13/12/2024 15:26 GMT+7

66 bác sĩ được cử đi học sau đại học, nhưng chờ hoài không thấy tiền hỗ trợ

66 bác sĩ, cán bộ y tế được tỉnh Quảng Trị cử đi đào tạo sau đại học theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Nhưng đến nay, khi đã hoàn thành khóa học nhiều năm, họ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo chính sách của tỉnh.

66 bác sĩ được cử đi học sau đại học, nhưng chờ hoài không thấy tiền hỗ trợ - Ảnh 1.

Hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế tại Quảng Trị vẫn chưa được chi trả tiền đào tạo sau đại học theo chính sách của tỉnh - Ảnh: QUỐC NAM

Dù đã hoàn thành khóa học từ hơn hai năm qua, nhưng 66 bác sĩ, nhân viên y tế được tỉnh Quảng Trị cử đi đào tạo sau đại học vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ theo chính sách bồi dưỡng nâng cao trình độ theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh đầu tháng 12 vừa qua, sự việc trên được ông Đỗ Văn Hùng, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị đưa ra giữa nghị trường để cùng tìm giải pháp tháo gỡ nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Được cử đi học nhưng chưa nhận tiền hỗ trợ

Bác sĩ Võ Thị Thúy Nhung là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh. Năm 2020, bác sĩ Nhung được Sở Y tế cử đi học nâng cao trình độ tại Trường đại học Y Dược Huế theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh với ngành học bác sĩ chuyên khoa I nội khoa. Khóa học kéo dài 2 năm, đến năm 2022 thì bác sĩ Nhung hoàn thành và lấy bằng.

Theo chế độ chính sách mà tỉnh Quảng Trị quy định thì bác sĩ Nhung sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí 2 năm học và 12 tháng cơ sở cho việc hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

"Tổng số tiền tôi được cam kết hỗ trợ theo chính sách hơn 60 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào. Toàn bộ số tiền phục vụ việc học tôi phải vay mượn người quen", bác sĩ Nhung nói.

Cùng bệnh viện với bác sĩ Nhung, một bác sĩ khác cũng được cử đi học theo nghị quyết tương tự và cũng chưa được nhận tiền.

Theo Sở Y tế Quảng Trị, có tổng cộng 66 bác sĩ, nhân viên y tế được cử đi học nâng cao trình độ giai đoạn từ năm 2018 - 2021 theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Những người này đã hoàn thành xong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II nhưng đến nay chưa ai nhận được tiền. Thậm chí có người theo học những chuyên khoa sâu, mức chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng.

"Vấn đề này tồn đọng đã nhiều năm. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra các cuộc họp của tỉnh, của hội đồng để cùng tìm giải pháp nhưng đến nay chưa giải quyết được. Trong khi nhiều người phải đi mượn tiền, vay ngân hàng để đi học", ông Đỗ Văn Hùng, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị nói.

Do giữa hai nghị quyết không có phần chuyển tiếp?

Theo Sở Y tế Quảng Trị, 66 bác sĩ, nhân viên y tế nói trên được cử đi đào tạo nâng cao chuyên môn trong thời gian từ 2 - 3 năm.

Những người này bị "lỡ" việc thanh toán vì đi học đúng thời điểm dịch bệnh, phải nghỉ học giữa chừng hơn một năm rồi mới đi học tiếp. Nhưng trong khoảng thời gian chưa kết thúc khóa đào tạo, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra nghị quyết khác với một số thay đổi về chính sách hỗ trợ đào tạo. Tuy nhiên, nghị quyết mới lại không có phần chuyển tiếp để những trường hợp đang đi học theo nghị quyết cũ được tiếp tục thực hiện.

"Đúng ra, khi xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn tham mưu phải có phần chuyển tiếp. Tức với những trường hợp đang đi học theo nghị quyết trước thì sẽ được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, thực tế là giữa 2 nghị quyết đó lại "khuyết" mất phần chuyển tiếp, khiến 66 bác sĩ đang đi học giữa chừng bơ vơ, không còn căn cứ để được thanh toán chi phí đi học. Trong khi tổng mức chế độ đào tạo sau đại học đối với 66 người là hơn 3,8 tỉ đồng", ông Hùng phân tích.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trước khi gửi tờ trình qua Hội đồng nhân dân tỉnh để thông qua nghị quyết mới trong kỳ họp tháng 12-2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã được các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến tham mưu. 

Trong bản dự thảo gửi lên UBND tỉnh thời điểm đó, cơ quan chuyên môn có đưa vào phần chuyển tiếp cho những người đang đi học theo chính sách của nghị quyết cũ. Tuy nhiên, trong tờ trình chính thức của UBND tỉnh gửi qua Hội đồng nhân dân sau đó, phần chuyển tiếp này lại bị cắt bỏ.

Trước sự việc trên, ông Hà Sỹ Đồng, quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát lại những "lỗ hổng" để tìm giải pháp chi trả chế độ chính sách đào tạo sau đại học đối với 66 bác sĩ nói trên.

66 bác sĩ được cử đi học sau đại học, nhưng chờ hoài không thấy tiền hỗ trợ - Ảnh 4.Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị có chế độ đặc thù lương cho bác sĩ, giáo viên

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có trả lời ý kiến của cử tri một số tỉnh gửi đến sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV liên quan kiến nghị tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức là bác sĩ, giáo viên, lực lượng quân đội nhân dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên