buồn tủi trong trại giam.
6. Bị hại ... “một cõi đi về"
Kết thúc phiên tòa chiều 29-6, ông Cao Toàn Mỹ một mình đi về trong vòng vây của phóng viên, đâu đó tiếng la ó khích bác.
Ông ấy đi ..., cánh phóng viên bám theo để ghi hình, có lẽ không kiềm chế được cảm xúc ông Mỹ đá ngã hàng rào, bước lên thảm cỏ. Hình ảnh còn ghi lại cạnh chân ông đi là một tấm biển, chắc biển đó ghi lời nhắc: “không được dẫm lên cỏ" ?
7. Búp bê may mắn
Chiều 29-6, mẹ của Hoa hậu Phương Nga đến tòa dự có mang theo một búp bê Nga mà theo bà là búp bê may mắn. Với mong ước con gái mình sẽ gặp nhiều may mắn.
Trong dòng người đến dự phiên tòa này và có thể ở những phiên tòa đã, đang, sẽ diễn ra khắp đất nước ta thì sự xuất hiện một búp bê bé nhỏ, búp bê may mắn có lẽ chỉ có ở phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga.
* Viết lên bảy điều đặc biệt khi trong tôi còn lắng đọng những buồn vui, trăn trở, nghĩ ngợi về con người; về yêu thương và thù hận; về ích kỉ và bao dung; về ma lực của đồng tiền; về tình mẫu tử thiêng liêng; về sự dân chủ của hội đồng xét xử...
Mong sao cuộc sống mãi được an lành, tốt đẹp - điều ước của nhân loại nhưng bao giờ có được...?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận